Hà Nội nhức nhối đất hoang

Cập nhật 05/04/2012 13:10


Dự án Park City (Hà Đông) vẫn ngổn ngang như khu đất hoang. Ảnh: H.Q
Nằm ngay bên cạnh Đại sứ quán Nhật Bản, đối diện với Trung tâm thương mại Lotte (quận Ba Đình, Hà Nội) đang xây dựng là khu đất rộng khoảng 4 ha bỏ hoang từ hàng chục năm nay.

Càng lớn, càng “hoang”


Nằm ngay bên cạnh Đại sứ quán Nhật Bản, đối diện với Trung tâm thương mại Lotte (quận Ba Đình, Hà Nội) đang xây dựng là khu đất rộng khoảng 4 ha bỏ hoang từ hàng chục năm nay. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, khu đất vốn thuộc quyền quản lý của Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, mảnh đất này được Công ty Khai thác điểm đỗ xe Ngọc Khánh chiếm dụng làm nơi để ô tô và rửa xe một phần. Phần lớn diện tích khu đất để cỏ mọc cao lút đầu người.

Đứng đầu trong số các đơn vị bỏ đất hoang khu vực nội thành Hà Nội phải kể đến Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà Hà Nội (Handico). Đơn vị này đang sở hữu hàng chục khu đất có vị trí đắc địa trên đia bàn Thủ đô, nhưng bỏ cỏ mọc nhiều năm nay. Điển hình như Dự án Khu nhà ở cao tầng tại ô đất A10, A14 Khu đô thị Nam Trung Yên (Hà Nội). Dự án có tổng diện tích gần 5,4 ha, được khởi công từ năm 2008, nhưng đến nay vẫn hoàn toàn là bãi đất trống.

Theo ông Nguyễn Văn Cửu, Tổng giám đốc Handico, Dự án Khu nhà ở cao tầng tại ô đất A10, A14 Khu đô thị Nam Trung Yên sẽ đáp ứng chỗ ở cho khoảng 13.000 người, được thiết kế đẹp và hiện đại với mong muốn của HANDICO giúp người dân được tận hưởng cuộc sống văn minh, hiện đại trong một môi trường xanh - sạch - đẹp. Khi hoàn thành, Dự án sẽ góp phần hoàn chỉnh hạ tầng tổng thể Dự án Khu đô thị Nam Trung Yên, đồng thời tô điểm diện mạo kiến trúc cảnh quan khu vực đang có tốc độ phát triển nhanh và mạnh của Thủ đô. Tuy nhiên, do thị trường bất động sản trầm lắng, nên Dự án đã được Tổng công ty… giãn tiến độ thi công.

Cách Khu đô thị Nam Trung Yên không xa là tuyến đường Lê Văn Lương mấy năm nay “bỗng dưng” trở nên sầm suất bởi hàng loạt nhà hàng, cửa hiệu garage ô tô, bia hơi… Thấp thoáng phía sau các nhà hàng này là các tấm biển giới thiệu dự án mà cả chủ đầu tư lẫn người thuê đất chưa kịp tháo dỡ.

Hiện diện trên các lô đất bỏ hoang và đã được chiếm dụng, sử dụng sai mục đích có Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội, Tổng công ty Sông Hồng, Công ty Đầu tư phát triển nhà số 2 Hà Nội… Các chủ đầu tư có tên tuổi lớn cả trong và ngoài nước đều xuất hiện trong danh sách có dự án bỏ hoang tại Hà Nội như: Công ty TNHH Booyoung (Hàn Quốc) với Dự án chung cư cao cấp Booyoung Vina (Mỗ Lao, Hà Đông); Vinaconex Hoàng Thành với Khu đô thị Park City (Văn Khê, Hà Đông), Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) với Dự án Khu đô thị Nam An Khánh (huyện Hoài Đức), Khu đô thị Tiến Xuân (huyện Thạch Thất)…

Bốn bề hoang hoá

Theo số liệu từ Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), khối cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đang quản lý, sử dụng diện tích nhà, đất với khoảng 1,5 tỷ m2. Trong đó, khu vực sự nghiệp công lập chiếm 1,2 tỷ m2.

Hiện tại, các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn sử dụng đất dưới hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất, mang nặng tính bao cấp về đất đai. Theo kết quả rà soát đất bỏ hoang năm 2011, trong số 118 dự án đã phát hiện, có gần 30 dự án chậm tiến độ do chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính hoặc do chủ đầu tư và chính quyền chưa phối hợp tốt trong giải phóng mặt bằng nên triển khai rất ì ạch.

Bằng chứng là từ trung tâm Hà Nội, đi về phía nào của Thủ đô, người ta cũng dễ dàng bắt gặp các khu đất bỏ hoang cỏ mọc lút đầu. Tại các khu đô thị ở quận Cầu Giấy, Long Biên, Thanh Trì, Thanh Xuân, Tây Hồ, huyện Gia Lâm, Đông Anh, Từ Liêm… đều có các khu đất dự án bỏ hoang từ nhiều năm nay.

Hầu hết diện tích đất rất lớn này nằm ở những vị trí đắc địa do các “ông lớn” quản lý, như Công ty Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Hà Nội (huyện Thanh Oai); Chi nhánh Ngân hàng Công thương Đống Đa (quận Đống Đa); Công ty Cơ khí Điện tử tàu thủy (quận Đống Đa); Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương II (quận Hai Bà Trưng); Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp số 5 (quận Hai Bà Trưng); Công ty cổ phần Vận tải và Dịch vụ thương mại (quận Hai Bà Trưng); Công ty Xây lắp và Vật tư xây dựng số 8 (huyện Chương Mỹ); Công ty cổ phần Thiết bị xăng dầu Petrolimex (quận Long Biên)…

Ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý công sản nhận xét, cứ chỗ nào đất đẹp nhất, đắc địa nhất đều là của cơ quan hành chính, đặc biệt các tập đoàn, tổng công ty. Một số bộ, ngành có tâm lý trây lỳ và cố giữ đất. Theo ông Cường, nguyên nhân của tình trạng này là khi nền kinh tế chuyển dịch cơ chế, việc chuyển đổi công năng tài sản trên đất không theo kịp chức năng nhiệm vụ. Một nguyên nhân khác là mục tiêu hình thành nên các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực đã góp phần định hướng các “ông lớn” chú tâm vào lĩnh vực bất động sản do địa tô chênh lệch cao. Đây cũng là một trong những lý do khiến một số tập đoàn, tổng công ty sao nhãng nhiệm vụ chính, không xác định rõ giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, từ đó tạo ra sự phát triển quá nóng cho thị trường bất động sản.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư