UBND thành phố Hà Nội vừa yêu cầu các đơn vị chức năng khẩn trương rà soát tổng thể các dự án nhà ở thương mại và khu đô thị mới, trong đó tập trung vào việc xây dựng các hạ tầng.
Trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng gần 900 dự án bất động sản nằm trong diện thành phố kiểm soát, cấp phép đầu tư. |
Theo chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, các Sở: Xây dựng, Quy hoạch Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, tuỳ vào chức năng của mình phải tiến hành rà soát tổng thể các dự án nhà ở, khu đô thị trên địa bàn thành phố.
Trong quá trình rà soát, phải tập trung làm rõ tiến độ và sự chấp hành của các chủ đầu tư trong việc đầu tư xây dựng các hạng mục hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật tại các khu đô thị, khu chung cư, báo cáo về UBND thành phố trong tháng 4/2015.
UBND thành phố cũng yêu cầu các cơ quan nói trên, khi tiến hành thủ tục cấp phép đầu tư, chấp thuận dự án phải nghiêm túc thẩm tra hồ sơ, xác định tiến độ cụ thể của dự án hạ tầng kỹ thuật - xã hội cũng như phương thức và cơ chế đầu tư các hạng mục này.
Đặc biệt, khi đề xuất xem xét lựa chọn nhà đầu tư các dự án mới, các sở ngành không đề xuất các nhà đầu tư kém năng lực, cố tình không thực hiện hoặc chậm tiến độ các công trình hạ tầng theo tiến độ dự án đã được chấp thuận.
Cùng với đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp với các sở ngành liên quan, các quận huyện rà soát, lập danh mục kế hoạch đầu tư các công trình khớp nối các công trình hạ tầng của các dự án nhà ở, khu đô thị với khu vực xung quanh của thành phố; cùng Sở tài chính cân đối nguồn vốn để thực hiện các công trình này.
Trong số 859 dự án được rà soát, có 777 dự án với diện tích hơn 2.190ha là nằm trong danh mục các dự án theo kế hoạch của thành phố. Có 82 dự án được các cơ quan thẩm quyền và quận, huyện bổ sung.
Theo một báo cáo mới đây của UBND thành phố Hà Nội, đến cuối 2014, thành phố tiến hành rà soát được gần 900 dự án nhà ở, bất động sản, trong đó có đến 352 dự án với diện tích hơn 1.400ha có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai, chưa hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất, thuê đất…
Trong đó, 157 dự án có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai như không sử dụng đất trong 12 tháng liền, sử dụng sai mục đích hoặc cho thuê, chuyển nhượng trái quy định; 53 dự án chậm tiến độ 24 tháng; có 35 dự án vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng…
Tuy nhiên, theo UBND thành phố, mặc dù số lượng dự án nhiều như vậy, song từ năm 2006 đến 2009, Sở Xây dựng mỗi năm chỉ kiểm tra 2 dự án. Đến năm 2012 là 30 dự án, 2013 là 17 dự án, năm 2014 chỉ khoảng là 30 dự án.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy