Hà Nội: Nguy cơ trở bệnh “thổi giá”

Cập nhật 19/05/2014 11:14

Mặc dù ngày càng có nhiều chính sách thông thoáng, cởi mở trợ giúp cho người dân có nhu cầu mua nhà ở đô thị, tuy nhiên việc tiếp cận các căn hộ có mức giá vừa túi tiền hoàn toàn không dễ dàng.

Chủ đầu tư tăng giá, đầu cơ ra tay

Ngay khi thị trường BĐS Hà Nội “ấm” trở lại, nhiều chủ đầu tư đã không ngần ngại tăng giá bán căn hộ. Có thể kể đến Diamond Flower Tower của Handico với kế hoạch tăng từ 2-6 triệu đồng/m2 so với đợt mở bán đầu tiên. Viglacera cũng quyết định tăng giá gần 100 căn hộ Thang Long Number One lên khoảng 3-5% so với giá bán hiện tại của dự án là 30,8 triệu đồng/m2 (đã bao gồm VAT), tùy theo biến động của thị trường.

Trước đó, chủ đầu tư dự án Hòa Bình Green City là Công ty TNHH Hòa Bình cũng đã tuyên bố dừng bán căn hộ này từ ngày 15-3 để xem xét phương án tăng giá bán. Dự kiến giá bán sẽ tăng ít nhất khoảng 10% so giá cũ là 20,5 triệu đồng/m2 (đối với loại căn hộ không gian sáng tạo) và từ 26 triệu đồng/m2 (đối với căn hộ hoàn thiện nội thất).

Đặc biệt, dựa vào việc Thông tư 03 của Bộ Xây dựng quy định bắt buộc tính diện tích căn hộ theo thông thủy, nhiều chủ đầu tư cũng đồng loạt tăng giá bán căn hộ. Mặc dù theo tính toán, cách tính diện tích căn hộ theo thông thủy chỉ làm giảm diện tích căn hộ bình quân khoảng 6-7%, nhưng ở nhiều dự án tỷ lệ tăng giá lại được các chủ đầu tư đẩy lên từ 10/12%.

Nhiều chủ đầu tư cũng đã bắt tay với các sàn giao dịch BĐS để tăng giá bán hưởng tiền “chênh”. Các dự án nằm phía trong vành đai 3 đã không còn tình trạng giảm giá, thậm chí có dự án còn bị găm hàng và đã xuất hiện tiền chênh lệch.

Không chỉ chủ đầu tư quyết tăng giá bán, thị trường “ấm” lên cũng khiến những phân khúc nhà giá rẻ, nhà cho người thu nhập thấp hoặc những dự án cao cấp có tiến độ tốt trở nên đắt giá hơn bao giờ hết. Các dự án có mức giá vừa phải nhưng có mức chênh lệch cao nhất có thể kể đến CT11, CT12 Kim Văn-Kim Lũ, Đại Thanh, VP5 Linh Đàm, 102 Trường Chinh, CT1 và CT2 Trung Văn, VP6 Linh Đàm… với mức tiền chênh từ 30-200 triệu đồng/căn.

Thậm chí dự án VP6 Linh Đàm, dù chủ đầu tư chưa có động thái mở bán chính thức, có thể dễ dàng thấy hàng loạt lời rao bán căn hộ rất rầm rộ và mức tiền chênh hoàn toàn không nhỏ, có thể lên đến vài trăm triệu đồng. Như vậy, với mức tiền chênh này, căn hộ giá rẻ cũng có thể trở thành căn hộ giá đắt nếu khách hàng muốn mua. Ở phân khúc cao cấp, tiền chênh cũng đã bắt đầu “chảy” trở lại.

Căn hộ diện tích nhỏ tại Mandarin Garden (đường Hoàng Minh Giám) được rao bán với giá chênh lên đến 500-600 triệu đồng/căn.Tương tự, Platium Residence (phố Nguyễn Công Hoan) chênh lệch 100-200 triệu đồng/căn, chung cư Lascarter (Núi Trúc) cũng có mức tiền chênh khoảng 200 triệu đồng/căn, tùy hướng, tùy vị trí…

Người mua nhà thận trọng

Chung cư Thăng Long Number One.

Chủ đầu tư tăng giá bán, tiền chênh xuất hiện trở lại có thể coi như là biểu hiện cho thấy thị trường đã hấp dẫn trở lại, số lượng người mua nhà chấp nhận bỏ thêm tiền để có thể sở hữu căn hộ như ý không ngừng tăng lên. Theo nhiều chuyên gia BĐS, cùng với tình trạng khan hiếm về nguồn cung, điều này có thể dẫn đến những cơn sốt cục bộ tại một số dự án.

Thí dụ điển hình như VP5 Linh Đàm, hiện tại người có nhu cầu mua nhà chỉ có thể mua lại từ người mua trước và với những căn có vị trí đẹp, số tiền chênh lệch phải bỏ ra lên tới 300 triệu đồng/căn. Tuy nhiên, dù cần nhà, điều đáng mừng là người mua hiện nay cũng không còn giống như thời điểm nhiều năm trước, đổ xô vào mua bất chấp những mối nguy của thị trường.

Thậm chí, với những bài học về sự rủi ro khi mua bán nhà trên giấy, rất nhiều khách hàng đã kén chọn những dự án ít nhất phải hoàn thiện phần thô mới ký hợp đồng. Đặc biệt, việc tìm kiếm các dự án không có tiền chênh bằng cách ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư cũng đã được tính đến.

Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, người mua thận trọng là 1 tín hiệu đáng mừng, bởi từ trước tới nay đa phần chỉ quan tâm đến giá cả vừa túi tiền với mình mà không để ý đến chất lượng của dự án thế nào, tiến độ công trình ra sao, chủ đầu tư có uy tín không.

Đến khi xảy ra tranh chấp mới vỡ lẽ tưởng mua được giá rẻ nhưng hóa ra không hề rẻ. Cũng theo ông Liêm, cơ quan quản lý cũng cần theo dõi sát thị trường, tránh để xảy ra những cơn “sốt” ảo bởi hiện nay, một loạt chính sách đã và sắp được ban hành như cho thế chấp tài sản hình thành trong tương lai, liên kết cho vay kiểu 4 nhà, cho người nước ngoài mua nhà không hạn chế số lượng…sẽ có sức kích thích thị trường rất lớn.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư