Hà Nội sẽ mạnh tay “xử” các sàn bất động sản vi phạm

Cập nhật 21/12/2011 15:40

Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, thời gian tới Sở sẽ thường xuyên kiểm tra các sàn giao dịch bất động sản (BĐS) nhằm “uốn nắn” sai phạm, mạnh tay xử lý các sàn cố tình vi phạm trong giao dịch…

Mỗi sàn chưa có nổi 10 giao dịch thành công


Ông Tuấn cho hay, thời gian qua các giao dịch BĐS trên địa bàn Hà Nội kể cả thông qua hệ thống sàn giao dịch BĐS (bán nhà ở của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS) và giao dịch không thông qua sàn giao dịch BĐS (mua, bán nhà ở của người dân) đều chững lại trong năm 2011, đặc biệt là trong quý 3.2011 rất thấp.

Theo báo cáo của các sàn giao dịch trên địa bàn TP, trong 6 tháng đầu năm 2011 có khoảng 2.700 giao dịch thành công, trong quý 3.2011 lượng giao dịch còn thấp hơn nữa, chỉ có khoảng 900 giao dịch thành công, dự kiến quý IV lượng giao dịch qua sàn cũng không khá hơn. Như vậy, trong tổng số 480 sàn giao dịch BĐS đăng ký hoạt động theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS, trong 9 tháng năm 2011 mới có khoảng 3.600 giao dịch, tính ra trung bình mỗi sàn BĐS chưa thực hiện nổi 10 giao dịch thành công.

Giao dịch thành công qua sàn BĐS ngày càng thưa thớt. Ảnh minh họa.

“Sở Xây dựng sẽ phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã sẽ kiểm tra thường xuyên các sàn giao dịch BĐS, kịp thời phát hiện và uốn nắn các sai phạm về giao dịch, mua bán, thực hiện các dịch vụ trong kinh doanh BĐS. Kiên quyết xử lý những sàn giao dịch BĐS cố tình vi phạm pháp luật trong giao dịch gây mất ổn định thị trường” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, BĐS còn bộc lộ nhiều hạn chế khác như: phát triển thiếu lành mạnh và không ổn định; giá BĐS, đặc biệt là giá nhà ở vẫn ở mức cao, diễn biến phức tạp, tình trạng đầu cơ kích giá còn phổ biến, giao dịch có chiều hướng giảm sút. Thị trường BĐS chủ yếu tập trung tại khu vực đô thị nhưng khối lượng, giá trị giao dịch và biến động lớn vẫn chủ yếu tại khu vực phía Tây, Tây Nam Hà Nội.

Không để BĐS thành tác nhân gây lạm phát

Ông Tuấn cho rằng, để khắc phục các hạn chế, tồn tại của thị trường BĐS trên, không để thị trường BĐS trở thành nhân tố tác động gây ra lạm phát cao và phát triển kinh tế thiếu bền vững, kiểm soát được hiệu quả dòng vốn đầu tư vào thị trường, chống đầu cơ nhưng cũng tránh gây sốc, làm đóng băng thị trường BĐS.

Sở Xây dựng Hà Nội đã kiến nghị UBND TP một số giải pháp cụ thể như cần ban hành hệ thống tiêu chí cho vay BĐS đối với các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, sớm thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở để hỗ trợ cho người lao động có điều kiện mua nhà. Đồng thời, nghiên cứu thí điểm mô hình Quỹ đầu tư tín thác BĐS để tạo thêm nguồn cung cấp vốn ngoài các tổ chức tín dụng cho thị trường BĐS.

Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung nguồn lực và giải quyết vướng mắc về tín dụng ưu đãi và miễn, giảm thuế để đẩy mạnh các chương trình nhà ở xã hội trọng điểm như: nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, nhà ở cho học sinh, sinh viên; nhà ở cho các hộ nghèo ở nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội.

Sở cũng kiến nghị dừng triển khai các dự án không có khả năng kết nối hạ tầng, cung cấp dịch vụ đô thị, thực hiện nghiêm quy định chia lô, bán nền, bán nhà xây thô trong các dự án phát triển nhà ở, kiểm soát chặt tiến độ cam kết của các chủ đầu tư, người mua nhà… Đồng thời, xử lý nghiêm tình trạng đầu cơ nhà, đất mà không đưa vào sử dụng gây lãng phí và làm mất mỹ quan đô thị.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động