Hà Nội: Ôm đất Ba Vì, nhiều người mắc cạn

Cập nhật 03/09/2010 10:10

Chạy theo tin đồn, nhiều nhà đầu tư trót ôm đất Ba Vì nay vỡ mộng vì đất khu vực này đang ngày càng rớt giá thê thảm.


Nhiều trung tâm BĐS khu vực Ba Vì phải đóng cửa vì không có giao dịch.

Nhiều ngày qua, người dân ở các xã như Vân Hòa, Yên Bài, Tản Lĩnh (huyện Ba Vì), cũng như giới đầu cơ đất Ba Vì luôn bàn tán về thông tin việc UBND TP Hà Nội có văn bản kiến nghị, không di dời trung tâm hành chính quốc gia, cũng như không xây dựng trục Hồ Tây - Ba Vì. Nhiều người tiếc nuối vì không kịp bán đất, bán ruộng ăn theo cơn sốt; còn các nhà đầu tư thì ngậm ngùi.

Dọc trục đường Láng - Hòa Lạc đến thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì), trục đường quốc lộ 32 Xuân Mai - Sơn Tây, còn lác đác vài trung tâm môi giới đất đai hoạt động. Nhiều trung tâm buộc phải đóng cửa, chuyển kinh doanh hoặc cho thuê cửa hàng. Một số trung tâm mở cửa theo kiểu cầm chừng, để xả nốt, bán tháo hàng tồn.

Dọc các trục đường chính dẫn vào một số xã tâm điểm sốt đất của huyện Ba Vì trước đây như Vân Hòa, Tản Lĩnh..., không còn thấy cảnh hoạt động của đội quân cò đất, cũng như cảnh tấp nập của nhà đầu tư đến tìm hỏi mua. “Khu vực này trước thường xuyên có khách đến hỏi mua. Đặc biệt, sau khi có thông tin về con đường trục tâm linh chạy qua, nhiều người khắp nơi đổ về đây hỏi thăm đất cát. Tuy nhiên, giờ thì chả ai đến nữa” - Ông Hạc, người dân xã Vân Hòa nói.

Tại các xã trên, qua tìm hiểu giá đất thổ cư hiện chỉ còn từ 1 đến 3 triệu đồng/m2, nhưng rất ít người hỏi mua. Trong khi vào thời điểm sốt giá đất ở đây được chào bán với giá từ 5 đến 10 triệu đồng/m2. Thậm chí tại điểm nóng là khu vực nông trường Việt-Mông, nơi được cho là sẽ đặt trung tâm hành chính quốc gia, giá đất càng rớt thảm hơn nữa.

Tương tự khu vực dọc đường 88 thuộc thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm (Sơn Tây), nơi trước đây nhiều cò đất đồn thổi là trục đường tâm linh, trục Thăng Long, giá rớt thảm hại. “Tôi đổ tiền đầu tư ở đây vì nghe thông tin quy hoạch con đường này sẽ mở rộng thêm 8 m. Thời điểm đó, rất nhiều người khẳng định trục đường Thăng Long nằm trên đường 88, chạy qua thôn Cam Lâm. Giờ thì đã trót đầu tư tiền tỷ, bán không nổi. Không biết bao giờ mới thu được tiền về” - Chị Hồng, một nhà đầu tư nói.

Theo ông Nguyễn Văn Cường - Giám đốc trung tâm bất động sản Hùng Thịnh, nơi chuyên giao dịch đất đai khu vực Ba Vì, Sơn Tây, thì nhà đầu tư rất nhạy cảm với thông tin về quy hoạch. “Trong cơn sốt đất Ba Vì, rất nhiều người trong giới đã ôm, thậm chí có người còn thế chấp nhà cửa để vay tiền từ ngân hàng để mua. Nhưng với bối cảnh như hiện nay nếu không bán được đất thì riêng việc trả lãi ngân hàng đã khiến cho họ đổ nợ.

Thông tin di dời trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì vừa qua cũng làm người dân nơi đây được phen đổi đời. Hàng chục nhà đầu tư kiếm lời bạc tỷ, song chính thông tin Hà Nội bác việc xây trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Vì lại là đòn giáng mạnh vào những ai ôm mộng đầu cơ” - Ông Cường nói.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho rằng, giá đất ở đây lên xuống trong thời gian qua ảnh hưởng nhiều từ thông tin quy hoạch, nhưng xu hướng đầu tư ở khu vực này là có thật. Ông Hải phân tích, dù trung tâm hành chính quốc gia không được chuyển lên Ba Vì, hay việc trục Ba Vì- Hồ Tây không được thông qua thì khu vực Ba Vì vẫn có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.

“Đường Láng - Hòa Lạc đang hoàn thiện sẽ rút ngắn thời gian đi từ Hà Nội lên Ba Vì. Với các điều kiện về tự nhiên, cảnh quan môi trường, Ba Vì có tiềm năng rất lớn để phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Tôi cho rằng, các cơ quan hành chính nếu dời hay không dời lên thì người dân, nhà đầu tư cũng tìm đến Ba Vì” - Ông Hải nhận định.

DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong