Hà Nội vẫn “chật vật” xóa nhà quái dị

Cập nhật 05/05/2014 14:07

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, ông Nguyễn Thế Hùng, Hà Nội có tổng cộng hơn 600 công trình siêu mỏng, siêu méo. Sau nhiều lần kiên quyết xử lý, đến thời điểm này, Hà Nội hiện còn 192 công trình vẫn tồn tại. Hiện tượng này gây mất mỹ quan, mất bản sắc đô thị và gây nhiều bất cập trong quản lý và phát triển đô thị. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để cần có chế tài mạnh hơn như dự thảo trước đây, có thể thu hồi cả đất ngoài chỉ giới mở đường và tiến hành giải phóng mặt bằng.


Ông Hùng cho biết, mặc dù đã có quy định rất rõ ràng, diện tích đất dưới 15m2 có cạnh dưới 3m sẽ không được phép xây dựng các công trình độc lập nhưng thực tại hiện nay, ở Hà Nội trên tuyến vành đai I Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu có đến 50 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo mọc lên trên con đường mới mở. Với 50 trường hợp này, ông Hùng khẳng định, UBND TP đã thực hiện xong thủ tục hợp khối 20 trường hợp, 7 trường hợp đã ban hành quyết định thu hồi, 3 trường hợp có cạnh thửa đủ điều kiện đã được cấp phép tồn tại. Hiện vẫn còn 20 trường hợp đang được tiếp tục xử lý.

Như vậy, mới chỉ có 7 trường hợp được xử lý, còn lại, hàng loạt công trình nhà siêu mỏng, siêu méo đang tồn tại ngay trên con đường "đắt nhất hành tinh" - tuyến Vành đai I Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu. Trước ý kiến dư luận cho rằng, việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo còn thiếu kiên quyết và chậm, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội giải thích: “Để tồn tại nhà siêu mỏng, siêu méo là không chấp nhận được, song đó là hậu quả của quá trình phát triển đô thị do nhiều yếu tố, nên quan trọng là cách ứng xử với hiện tượng này". Mặc dù vậy, “ứng xử” thế nào để mỹ quan đô thị không bị những kiến trúc “kì dị” làm xấu, chủ sở hữu (đa phần là hợp pháp) của những nhà siêu mỏng, siêu méo không bị thiệt thòi lại là cả một vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý.

Sở dĩ mới chỉ xử lý được 7 trường hợp tại tuyến đường Vành đai I Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, theo ông Hùng, là do trách nhiệm chính của chính quyền địa phương. Nhưng căn nguyên sâu xa của vấn đề lại nằm ở nguồn tài chính. “Đơn cử như ở tuyến đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, trong tổng kinh phí 1.000 tỷ đồng đầu tư, kinh phí giải phóng mặt bằng đã ngốn hết 700 tỷ đồng, chỉ còn 300 tỷ đồng cho việc thi công đường. Nếu thu hồi hết diện tích 2 bên tuyến Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu ngân sách Nhà nước sẽ không đủ”.

Cũng theo ông Hùng, trong số hơn 600 công trình siêu mỏng, siêu méo, Hà Nội hiện còn 192 công trình vẫn tồn tại. Đây là những trường hợp rất khó khăn, một số công trình xây dựng từ năm 2007 (thời điểm chưa có quy định về các diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng) nên phải có phương án thu hồi, tái định cư cho chủ sở hữu những công trình này.

DiaOcOnline.vn - Theo CAND