Nếu chỉ tính các dự án khu đô thị (KĐT) mới, tức là dự án có quy mô diện tích từ 20ha trở lên, trên địa bàn Hà Nội hiện có 152 KĐT với tổng diện tích sử dụng đất hơn 44.406ha, quy mô dân số khoảng 2 triệu người.
Theo báo cáo mới nhất của UBND TP Hà Nội, có 15 KĐT cơ bản hoàn thành, bước đầu đưa vào sử dụng. Phần lớn là những dự án nằm trên địa bàn Hà Nội cũ, được đầu tư xây dựng trước khi "xảy ra cơn sốt" nhà đất như các KĐT: Trung Hòa - Nhân Chính do Tổng Công ty cổ phần Vinaconex làm chủ đầu tư; Định Công, Linh Đàm, Mỹ Đình, Pháp Vân - Tứ Hiệp, Việt Hưng do Tổng Công ty HUD làm chủ đầu tư; Trung Yên do Tổng Công ty UDIC làm chủ đầu tư, Vincom Village do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư… Còn lại, 45 KĐT đang triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình trên đất; 92 KĐT mới ở giai đoạn phê duyệt quy hoạch, đang giải phóng mặt bằng (GPMB), thực hiện chuẩn bị đầu tư hoặc mới bắt đầu triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Sau một thời gian phát triển quá "nóng", nhiều dự án bất động sản sẽ phải dừng triển khai trong thời gian tới. Ảnh: Hải Anh
|
Tình trạng đầu tư xây dựng các KĐT phần nào phản ánh bức tranh thị trường bất động sản (BĐS) ảm đạm hiện nay. Điển hình như khu vực huyện Mê Linh, nơi từng được các nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng, phần lớn các dự án đều đang bị bỏ hoang. Có những dự án KĐT lớn, chủ đầu tư phải tính toán lại hiệu quả bằng cách xin điều chỉnh quy hoạch, cơ cấu căn hộ, chuyển đổi công năng sử dụng từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Dọc Đại lộ Thăng Long, vốn được giới đầu tư kỳ vọng là "xương sống" cho các KĐT phát triển hai bên đường, nhưng đến nay đường đã xong còn các KĐT thì hầu như án binh bất động. Lác đác vài dự án như Splendora, An Khánh… được triển khai, nhưng cũng rơi vào tình cảnh để hoang thì nhiều, đến ở thì ít. Thậm chí, nhiều người còn ví đây là những cục nợ "bỏ thì thương, vương thì tội".
Một trong những giải pháp kích cầu thị trường BĐS được Bộ Xây dựng và Hà Nội triển khai là tiến hành rà soát, phân loại các dự án, đề xuất danh mục dự án tạm dừng và dừng hẳn. Với những dự án tiếp tục được triển khai, thành phố yêu cầu rà soát các hạng mục hạ tầng kỹ thuật - xã hội và yêu cầu chủ đầu tư triển khai đúng quy hoạch được duyệt. Nhiều dự án hạ tầng đã giao nhà đầu tư thứ phát nhưng không triển khai đã bị thành phố thu hồi, giao cho UBND các quận, huyện lập dự án đầu tư bằng vốn ngân sách. Vấn đề đặt ra là dự án nào được tiếp tục triển khai, còn dự án nào sẽ phải dừng?
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, theo hướng dẫn tại Thông tư liên ngành Bộ Xây dựng - Bộ Nội vụ (Thông tư 20/TTLN-BXD-BNV) sẽ có hiệu lực từ ngày 5-1-2014, Sở Xây dựng các địa phương sẽ chủ trì rà soát, đánh giá hiện trạng triển khai và phân loại các dự án, làm rõ tình hình tồn kho BĐS trên địa bàn. Trên cơ sở đó, UBND cấp tỉnh quyết định việc dừng, tạm dừng hoặc tiếp tục triển khai dự án. Nguyên tắc để phân loại, gồm: Nhóm dự án tiếp tục được triển khai là dự án có sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường, phù hợp quy hoạch, chương trình - kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương; chủ đầu tư có năng lực bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ phê duyệt. Nhóm tiếp theo là dự án cần điều chỉnh để tiếp tục triển khai, gồm đã GPMB, thực hiện đầu tư nhưng sản phẩm phải điều chỉnh cho phù hợp quy hoạch, chương trình nhà ở, nhu cầu thị trường. Nhóm tạm dừng là dự án có sản phẩm đang tồn kho không thể điều chỉnh (kể cả dự án đã GPMB) hoặc dự án chưa GPMB, diện tích GPMB tỷ lệ dưới 30% dự án. Cuối cùng, nhóm dự án phải dừng là dự án không giải phóng được mặt bằng, có chức năng không phù hợp quy hoạch đô thị, dự án chậm tiến độ bị xử lý thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai và BĐS.
Giải thích rõ hơn, vị đại diện này nói, những sản phẩm mà thị trường đang cần là nhà ở cho người thu nhập thấp, phù hợp với đa số người lao động như diện tích nhỏ dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Những dự án này sẽ được khuyến khích, được hưởng chính sách ưu đãi về vốn, sử dụng đất, thuế… Còn sản phẩm đang ế ẩm, dư thừa là căn hộ chung cư cao cấp, biệt thự.
Mặc dù đã có dấu hiệu giảm trong những tháng cuối năm nhưng giá trị tồn kho BĐS cả nước hiện vẫn là hơn 100.000 tỷ đồng. Chưa kể, số tiền người dân đầu tư vào BĐS, nhưng nay "đóng băng" không thu hồi được. Nếu Hà Nội triển khai hết toàn bộ các dự án BĐS đã được chấp thuận đầu tư phải cần nguồn lực lớn và sản phẩm dư thừa cũng lớn không kém nên chắc chắn nhiều dự án sẽ phải dừng. Tuy nhiên, nhiều hệ lụy sẽ phải giải quyết khi các dự án BĐS dừng triển khai là điều chắc chắn xảy ra.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới