Hà Nội: Tạm trú vẫn được cấp GCN quyền sử dụng đất

Cập nhật 19/05/2008 08:00

Quyết định về việc cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất cùng với quyền sở hữu tài sản gắn liền trên đất do Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh ký ban hành áp dụng từ ngày 19-5 có rất nhiều điểm mới được cho là thông thoáng hơn và giảm bớt những vướng mắc trong công tác cấp GCN.

Nhà ngoài đê, tạm trú ổn định sẽ cấp GCN!

Không ít cuộc họp hay trong các buổi làm việc cùng với các sở ngành của TP, quận Tây Hồ và quận Hoàn Kiếm cho rằng việc xét cấp GCN quyền sử dụng đất cho các trường hợp sống ngoài đê đang gặp rất nhiều khó khăn, nhiều trường hợp muốn cấp nhưng theo qui định lại không được. Trong khi đó số căn hộ khu vực ngoài đê lên tới hàng chục ngàn, điều này gây khó khăn cho chính quyền trong quản lý và khiến các hộ dân bức xúc.

Theo quyết định mới này, trường hợp người sử dụng đất phía ngoài đê của sông Hồng, sông Cầu, sông Đuống, sông Cà Lồ sẽ được cấp GCN quyền sử dụng đất khi chấp hành các qui định về xây dựng, các qui định về an toàn đê điều, qui hoạch thoát lũ. Khi Nhà nước thu hồi, trưng dụng đất để thực hiện dự án theo qui hoạch hoặc do yêu cầu khẩn cấp phải bảo vệ đê điều, tạo hành lang thoát lũ, người sử dụng đất phải chấp hành quyết định thu hồi trưng dụng đất, chấp hành qui định về thoát lũ và đê điều.

Theo qui định trước đây, những người được xét cấp GCN quyền sử dụng đất phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, tuy nhiên nay được bổ sung: những trường hợp không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội nhưng đã nhận chuyển nhượng, nhận tặng, cho nhà ở, đất và đã đăng ký tạm trú có thời gian ăn ở ổn định tại Hà Nội từ một năm trở lên sẽ được cấp GCN. Theo đó, người được cấp GCN phải nộp lệ phí theo mức là 125.000đ, trong đó lệ phí chứng nhận quyền sử dụng đất 25.000đ và lệ phí chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất 100.000đ.

Ghi nhận quyền sở hữu ra sao?

UBND TP Hà Nội cho biết trong khi chờ đợi các bộ ngành thống nhất cấp một loại GCN quyền sử dụng đất cùng với quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo nghị quyết của Quốc hội, TP tạm thời ban hành quyết định qui định ghi nhận quyền sở hữu tài sản trên đất trên GCN quyền sử dụng đất. Theo đó, các loại tài sản như nhà ở, công trình xây dựng, căn hộ chung cư, công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình kiến trúc, vườn cây lâu năm… đều được ghi nhận trên GCN.

Cũng theo quyết định này, chủ sở hữu tài sản khi đề nghị công nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền trên đất phải có một trong các loại giấy tờ như: giấy phép xây dựng về nhà ở, công trình xây dựng đối với những trường hợp phải xin phép xây dựng; hợp đồng mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá đất; hợp đồng bán nhà hoặc giấy tờ giao nhà tái định cư, thuê mua nhà ở xã hội; giấy tờ về trao tặng nhà tình nghĩa; giấy tờ về sở hữu nhà ở do cơ quan có thẩm quyền cấp; giấy tờ mua bán, nhận tặng cho, thừa kế tài sản gắn liền với đất đã có công chứng.

Trường hợp người đề nghị công nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất không có một trong những giấy tờ trên nhưng đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất theo qui định này thì phải có giấy tờ được UBND cấp xã xác nhận về hiện trạng tài sản gắn liền với đất không có tranh chấp về quyền sở hữu, được xây dựng trước khi có qui hoạch xây dựng hoặc phải phù hợp qui hoạch đối với trường hợp xây dựng sau khi có qui hoạch theo qui định về xây dựng.

Lãnh đạo TP khẳng định những trường hợp đã cấp GCN song chưa có thông tin về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, nếu có nhu cầu công nhận sẽ được UBND quận, huyện chứng nhận bổ sung quyền sở hữu. Đồng thời TP giao trách nhiệm cho UBND cấp phường, xã, thị trấn phải công bố danh sách các trường hợp đủ điều kiện và không đủ điều kiện cấp GCN tại trụ sở trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ của các hộ dân.

Cấp GCN trong 56 ngày

Theo quyết định của UBND TP Hà Nội, TP qui định tổng thời gian thẩm tra, đối chiếu hồ sơ quản lý đất đai, cấp GCN và giao GCN cho người đề nghị được công nhận quyền sở hữu không quá 56 ngày.

Đồng thời TP qui định tám trường hợp nhà ở, công trình xây dựng sẽ không được công nhận quyền sở hữu gồm: trường hợp không có giấy tờ về nhà ở theo qui định tại điều 43 nghị định 90/2006; nhà ở - công trình xây dựng không phép, sai phép sau ngày 1-7-2006 chưa được xử lý; nhà ở tạm, công trình xây dựng tạm; nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;

Công trình xây dựng thuộc sở hữu toàn dân; nhà ở - công trình nằm trong khu vực cấm xây dựng hoặc lấn chiếm mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử, văn hóa đã xếp hạng; nhà ở, công trình xây dựng đã có quyết định hoặc thông báo giải tỏa, phá dỡ đã có quyết định thu hồi đất; nhà ở, công trình xây dựng mà Chính phủ VN và chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế có cam kết khác; nhà ở - công trình xây dựng có tranh chấp, khiếu nại có liên quan đến quyền sở hữu.


Theo
Địa Ốc TTO