Mỗi năm, tỷ lệ sinh viên tuyển mới vào các trường đại học, cao đẳng tăng từ 6-9% năm, trong đó có tới 60-80% là sinh viên ngoại tỉnh. Điều đó kéo theo nhu cầu thuê nhà ngày một tăng cao.
Dạo quanh một vòng trên địa bàn Hà Nội, hầu hết ký túc xá các trường hiện nay đã chật cứng. Vì vậy, sinh viên phải đi tìm thuê nhà ở những khu vực lân cận đã trở thành quen thuộc. Từ lâu, các khu vực ven ngoại thành Hà Nội luôn “cháy” phòng bởi lượng sinh viên đến hỏi thuê quá nhiều. Cho dù, giá thuê phòng liên tục tăng cao nhưng vẫn không thể đáp ứng nổi nhu cầu của những người thu nhập thấp.
Anh T., chủ nhà trọ tại Mỹ Đình, Cầu Giấy nói: “Bây giờ, những người thu nhập thấp đến Hà Nội ngày một đông, vì vậy, việc thiếu nhà trọ là tất yếu”.
Giá thuê nhà tăng chóng mặt
Tính đến thời điểm nay, các nhà trọ cho thuê gần như đã kín, thế nhưng vẫn rất nhiều người đến hỏi thuê nhà. Quỹ đất có hạn, nhiều nhà dân tận dụng xây phòng theo dãy. Thông thường, mỗi phòng chỉ từ 9-10m2, cá biệt có những nơi tập trung đông dân cư, để “thâm canh” chủ nhà chỉ xây từ 7-8m2. Giá mỗi căn hộ trên dao động từ 400-600 nghìn đồng. Giá này ngay cả những sinh viên cũ cũng khó chấp nhận.
Cách đây hai tháng, trước khi nghỉ hè, những căn phòng như vậy chỉ có giá từ 300-500 nghìn đồng. Các căn hộ riêng biệt và nhà chung cư cũ, nhân dịp này cũng tăng giá lên từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng.
Chỉ tính riêng các khu vực “nóng” như: làng Phùng Khoang, Triều Khúc (Thanh Xuân); Dịch Vọng, Đồng Xa (Cầu Giấy); Cổ Nhuế (Từ Liêm)... số người thu nhập thấp đến thuê nhà chiếm tới 70% người dân địa phương.
Những năm trở lại đây, đa phần trong làng thuộc các khu vực trên đều xây nhà cho thuê, trung bình mỗi nhà xây thêm 5-6 phòng, cá biệt có nhà xây tới 25-30 phòng. Giá phòng dao động từ 400-600, như vậy mỗi tháng số tiền thu nhập quả là không nhỏ. Đó là chưa kể các dịch vụ như: tiền điện, tiền nước, tiền vệ sinh và những phụ phí khác.
Đôi vợ chồng trẻ Đ. và L. thuê ở Nghĩa Tân, Cầu Giấy tâm sự: “Căn hộ này chúng em đã thuê được 2 năm nay rồi, trước đây chỉ 800 nghìn đồng/tháng. Năm vừa rồi chủ nhà tăng lên 1,3 triệu/tháng. Mấy hôm trước, do sinh viên lên thuê trọ đến hỏi nhiều, chủ nhà ép giá lên 1,8 triệu/tháng, biết thế đấy nhưng đành chịu. Lương em bây giờ vào khoảng trên dưới 2 triệu/tháng, đi làm vừa đủ trả tiền thuê nhà. Không biết, đến bao giờ mới thoát được cái cảnh này”.
Bình quân mỗi năm Hà Nội xây dựng được hơn 1 triệu m2 nhà ở, đưa diện tích nhà ở bình quân trên đầu người lên 7,3 m2. Để đáp ứng nhu cầu thuê phòng ngày một tăng cao, thời gian qua thành phố đã tập trung triển khai một số dự án thí điểm xây dựng nhà ở phục vụ các đối tượng chính sánh, thu nhập thấp, sinh viên như: Xây dựng làng sinh viên Hacinco, khu nhà ở 228 đường Láng, khu nhà ở B3, B4, B5 Cầu Diễn, khu nhà 9 tầng ở Xuân Đỉnh...
Tuy nhiên, tình hình nhà cho thuê hiện nay vẫn chưa cải thiện đáng kể. Đặc biệt như các đối tượng thu nhập thấp là cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên, người lao động và di dân ngoại tỉnh vẫn chưa được giải quyết nhà ở hợp lý theo yêu cầu tối thiểu hiện tại.
Xây dựng không theo kịp nhu cầu
Thực tế cho thấy, các dự án hiện triển khai còn chậm và ngay cả khi dự án được thực hiện thì lượng nhà cung ứng so với nhu cầu hiện tại là rất nhỏ bé. Các dự án còn nhiều bất cập như: dự án Làng sinh viên Hacinco, ngoài ưu điểm là tạo ra một quần cư hiện đại cho sinh viên thuê nhưng khi đưa vào sử dụng còn nhiều bất cập như: đa phần sinh viên thuê thuộc gia đình khá giả, có nhiều các công ty, cửa hàng, doanh nghiệp cũng thuê văn phòng tại đây.
Theo Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng thì nhu cầu thuê nhà cho người thu nhập thấp tăng cao, đặc biệt là làn sóng nhập cư về sinh sống, học tập và làm việc tại Hà Nội. Tuy nhiên, các chủ đầu tư chỉ mới tập trung xây dựng chung cư để bán, còn thị trường căn hộ cho thuê bình dân hầu như bị bỏ ngỏ. Nguyên nhân của việc trên đó là chủ đầu tư phải chịu áp lực vay vốn từ ngân hàng. Đa phần là vay ngắn hạn từ 2-3 năm, hay trung hạn 5 năm đầu tư cho các công trình.
Trong khi đó, nếu xây nhà cho thuê, doanh nghiệp phải mất ít nhất 10 năm mới tính đến chuyện hoàn vốn, chứ chưa nói đến lãi. Điều này, khiến cho lời giải cho bài toán khó này ngày càng nan giải. Vào khoảng đầu năm 2008, với việc hoàn thành dự án thí điểm thì sẽ có 1.000 căn hộ cho thuê, đặc biệt sẽ ưu tiên các viên chức, sỹ quan, công nhân.
Nhưng trên thực tế, theo Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội, từ năm 2006 đến 2010, Hà Nội cần khoảng 100.000 căn hộ. Trong đó, riêng nhu cầu nhà cho thuê lên tới 18.000 căn, như vậy với con số 1.000 căn hộ mới trong năm tới dường như chỉ là “muối bỏ bể”.
Theo Đinh Tinh - VnEconomy