Sau khi Hà Nội có ý kiến nhờ hỗ trợ, Bộ Xây dựng đã có văn bản giao nhiệm vụ cho hai đơn vị là Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng và Viện Khoa học xây dựng phối hợp cùng với thành phố xác định phương án xử lý công trình 8B Lê Trực.
Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Trần Việt Trung (đứng giữa) cho rằng, việc xử lý dự án 8B Lê Trực phải làm rất cẩn trọng.
|
Thông tin được Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Trần Việt Trung cho biết tại buổi giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội, chiều 21/11.
Trả lời chất vấn của báo giới về tiến độ xử lý sai phạm tại dự án 8B Lê Trực, đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, cho hay việc lên phương án xử lý cuối cùng đối với công trình này gặp một số vướng mắc.
"Nếu lên phương án cắt dọc thì toàn bộ hệ thống kết cấu sẽ ảnh hưởng, có thể phải triển khai hệ thống chống đỡ từ dưới tầng hầm đi lên tất cả các tầng. Như vậy sẽ ảnh hưởng tới cả các tầng còn lại, khi đó sẽ phá vỡ tất cả cơ cấu các tầng khác. Nhưng nếu cắt ngang thì sẽ đơn giản hơn nhưng phải thống nhất được với chủ đầu tư. Bởi vì chúng ta không chỉ phải xử lý số tầng mà mà còn diện tích vi phạm, chiều cao vi phạm", ông Trung cho biết.
Cũng theo ông Trung, hiện Sở Xây dựng Hà Nội đã làm việc với hai đơn vị nói trên của Bộ Xây dựng. Ngoài hai đơn vị, sẽ mời thêm các nhà khoa học từ các trường đại học hoặc mời thêm các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực kết cấu để đánh giá trên cơ sở có cơ quan quản lý nhà nước.
"Việc này chúng ta phải làm rất cẩn trọng, nếu không sẽ dễ vướng những thứ khó lường trước được", lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội nói.
Trước đó, báo cáo với Tổ công tác của Thủ tướng hồi cuối tháng 10 vừa qua, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Đỗ Viết Bình cho hay, theo đúng giấy phép xây dựng, công trình này bị sai phạm về giấy phép là 1 tầng, giấy phép 18 tầng làm 19 tầng.
Về vấn đề chiều cao được cấp phép là 53 m, nhưng chủ đầu tư xây 68 m, sai phép trên 10 m. Hiện Thủ tướng giao Bộ Xây dựng cùng Hà Nội có phương án tính toán để đảm bảo kết cấu.
Theo kết quả kiểm tra của liên ngành thành phố Hà Nội, dự án 8B Lê Trực có nhiều sai phạm so với giấy phép xây dựng đã được cấp. Cụ thể từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36 m so với khối đế, song chủ đầu tư đã xây thẳng đến mái.
Phần giật cấp đầu hồi phía Đông theo thiết kế từ độ cao 44 m công trình giật cấp vào 15 m và tại độ cao 50 m giật cấp tiếp thêm 5,3 m về phía Tây, nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn xây dựng.
Công trình cao đến đỉnh tum thang là 53 m nếu làm đúng giấy phép. Thực tế chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao hiện tại khoảng 69 m (vượt 16 m, tương đương 5 tầng). Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000 m2, tuy nhiên chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000 m2, tăng trên 6.000 m2 so với giấy phép.
Tháng 11/2015, thành phố Hà Nội bắt đầu phá dỡ phần sai phạm tại nhà 8B Lê Trực, hiện mới hoàn thành giai đoạn 1.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy