Hà Nội thành "siêu thị" bất động sản

Cập nhật 22/07/2011 15:55

Nhiều chuyên gia lo lắng, Hà Nội sẽ thành “chợ” bất động sản (BĐS) sau khi quy hoạch chung Thủ đô được phê duyệt và hàng trăm dự án được “cởi trói”. Đây là điều không mong đợi khi mở rộng Thủ đô.

>>> Bất động sản nín thở trước ngày duyệt quy hoạch chung Thủ đô


Các dự án đang giai đoạn làm hạ tầng nhưng đã được rao bán ầm ĩ. Ảnh: Tú Anh.

Ào ào đất ruộng thành nhà

Theo lãnh đạo huyện Hoài Đức, phần lớn trong số hơn 80 đồ án, dự án trên địa bàn là các dự án BĐS. Nhiều dự án với những cái tên lạ hoắc, được phê duyệt quy hoạch, chấp thuận đầu tư trước thời điểm hợp nhất Hà Tây vào Hà Nội chỉ ít ngày (1-8-2008). Còn các chủ đầu tư ít có tên tuổi trong lĩnh vực BĐS, mà chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất máy kéo và máy nông nghiệp, cung ứng nhân lực…

Chẳng hạn, khu nhà ở dịch vụ thương mại cao cấp Viet.INC-Mekong (xã Vân Canh), quy mô 23,8ha, của Cty CP Ôtô xe máy Hà Nội phê duyệt ngày 4-7-2008; Khu biệt thự và căn hộ cao cấp Hoàng Kim (xã Vân Canh), quy mô 17,6 ha của Cty CP đầu tư xây dựng Thành Long phê duyệt 29-2-2008; Khu đô thị làng cổ Việt của Cty CP Đầu tư xây dựng và thương mại HSTC quy mô 56 ha tại La Phù phê duyệt quy hoạch 1/500 tháng 7-2008.

Thạch Thất, Quốc Oai… là những huyện nóng nhất về phát triển Khu đô thị (KĐT) đang đau đầu khi tình trạng ruộng đồng “dài cổ” chờ dự án. Nhiều dự án đô thị thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (GPMB) từ lâu nhưng đến nay chỉ san lấp chứ chưa triển khai gì. Trong khi đó, các chủ đầu tư lại lo bán “lúa non”, dưới hình thức góp vốn gây nhiều rủi ro.

Ông Nguyễn Doãn Hoàn - Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết: “Huyện có trên 100 dự án, nhiều trong số này mới chỉ dừng ở việc treo biển, chấp thuận đầu tư, chưa có quyết định thu hồi đất, GPMB nên bà con vẫn cày cấy bình thường”.

Số lượng rất lớn đồ án, dự án nằm ở khu vực phía Tây Hà Nội, nhưng việc phân bố, cơ cấu lĩnh vực đầu tư không đồng đều, là những yếu tố đáng lo ngại cho sự phát triển bền vững của Thủ đô mở rộng. Nhiều KĐT như: Lideco - Hoài Đức (84 ha); Vân Canh HUD (trên 64 ha); Tân Tây Đô (23 ha)…, với hàng trăm căn biệt thự- nhà liền kề (giá bán 30-80 triệu đồng/m2) đã được xây dựng nhưng hiện hoang vắng, không có người đến ở.

“Nhiều người đang đặt câu hỏi, Hà Nội có nhất thiết quá nhiều Khu đô thị mới (KĐTM), dự án về BĐS như vậy không? Chủ trương tránh co cụm trong nội đô bằng việc phát triển các khu cao tầng nhưng thực tế lại có quá nhiều khu nhà biệt thự - liền kề mọc lên với quy mô lớn. Khó mà chấm dứt cảnh bỏ hoang vì hầu hết đều đầu tư, đầu cơ chứ mua để ở rất ít” - KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc phân tích.

Thị trường méo mó


Thực tế, các dự án BĐS trước khi sáp nhập Hà Nội được tỉnh Hà Tây, hoặc huyện Mê Linh phê duyệt quy hoạch 1/500 có hai dạng. Thứ nhất, được “bật đèn xanh” về mặt pháp lý cho tiếp tục triển khai. Hai, phải chờ Đồ án quy hoạch chung, vì chưa phù hợp quy hoạch, ảnh hưởng trục Ba Vì - Hồ Tây, vành đai Sông Nhuệ...

Ở dạng thứ nhất, dù được “bật đèn xanh”, nhưng không phải chủ đầu tư nào cũng đủ năng lực tài chính, nguồn lực để dự án sớm “chạy”.

Những dự án của các chủ đầu tư lớn của Nhà nước hay tư nhân như: Bắc An Khánh, Lideco, Tân Tây Đô, Kim Chung Di Trạch, Vân Canh, Xa La, Dương Nội, Văn Khê, Văn Phú… đều được triển khai có thể một phần do năng lực tài chính, cũng như khả năng huy động vốn. Trong lúc đó các dự án khác hầu như giậm chân tại chỗ.

Ở dạng thứ hai, các dự án đang chờ Đồ án Quy hoạch chung, đương nhiên dự án sẽ bị tạm dừng, bỏ hoang cỏ mọc um tùm. Tuy nhiên, không ít chủ đầu tư đã tranh thủ huy động vốn trước dưới hình thức góp vốn, hay vay vốn các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

“Chưa bàn khía cạnh pháp lý, dưới góc độ nào đấy việc làm này vô hình chung làm méo mó thị trường. Bởi họ huy động nguồn lực để triển khai dự án nhưng thực tế dự án chưa được thực hiện, rồi đem vốn đấy đi làm những việc khác.

Thêm vào đó, những người góp vốn hay cho vay vốn dự án trao qua đổi lại quyền được mua sản phẩm dự án trong tương lai, cũng làm thị trường bị đẩy giá, bị thao túng. Tóm lại là làm thị trường cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng những dự án triển khai thật, và không loại trừ nó sẽ đẩy các cơ quan quản lý vào thế đã rồi”-Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, phân tích.

Các dự án được triển khai hoặc chưa triển khai đều có cách lý giải của các cấp quản lý, nhưng câu hỏi đặt ra sẽ có nhiều dự án đặt Đồ án quy hoạch chung vào tình huống “sự đã rồi”. Liệu bản Đồ án sẽ “chiều lòng” theo thực tế đang diễn ra, hay vươn tới một quy hoạch phù hợp nhất?

Có dự án hiện đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư nhưng trên mạng đã rao bán. Đơn cử dự án KĐT An Thịnh 6 xuất hiện nhiều trên các trang thông tin từ đầu năm, rao bán với giá 20-28 triệu đồng/m2 biệt thự - liền kề.

Ông Vũ Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, cho rằng, các dự án đang dừng chờ quy hoạch chung được phê duyệt nhưng trên thị trường lại được chào bán là vi phạm.

“Quy hoạch chung Thủ đô chưa duyệt, quy hoạch phân khu chưa triển khai. Vì thế, nếu chủ đầu tư nào rao bán là chưa có cơ sở pháp lý, chưa nói đến điều kiện về huy động vốn có đúng hay không” - Ông Định nói.



DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong