"Hà Nội sẽ gặp khó khăn khi diện tích sáp nhập quá lớn"

Cập nhật 26/03/2008 09:00

2 ngày trước phiên họp bất thường của HĐND Hà Nội (27/3), nhiều đại biểu băn khoăn khi phương án sáp nhập khiến diện tích Hà Nội lớn gấp 3 lần hiện nay, với 29 quận, huyện. Thủ đô sẽ phải đối mặt với bài toán quy hoạch đô thị, nguy cơ tăng dân nghèo, tệ nạn xã hội.

Đại biểu Trần Trọng Hanh, Hiệu trưởng ĐH Kiến trúc HN: "Không nên lấy cả tỉnh Hà Tây".

Tại kỳ họp này, tôi sẽ đề nghị UBND thành phố làm rõ 4 vấn đề là diện tích sáp nhập, làm sao để có quy hoạch xứng tầm, năng lực quản lý đô thị và biện pháp phát triển thủ đô gắn bó với phát triển vùng.

Về lý thuyết, khi nội thị phát triển thì điều chỉnh ranh giới là cần thiết, có nghĩa là phải hình thành thêm các quận. Cùng với đó, ngoại thị cũng cần mở rộng có nghĩa là thêm các huyện. Đây là khu vực dự trữ đất cho đô thị vệ tinh, đất nông nghiệp và sinh thái, các công trình hạ tầng như bến ôtô, khu xử lý rác thải, khu sinh thái để phục vụ nghỉ dưỡng...

Tuy nhiên, xác định diện tích bao nhiêu cho ngoại thị phải nghiên cứu thấu đáo. Diện tích quá lớn thì công tác quản lý sẽ gặp nhiều khó khăn. Khi thuê nước ngoài làm quy hoạch thì cơ quan trong nước phải đủ tầm để giao đầu bài và thẩm định. Ngoài ra, thủ đô Hà Nội đang chuẩn bị kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long mà tiến hành thay đổi bộ máy tổ chức thì sẽ gây ra áp lực cho các địa phương.

Theo tôi, khu nội thị nên phát triển phía bắc tới Sóc Sơn, phía Tây tới An Khánh, còn khu ngoại thị mở rộng Mê Linh, Sơn Tây, không cần thiết lấy cả tỉnh Hà Tây. Nhiều nước không tiến hành mở rộng thủ đô mà họ có cơ chế phát triển vùng. Hà Nội cũng vậy, phải phát triển thủ đô nằm trong phát triển vùng.

Đại biểu Vũ Đức Tân, Phó tổng thư ký Hội Nhiếp ảnh HN: Cần sớm có quy hoạch tổng thể việc mở rộng Hà Nội

Chủ trương mở rộng thủ đô là đúng, song mở rộng đến đâu cần có luận chứng khoa học. Tôi có cảm giác đề xuất sáp nhập của Bộ Xây dựng chưa được đầu tư chất xám mà gần như cảm tính.

Tôi sẽ yêu cầu UBND thành phố làm rõ cơ sở khoa học nào để mở rộng địa giới hành chính, dân số tăng lên 7 hoặc 10 triệu. Trong tương lai, nếu chúng ta phát triển các khu đô thị vệ tinh thì không chắc dân cư sẽ dồn về thủ đô như hiện nay.

Ngoài ra, việc quản lý đô thị, xây dựng trung tâm hành chính để phát triển đồng đều giữa các khu vực được mở rộng cũng phải có lời giải thỏa đáng. Vấn đề quy hoạch tổng thể phải tiến hành nhanh, nếu không người dân sẽ đua nhau mua đất, xây dựng nhà ở, sau đó nhà nước lại tốn chi phí đền bù giải tỏa cho các dự án.

Tôi cũng quan tâm đến số phận của người dân mất đất, phải có chính sách việc làm cho họ hoặc phát triển làng nghề tại chỗ.

Đại biểu Ngô Văn Ny: "Khi sáp nhập, số người nghèo ở thủ đô sẽ tăng".

Trong lịch sử, Hà Nội đã được sáp nhập và tách ra nhiều lần do chủ quan và khách quan. Chủ trương mở rộng thủ đô hiện nay là phù hợp khi hội nhập quốc tế, với định hướng phát triển đến năm 2020 là công nghiệp hóa theo hướng hiện đại hóa.

Cái khó khi sáp nhập với các tỉnh là công tác tư tưởng của cán bộ từ cấp tỉnh tới cấp huyện vì bộ máy sẽ thay đổi nhiều, từ trụ sở, con người và tài sản. Ngoài ra, phải tăng đầu tư để phát triển các khu đô thị mới, khu công nghiệp, cơ quan hành chính tại Hà Tây mới có thể thu hút dân cư, phát triển kinh tế. Nếu không đời sống dân cư các khu vực sẽ rất chênh lệch.

Ngoài ra, khi sáp nhập, Hà Nội sẽ có tới 29 quận huyện, trên 500 phường xã, số người nghèo sẽ tăng thêm, tệ nạn xã hội tăng. Tất nhiên khi mở rộng thủ đô cũng có những thuận lợi như tăng quỹ đất để giãn dân, thực hiện các dự án hạ tầng, phục vụ giải phóng mặt bằng.

Chúng ta phải có quy hoạch tổng thể giữa Hà Nội và Hà Tây, có thể phải thuê chuyên gia nước ngoài quy hoạch tới năm 2050.

Theo VnExpress