Hà Nội sẽ sớm chấm dứt tình trạng xây nhà siêu mỏng, siêu méo?

Cập nhật 03/07/2008 08:00

Theo thống kê của Sở Xây Dựng, trên địa bàn Hà Nội có 39 lô đất nằm trên địa bàn các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Thanh Xuân không đủ điều kiện để xây dựng công trình và 252 công trình không phù hợp với các quy định về kiến trúc, cảnh quan, thuộc khu vực các tuyến đường mới mở.

Để đảm bảo mỹ quan trong trật tự xây dựng đô thị, chống hình thành nhà siêu mỏng, siêu méo, trong buổi họp giao ban ngày 2-7, tại UBND Thành phố Hà Nội, Sở Xây Dựng đã đề xuất Thành phố cách xử lý với những trường hợp trên. Cụ thể là với những trường hợp hiện tại là đất trống, nhà cấp 4 cũ phát sinh từ năm 2005 đến nay sẽ tuyệt đối không cấp phép xây dựng mới, kể cả giấy phép xây dựng tạm. Chính quyền địa phương phải quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Bên cạnh đó, căn cứ vào từng điều kiện cụ thể, các quận, huyện đề xuất hướng thu hồi để sử dụng vào mục đích công cộng hoặc chuyển nhượng để hợp khối với các hộ liền kề.

Riêng đối với các trường hợp là công trình xây dựng tồn tại từ trước năm 2005, chính quyền địa phương thực hiện theo nội dung Quyết định số 39/2005/QĐ-TTg ngày 28/2/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành điều 121 của Luật Xây Dựng.

Quyết định 39 quy định việc xử lý các công trình xây dựng đang tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam nhưng không phù hợp với Luật Xây Dựng, bao gồm công trình xây dựng phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt nhưng chưa phù hợp về kiến trúc; công trình xây dựng không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt.

Theo đó, công trình xây dựng đang tồn tại phù hợp với quy hoạch nhưng chưa phù hợp với các quy định về kiến trúc, cảnh quan khu vực của cơ quan có thẩm quyền ban hành như quy định về hình khối kiến trúc công trình, số tầng công trình; kiến trúc mặt đứng công trình; cốt xây dựng nền, tầng 1, các tầng; phần cho phép nhô ra của ban công tầng 1, màu sắc công trình, mái công trình và các quy định khác, được phép tồn tại theo hiện trạng. Trường hợp chủ công trình có nhu cầu cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, phải thực hiện theo đúng các quy định của Luật Xây Dựng và các quy định về kiến trúc, cảnh quan của khu vực.

Đối với trường hợp toàn bộ công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng, theo Quyết định 39 được xử lý như sau: Trường hợp thực hiện ngay quy hoạch xây dựng, chủ công trình xây dựng phải di chuyển về khu quy hoạch và được đền bù theo quy định của pháp luật; Trường hợp chưa thực hiện quy hoạch xây dựng, được phép tồn tại theo hiện trạng.

Nếu chủ công trình có nhu cầu được sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong nhưng không được làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực và an toàn của công trình. Trường hợp sửa chữa, nâng cấp, cải tạo mà theo quy định phải xin cấp phép xây dựng, chủ công trình phải xin cấp phép xây dựng tạm có thời hạn. Khi thực hiện quy hoạch xây dựng, chủ công trình phải tự thực hiện phá dỡ theo quy định của Luật Xây Dựng.

Theo Quyết định 39, đối với trường hợp một phần công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng, được xử lý như sau: Trường hợp thực hiện ngay quy hoạch xây dựng, chủ công trình xây dựng phải phá dỡ phần không phù hợp với quy hoạch xây dựng và được đền bù theo quy định của pháp luật.

Phần diện tích mặt bằng khu đất còn lại được phép xây dựng nhưng phải tuân theo quy hoạch xây dựng, quy định về kiến trúc, cảnh quan của khu vực, quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn xây dựng. Nếu phần diện tích đất còn lại nhỏ hơn 15 m2 có chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng nhỏ hơn 3 m, không được phép xây dựng. Nếu phần diện tích đất còn lại từ 15 m2 đến nhỏ hơn 40 m2 có chiều rộng mặt tiền từ 3 m trở lên và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng từ 3 m trở lên, được phép xây dựng không quá 2 tầng. Các trường hợp còn lại được phép xây dựng nhưng phải tuân theo quy hoạch xây dựng được duyệt…

Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng, để tiến tới chấm dứt tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn Hà Nội, UBND Thành phố cần sớm ban hành quy định tạm thời quản lý kiến trúc các công trình xây dựng cải tạo hai bên tuyến đường mới mở. Về lâu dài, Sở Quy hoạch Kiến trúc phải lập ngay quy hoạch xây dựng hai bên đường thuộc 12 tuyến phố chính do Thành phố yêu cầu; Đi kèm với thiết kế đô thị, định hướng ranh giới hai bên tuyến đường quy hoạch theo hướng lấy về mỗi bên tối thiểu là 50 – 100m, tính từ chỉ giới đường đỏ để xây dựng các công trình theo quy hoạch đồng bộ.

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư phải điều tra, khảo sát một cách kỹ lưỡng để có thể thống kê những ô đất không đủ điều kiện xây dựng theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam 01:2008/BXD. Trên cơ sở đó có phương án thu hồi đất từ khi lập dự án.

Theo ông Nguyễn Khắc Thọ - Phó Giám đốc Sở Xây dựng: “Với các giải pháp thiết thực trên, tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo sẽ được chấm dứt trên địa bàn Thành phố”.

Theo Hà Nội Mới