Hà Nội: sẽ xóa vùng cấm xây nhà cao tầng

Cập nhật 13/06/2010 08:30

Việc dừng cấp phép xây nhà cao tầng trong khu vực trung tâm khiến nhiều người dân và chủ đầu tư như ngồi trên đống lửa.

“Không chỉ riêng các dự án nhà cao tầng, việc người dân Hà Nội xây nhà trên 10 tầng hiện nay không phải là hiếm. Nếu việc dừng cấp phép xây nhà cao tầng tiếp tục kéo dài, nhiều người dân và chủ đầu tư sẽ gặp khó khăn do không thể triển khai dự án”. Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội, với Pháp Luật TP.HCM.

Dừng để bảo vệ đô thị cổ

Tháng 12-2009, Thủ tướng có quyết định dừng ngay việc xây nhà cao tầng trong khu vực trung tâm TP Hà Nội. Tiếp đó, UBND TP Hà Nội cũng có quyết định ngừng cấp phép xây dựng đối với nhà cao tầng tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.

Theo Sở Quy hoạch-Kiến trúc (QH-KT) TP Hà Nội, các quận trên là vùng đô thị lõi của TP Hà Nội. Nơi đây tập trung dày đặc các di tích của Thăng Long cổ và kiến trúc lịch sử, văn hóa có giá trị. Ở khu vực này có phố cổ, phố cũ, thành cổ, hồ Gươm, hồ Tây và trung tâm chính trị Ba Đình vốn được xem là linh hồn của Hà Nội. Vì vậy, việc kiểm soát nhà cao tầng trong khu vực này phải được thực hiện hết sức chặt chẽ nhằm không làm biến đổi không gian và cảnh quan chung.


Việc cải tạo chung cư cũ Thành Công hiện đang bị vướng do “lệnh” dừng cấp phép nhà cao tầng ở Hà Nội. Ảnh: H.Vân.

Mặt khác, việc tiếp tục phát triển nhà cao tầng sẽ khiến dân số ở khu vực trung tâm TP tiếp tục tăng. Điều đó sẽ tạo sức ép ngày càng lớn lên hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong khu vực này (vốn đang bị quá tải), đồng thời đi ngược chủ trương rút dần dân ra khỏi vùng lõi của TP.

Vẫn được xây nhà cao tầng


Tuy nhiên, theo ông Dương Đức Tuấn, Phó Giám đốc Sở QH-KT TP Hà Nội, “lệnh cấm” trên không có nghĩa sẽ không có nhà cao tầng mới tiếp tục xuất hiện ở bốn quận trung tâm TP.

Qua khảo sát bước đầu, khu vực trung tâm lõi của TP Hà Nội có khoảng 250 nhà cao tầng. Hiện việc tổng hợp, phân loại, đánh giá tính pháp lý của nhà cao tầng đang được thực hiện khẩn trương. Theo chỉ đạo của UBND TP, Sở QH-KT TP Hà Nội đang chủ trì tổ chức nghiên cứu không gian nhà cao tầng, làm cơ sở để phân bố khu vực nào được làm nhà cao tầng, khu vực nào bị cấm hoàn toàn. “Tùy thuộc không gian, hạ tầng kỹ thuật và xã hội, một số địa điểm vẫn có thể được phép xây dựng nhà cao tầng, đặc biệt là ở các trục vành đai, đường xuyên tâm...” - ông Tuấn cho biết.

Theo Sở QH-KT TP Hà Nội, với những dự án đã có nhưng chưa được cấp phép xây dựng, trường hợp tòa nhà rơi vào những vùng cần được bảo vệ không gian cảnh quan thì sẽ được khoanh vùng để kiểm soát chặt chẽ về điều kiện pháp lý, sau đó tìm cơ hội điều chỉnh dự án.Trên thực tế số này không nhiều và doanh nghiệp thực hiện dự án sẽ được bồi thường thỏa đáng. Còn những trường hợp chưa đủ điều kiện pháp lý thì buộc phải dừng ngay. “Những dự án phù hợp không gian, cảnh quan chung sẽ vẫn được xây dựng bình thường. Riêng khu vực chung cư cũ cũng vẫn có thể được xây nhà cao tầng theo hướng giảm mật độ xây dựng, tăng hệ số sử dụng đất nhưng không làm tăng dân cư và phải phù hợp với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và điều kiện không gian” - ông Tuấn khẳng định.

Việc cải tạo chung cư cũ gặp khó

Theo kế hoạch cải tạo, chung cư cũ Thành Công (quận Ba Đình) sẽ được đập bỏ hoàn toàn, thay vào đó là một cao ốc “hoành tráng”. Người dân ở đây sẽ được nhận miễn phí căn hộ mới có diện tích gấp đôi căn hộ cũ, điều kiện sinh hoạt sạch sẽ, văn minh hơn. Thế nhưng do “lệnh cấm” nên mọi việc đang bị đình lại. Việc cải tạo nhiều khu chung cư cũ của TP Hà Nội cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự. Cùng đó, nhiều dự án xây nhà ở, văn phòng, khách sạn… ở khu trung tâm TP cũng đang án binh bất động khiến không ít chủ đầu tư “khóc ròng” vì vốn bị ngâm.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP