Với quyết tâm của lãnh đạo TP.Hà Nội trong việc "cắt ngọn" nhà sai phép cùng "nguyện vọng" muốn được "xử nhanh" của chủ đầu tư để đưa công trình vào hoạt động, Hà Nội đang trở thành "đại công trường"... phá nhà sai phép!
Tâm điểm của "đại công trường" là nhà số 9 Đào Duy Anh. Đây là công trình sai phép nghiêm trọng đầu tiên bị cắt ngọn. Công trình cao 17 tầng này vượt phép ba tầng, được UBND TP cho phép chỉ cắt bỏ hai tầng vi phạm (giữ lại tầng 15 vì liên quan đến toàn bộ khâu kĩ thuật của tòa nhà) đã tiến hành "tự xử" từ ngày 25-5.
Đến nay, sau hơn nửa tháng tháo dỡ, toàn bộ tầng 17 đã được san phẳng. Chiều 11-6, những thanh dầm chịu lực của tầng 17 đã sập xuống với chỏng chơ những khối thép, lác đác còn một vài mảnh bê tông bám lại. Ba phía tường tầng 16 cũng đã đập xong, chỉ còn lại các trụ thép. Đứng từ tầng 15 có thể nhìn thấy công nhân làm việc tại tầng 16 vì sàn tầng 16 đã bị khoan thủng lỗ chỗ, trơ ra lưới sắt. Bốn mặt công trường được bao phủ bởi hai lớp lưới và một lớp bạt nhằm đảm bảo an toàn.
Theo ông Nguyễn Bình, phụ trách giám sát an toàn - vệ sinh - môi trường (Công ty FDC): Vì ở độ cao trên 50m, ba mặt là đường giao thông với rất nhiều phương tiện đi lại nên tất cả các khối bê tông đều được hai máy đục bê tông băm nát thành từng cục nhỏ có đường kính không quá 30cm, sau đó được chuyển xuống bằng hai máy vận thăng lòng qua hệ thống tháp ốp sát tòa nhà. Ông Bình cho biết thêm, với tiến độ này, công tác phá dỡ sẽ nhanh hơn dự kiến từ 10-15 ngày, tức hoàn thành vào giữa tháng 7 thay vì cuối tháng theo kế hoạch của TP đặt ra.
Thủ đô Hà Nội đã trở thành... "đại công trường" phá dỡ nhà sai phép...
Tại hai công trình ở Tây Hồ: Nhà số 1B xóm Chùa, (phường Quảng An) đến thời điểm này chỉ còn lại 8 tầng (tầng 9 đã hoàn toàn biến mất). Tuy nhiên, sau chuyến kiểm tra của lãnh đạo thành phố vào chiều 9-6, hôm nay công trình này đã trở nên yên ắng hơn!
Cách đó không xa, tại công trình 15 tầng phường Bưởi, hơn một chục công nhân Công ty Thái Dương đang gia cố hệ thống chuyển bê tông xuống đất. Hệ thống này gồm mấy chục thùng phuy ghép lại. Tầng 15 đã bị dỡ hết hoàn toàn. Từ tầng 10-14, ngoài hệ thống lưới bao là cả một hàng rào bằng ván cốppha ghép lại có chiều cao trên 1m để chặn bê tông bắn ra.
Ông Bùi Đăng Khoa, Giám đốc Công ty Thái Dương, chỉ huy phá dỡ cho biết, đây là hai yếu tố quan trọng nhất cho an toàn và tiến độ khi bắt đầu bắn tường vào ngày 15 tới. Tuy nhiên, hai bể nước 5 khối vẫn chưa được di chuyển khỏi tầng 14.
Ông Khoa cho biết thêm, dù chưa hết thời hạn lắp thiết bị che chắn và giàn giáo; tuy nhiên, nhiều công đoạn có thể tiến hành song song được nên vẫn triển khai khoan sàn, đục tường khi đã đảm bảo an toàn. Cũng là để "bù đắp" lại tiến độ những ngày mưa vừa qua và có thể mưa trong những ngày tới.
Chiều qua, tại tầng 21 công trình số 4 Đặng Dung, công việc lắp giàn giáo tại tầng này cũng bắt đầu được thực hiện. Ông Quảng, chủ công trình cho biết, giàn giáo được chuyển về từ 8-6, nhưng đến hôm nay mới lên đến tầng 21 vì không có điện để thang máy hoạt động. Hơn nữa, ở trên độ cao 70m, gió rất to nên rất khó khăn khi lắp đặt.
Theo thông tin mới nhất, phương án an toàn và tối ưu nhất là dùng cẩu tháp để phá dỡ công trình đã bị... loại bỏ! Bởi theo đơn vị tư vấn, để lắp được cẩu tháp cao hơn 70m này đòi hỏi mặt bằng cho chân tháp khoảng 50m2. Song, bốn bề công trình là nhà dân san sát. Nếu ở độ cao này, một viên gạch rơi xuống thì bằng sức công phá của một trái... lựu đạn!
Cũng theo ông Quảng, công trình này khó và phức tạp hơn công trình số 9 Đào Duy Anh không chỉ ở độ cao, mà còn ở chỗ tầng trên cùng của nhà số 9 Đào Duy Anh được kết cấu chủ yếu bằng thép, kính, sắt nên dễ dàng tháo dỡ. Còn với số 4 Đặng Dung, tầng trên cùng toàn bộ là những khối bê tông lớn, nằm chơi vơi giữa... không gian nên không có chỗ bám để dỡ. Thêm vào đó là toàn bộ hệ thống kĩ thuật liên quan trực tiếp độ vững chắc của tòa nhà: 10 bể nước loại 5 khối, hệ thống máy điều khiển thang máy... Một phương án mà ông chủ này đang tính đến theo "công nghệ"... phim Mỹ có thể là dùng... trực thăng để phá và chuyển những khối bê tông này. Nhưng như thế vẫn cần phải... di dân!
Đến thời điểm này, chỉ có 4 công trình sai phép phá dỡ, trong khi đó, riêng trong năm 2006, Hà Nội phát hiện được 4.000 công trình xây dựng sai phép và 1.933 vụ xây dựng không phép!
Không biết trong thời gian tới, "đại công trường" sẽ... lớn đến đâu khi tất cả nhà sai phép, không phép này bị "cắt ngọn"?
Theo Chí Hiếu - Phạm Hải, VietNamNet