Hà Nội: Ngày 30/6/2017 sẽ cấp xong ‘sổ đỏ’ cho các trường hợp đủ điều kiện

Cập nhật 05/04/2017 15:59

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định ngày 30/6 tới sẽ cấp xong giấy chứng nhận đối với các thửa đất có đủ điều kiện theo đúng chỉ đạo của thành phố.


Hiện Hà Nội còn lại 
252.099 thửa chưa cấp, trong đó có 196.441 thửa đất còn vướng mắc.

Chiều 4/4, tại cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định, mặc dù vẫn còn những tồn tại, khó khăn, nhưng phấn đấu đến ngày 30/6 tới sẽ cấp xong giấy chứng nhận đối với các thửa đất có đủ điều kiện theo đúng chỉ đạo của thành phố.

Để đảm bảo các điều kiện cho công tác cấp “sổ đỏ“, Sở đã áp dụng đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, chấn chỉnh tác phong, đạo đức làm việc của cán bộ công chức.

Đặc biệt, Sở đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến cấp, phát giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực này đã cắt giảm từ 30 ngày xuống còn 14 ngày.

Sở đã thành lập 14 đoàn Thanh tra hành chính việc thực hiện các quy định về tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công.
Đến ngày 10/3/2017, thành phố đã cấp được 1.320.861 giấy chứng nhận cho các hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư (đạt 90,46%), còn lại 
252.099 thửa chưa cấp, trong đó có 196.441 thửa đất còn vướng mắc; cấp giấy chứng nhận mua nhà tại các dự án phát triển nhà 
ở được 146.884 căn hộ (đạt 82,39% trên tổng số căn hộ chủ đầu tư đã bán và bàn
giao cho người dân); cấp giấy chứng nhận cho tổ chức đạt 71,32%, còn khoảng 5.521 thửa đất chưa cấp. ..

Khẳng định kết quả cấp giấy chứng nhận thời gian qua chuyển biến rất tích cực, song lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thừa nhận vẫn còn nhiều tồn 
tại, bất cập và vướng mắc từ thực tế kiểm tra, giám sát ở các địa phương, bao gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, đòi hỏi các đơn vị chức năng và các cấp chính quyền phải tập trung tháo gỡ để “chạy nước rút” nhằm
hoàn thành kế hoạch đề ra.

Lý giải việc chậm trễ trong cấp giấy chứng nhận nhà ở dự án (vẫn còn tồn đọng 31.394 căn hộ), ông Nghĩa cho biết, nguyên nhân chủ yếu do thị trường bất động sản có nhiều biến động, dẫn đến sự phát triển nóng, nhiều nhà đầu tư vi phạm pháp luật đất đai, pháp luật xây dựng.

Nhiều trường hợp chủ đầu tư cho người mua nhà ở được chậm trả tiền mua nhà hoặc do người mua nhà đang thế chấp hợp đồng mua bán nhà tại các tổ chức tín dụng; hay tình trạng mua đi bán lại nhà ở mà không sử dụng là rất phổ biến và người mua nhà ở không nộp giấy tờ để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận.

Trong khi đó, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, quận, huyện, thị xã trong việc quản lý các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cũng như chế tài xử lý còn nhiều hạn chế.

Công tác kiểm tra, thanh tra tình hình sử dụng đất của các tổ chức sau khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và việc xử lý sau thanh tra chưa kịp thời, kiên quyết, triệt để.

Xác định rõ khó khăn, tồn tại trên, để tiếp tục phấn đấu cơ bản hoàn thành việc kê khai, đăng ký cấp giấy chứng
nhận trước ngày 30/4/2017; rà soát tháo gỡ vướng mắc để hoàn thành cấp giấy chứng
nhận (trường hợp đủ điều kiện thì cấp, không đủ điều kiện thì lập hồ sơ quản lý)
xong trước ngày 30/6/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã kiến nghị, đề
xuất 9 vấn đề trọng tâm cần được xem xét, giải quyết để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân.

Trước mắt, thành phố cần tập
trung tháo gỡ các vấn đề về điều chỉnh hạn mức công nhận quyền sử đất; thu hẹp
đối tượng thanh tra; bỏ thủ tục quyết định công nhận giấy chứng nhận, tháo gỡ khi chuyển mục
 đích sử dụng đất xen kẹt; cấp giấy chứng nhận cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất,
mua nhà ở tại các Dự án ngay từ thời điểm
chủ đầu tư ký hợp đồng mua bán nhà cho người mua…
Về xử lý đối với những trường hợp mua nhà tại Dự án có sai phạm, ông Nghĩa cho biết, quan điểm của thành phố là “không bắt người dân làm con tin”, tức là vẫn xem xét cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà, không phụ thuộc vào xử lý sai phạm của chủ đầu tư. “Sai phạm của chủ đầu tư xếp riêng ra và vẫn được xử lý tới cùng nhưng sẽ không ảnh hưởng tới việc cấp sổ đỏ cho dân”, ông Nghĩa nói.
Với những trường hợp Dự án có quyết định thu hồi đất nhưng nhiều năm chưa
thực hiện, Sở Quy hoạch –
Kiến trúc sẽ chủ trì rà soát làm
thủ tục điều chỉnh quy hoạch tách ranh giới để trình thành phố điều chỉnh hoặc hủy quyết định thu hồi đất,
xét cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất.

Các trường hợp có bản án thu hồi đất trước ngày 1/7/2014 nhưng đến nay
chưa thi hành mà vẫn đang sử dụng ổn định, phù hợp với
quy hoạch, không có tranh chấp, khiếu kiện, Sở kiến nghị giao Sở Tư pháp báo 
cáo Tòa án cấp trên để có ý kiến giải quyết triệt để.
Cũng theo kiến nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường, để có bản đồ, tài liệu phục vụ công tác kê khai, đăng ký, cấp
giấy chứng nhận và quản lý đất đai theo hướng hiện đại, tiên tiến, thành phố cho phép Sở tiếp tục thực hiện Dự án xây dựng tổng thể hệ thống
hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, vì hiện nay toàn thành phố mới có 3 huyện và 18 phường có bản đồ địa chính.

DiaOcOnline.vn - Theo Tiếp Thị Thế Giới