Cùng với vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân mở dịch vụ trông giữ xe tại nhà, Hà Nội đang khẩn trương thực hiện hàng loạt dự án bãi đỗ xe ngầm trên địa bàn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần quy hoạch cũng như cơ chế, chính sách rõ ràng để thu hút nhà đầu tư, đồng thời hạn chế tình trạng biến tướng của các dự án này.
Khu vực Công viên Thống Nhất hiện có 2 nhà đầu tư đề xuất thực hiện 2 dự án bãi xe ngầm.
|
Chạy đua “chui” dưới lòng đất
Trong tuần qua, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã thông báo kết luận của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung về tiến độ thực hiện một loạt dự án bãi xe ngầm trên địa bàn.
Theo đó, lãnh đạo thành phố chỉ đạo đối với dự án bãi đỗ xe ngầm tại Nhà thi đấu Quần Ngựa (quận Ba Đình), nghiên cứu mở rộng phạm vi ranh giới đến sát công trình nhà thi đấu để không làm ảnh hưởng tới công trình và nhà ga tàu điện ngầm tuyến đường sắt đô thị số 5 và số 2.
Đối với dự án bãi xe ngầm ở Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng), yêu cầu thay đổi phạm vi nghiên cứu từ bến xe buýt hiện trạng đến cuối đường Nguyễn Đình Chiểu (tránh hệ thống thoát nước thải và không lấy đất của Công viên Thống Nhất).
Tại dự án bãi xe ngầm trước Quảng trường Cách mạng 19/8 và vườn hoa Cổ Tân (quận Hoàn Kiếm), yêu cầu chủ đầu tư giữ nguyên hiện trạng hệ thống đường hiện nay; bố trí ga ngầm phải không làm ảnh hưởng đến giao thông khu vực.
Thành phố cũng lưu ý chủ đầu tư nghiên cứu biện pháp thi công không làm ảnh hưởng đến công trình Nhà hát lớn và các công trình lân cận. Với dự án tại Công viên Nhân Chính (quận Thanh Xuân), giao Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì khẩn trương thẩm định phê duyệt quy hoạch mặt bằng.
Dự án bãi xe ngầm tại Nhà thi đấu Quần Ngựa và dự án gara ngầm tại Công viên Nhân Chính phấn đấu khởi công ngay trong tháng 6 tới.
Được biết, cả 4 dự án bãi xe ngầm, gara ngầm trên được giao cho một nhà đầu tư mới lạ là Công ty TNHH Dịch vụ phát triển thương mại Phúc Lợi. Trước đấy, tại cuộc họp về tiến độ triển khai thực hiện các bãi xe ngầm của nhà đầu tư này, Hà Nội đã thống nhất quy mô 3 dự án bãi xe ngầm tại Công viên Nhân Chính, Nhà thi đấu Quần Ngựa, Công viên Thống Nhất có 5 tầng hầm (trong đó tầng hầm 1 có chức năng thương mại dịch vụ; 4 tầng hầm 2,3,4,5 phía dưới để xe). Riêng dự án bãi xe ngầm trước Quảng trường cách mạng 19/8 và vườn hoa Cổ Tân, thành phố giao các đơn vị tổng hợp phương án quy hoạch và đầu tư, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thành ủy.
Chủ trương kêu gọi nhà đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe ngầm trên địa bàn Hà Nội đã có từ lâu, dù đến nay chưa có một dự án nào được hoàn thành.
“Loay hoay” tìm cơ chế
Đại diện Sở Quy hoạch-Kiến trúc cho biết, đang hướng dẫn chủ đầu tư xây dựng bãi đỗ xe ngầm hoàn chỉnh hồ sơ, để cấp phép quy hoạch theo quy định. Trước khi cấp phép quy hoạch, Sở sẽ lấy ý kiến các ngành, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư có liên quan về hồ sơ, làm cơ sở để nhà đầu tư hoàn thiện bản vẽ tổng mặt bằng triển khai lập dự án đầu tư.
“Không chỉ tại Công viên Thống Nhất mà tại các địa điểm khác, việc xây dựng bãi đỗ xe ngầm đều được xem xét, tính toán kỹ. Ngay cả cơ chế cho nhà đầu tư hiện cũng được thành phố giao cho các sở ngành xem xét”, vị cán bộ cho biết.
Theo Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Hà Nội cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến về việc lựa chọn nhà thầu tư vấn lập quy hoạch hệ thống bãi xe (gara) ngầm trên địa bàn 4 quận nội đô lịch sử. Đồ án quy hoạch hệ thống gara ngầm được đánh giá rất quan trọng, có tính chất đặc thù, thuộc diện đồ án quy hoạch công trình ngầm đầu tiên.
Tuy nhiên, hiện nay, các đơn vị tư vấn trong nước đều chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc lập quy hoạch công trình ngầm ở khu vực đô thị. Việc đấu thầu rộng rãi đối với nội dung quy hoạch này sẽ mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và hiệu quả của dự án.
Vì vậy, Hà Nội mong muốn được Chính phủ cho phép chỉ định nhà thầu tư vấn lập quy hoạch. Mặt khác, sau khi xem xét kỹ lưỡng, Hà Nội đã lựa chọn Công ty Niken Sekkei Civil Engineering (Nhật Bản) nghiên cứu lập quy hoạch hệ thống gara ngầm nói trên.
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, bãi đỗ xe ngầm là phù hợp với xu hướng của thế giới, đáp ứng nhu cầu đỗ xe ở Thủ đô. Tuy nhiên, theo ông Tùng, hàng loạt dự án bãi đỗ xe nổi, ngầm đang giậm chân tại chỗ do không có cơ chế, tiêu chí rõ ràng.
“Đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng chỉ hoàn vốn qua phí trông giữ xe như hiện nay thì doanh nghiệp khó thu hồi được vốn. Điều đó dẫn đến tình trạng dự án bãi đỗ xe sau khi hoàn thành đã bị biến tướng thành trung tâm thương mại hay cái gì đó để thu hồi vốn nhanh.
Dự án đỗ xe sau cống hoá mương Nguyễn Khánh Toàn, Phan Kế Bính…, là điển hình về sự biến tướng vì cơ chế không rõ ràng, quản lý thì lỏng lẻo”, ông Tùng nói.
Đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết, hiện đang cùng với các sở ngành nghiên cứu xây dựng cơ chế đặc thù khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng bãi xe ngầm. Cụ thể, cơ chế về giá trông giữ xe, kết hợp giữa bãi đỗ xe và trung tâm thương mại, tiền sử dụng đất cũng như phương án cho phép nhà đầu tư bán tối đa 30% số lượng chỗ đỗ xe… để báo cáo UBND thành phố trước ngày 31/3 theo chỉ đạo.
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền phong