Thị trường bán lẻ tại Hà Nội tiếp tục gặp khó khăn, khi giá thuê và công suất cho thuê tiếp tục lao dốc. Đặc biệt, xu hướng khách thuê mới thấp hơn tỷ lệ khách rời khỏi hệ thống trung tâm thương mại tiếp tục tái diễn.
Dự án Văn Phú Victory Hà Đông bàn giao gần năm nay, nhưng khối đế bán lẻ vẫn trống gần 100% diện tích. Ảnh: Dũng Minh
|
Thị trường vẫn điều chỉnh
Báo cáo thị trường bất động sản Hà Nội quý II/2016 vừa được Công ty Savills Việt Nam công bố cho thấy, thị trường bán lẻ tại Hà Nội vẫn đang điều chỉnh giảm, tiếp tục đi xuống cả về giá thuê lẫn công suất thuê.
Theo Savills Việt Nam, công suất toàn thị trường bán lẻ Hà Nội trong quý II/2016 chỉ đạt 82%, giảm 5,9% theo quý và giảm 1,6% theo năm. Xu hướng giảm giá diễn ra khá đều ở 3 loại hình: trung tâm bách hóa, trung tâm thương mại và khối đế bán lẻ. Trong đó, khối đế bán lẻ có tỷ lệ giảm giá thuê lớn nhất, giảm 11% theo quý và 17,5% theo năm.
Trước đó, trong quý I/2016, thị trường mặt bằng bán lẻ Hà Nội cũng ghi nhận sự điều chỉnh theo hướng tiêu cực.
Theo số liệu thống kê của CBRE, tỷ lệ trống thị trường mặt bằng bán lẻ Hà Nội tăng thêm 1,3%, từ 10,2% trong quý IV/2015 lên 11,5% trong quý I/2016. Trong khi đó, số liệu của Savills công bố cho biết, giá thuê mặt bằng bán lẻ trong quý I năm nay giảm thêm 1,6% theo quý.
Một khảo sát tại 15 trung tâm thương mại tại Hà Nội từ 2015 và 2016 vừa được Savills công bố cho thấy: trong năm qua, 15 trung tâm thương mại này có 316 gian hàng mở mới với diện tích trên 13.500 m2 sàn. Tuy nhiên, lại có đến 383 gian hàng tại các trung tâm này đóng cửa, với tổng diện tích lên đến 20.000m2 sàn.
Đặc biệt, cơ cấu ngành hàng phải đóng cửa, hoặc mở mới cũng đang có sự điều chỉnh nhanh chóng. Theo đó, nhóm hàng thời trang, mỹ phẩm, nội thất, điện tử, số lượng gian hàng đóng cửa lớn hơn. Trong khi đó, nhóm hàng thực phẩm, ăn uống, chăm sóc sắc đẹp, số gian hàng mở mới chiếm tỷ lệ cao hơn.
Đối thủ nhà phố
Theo báo cáo của CBRE và Savills Việt Nam, thị trường bán lẻ Hà Nội quý II/2016 không đón nhận thêm dự án trung tâm thương mại mới. Tuy nhiên, nguồn cung bán lẻ khối đế thương mại tại các dự án nhà ở lại rất lớn, khiến tổng nguồn cung bán lẻ tại Hà Nội tăng 4% theo quý và 22% so với cùng kỳ.
Việc nguồn cung khối đế bán lẻ tăng cao, dẫn đến mức giảm giá thuê của loại hình bất động sản này cũng rất mạnh, để lôi kéo khách thuê mặt bằng.
Khảo sát của Đầu tư Bất động sản mới đây cho thấy, tại Hà Nội, nhiều khối đế bán lẻ dưới chân nhà chung cư đã đi vào vận hành hàng năm nay, vẫn có tỷ lệ trống rất cao, thậm chí có tòa, tỷ lệ trống lên tới 80 - 100% sàn bán lẻ, như: Tòa C14, Tổ hợp The Pride cùng trên đường Tố Hữu, quận Hà Đông; Dự án Văn Phú Victory (quận Hà Đông), hay khối đế tòa T1, dự án Thăng Long Victory (huyện Hoài Đức)…
Theo Báo cáo của Savills Việt Nam, thị trường bán lẻ Hà Nội chỉ ổn định tại các trung tâm bách hóa lớn. Trong khi các trung tâm thương mại gặp nhiều thách thức và tiếp tục có tăng trưởng âm, vì các hướng đi mới của một số trung tâm thương mại còn chưa biết có thành công hay không.
Đối với khối đế bán lẻ nhà chung cư, khó khăn có xu hướng gia tăng, bởi mặt bằng bán lẻ khối đế chung cư đang chịu cạnh tranh mạnh mẽ bởi nhà mặt phố cho thuê và các dự án nhà phố thương mại đang được doanh nghiệp rầm rộ triển khai.
Đã trải qua nhiều quý khó khăn liên tiếp và thị trường mặt bằng bán lẻ Hà Nội được dự báo tiếp tục gặp thách thức, do nguồn cung trong ngắn hạn được bổ sung rất lớn.
Theo đó, trong 6 tháng cuối năm 2016, thị trường bán lẻ Hà Nội sẽ đón nhận thêm 120.000m2 từ 8 dự án lớn và sang năm 2017, thị trường tiếp tục đón nhận thêm 127.000 m2 sàn từ 7 dự án lớn khác.
Với việc nguồn cung mặt bằng bán lẻ tiếp tục được bổ sung, trong khi thị trường đón nhận ngày càng nhiều dự án nhà phố thương mại - loại hình bán lẻ được ưa thích và có truyền thống, các trung tâm thương mại và khối đế bán lẻ chung cư tại Hà Nội sẽ gặp khó khăn hơn trong thu hút khách thuê mặt bằng.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản