Qui hoạch tức là sắp xếp lại giang sơn, qui hoạch quyết định đến sự phát triển bền vững hoặc không bền vững của một quốc gia.
Hà Nội đã hứng chịu trận ngập lụt chưa từng có trong lịch sử. Người đô thị đã trò chuyện với GS, TS Nguyễn Trường Tiến - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Chủ tịch Hội Cơ học đất và Địa kĩ thuật công trình Việt Nam để tìm hiểu kỹ hơn nguyên nhân...
* Theo giáo sư, trận lụt chưa từng có vừa rồi ở Hà Nội là do đâu?
- Hệ thống tiêu thoát yếu kém, chắp vá, cứ mưa là ngập. Tình trạng này đã xảy ra trong suốt nhiều năm tại Hà Nội, thì với trận mưa rất lớn kéo dài mấy ngày liền đầu tháng 11, chuyện ngập lớn, ngập lâu, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng là điều dễ hiểu.
Hà Nội đã thực hiện nhiều dự án tiêu thoát nước lớn nhỏ nhưng xem ra vẫn không hiệu quả. Như dự án thoát nước giai đoạn 1 với số vốn đầu tư hơn 187 triệu USD (139 triệu USD vốn ODA của Nhật Bản, hơn 48 triệu USD từ nguồn trong nước), ngay sau khi gần hoàn thành (năm 2006) đã sớm thể hiện sự yếu kém: mưa nhẹ đã ngập. Nói đến chuyện ngập lụt ở Hà Nội, chúng ta đều hiểu còn có nhiều nguyên nhân khác, như hồ điều hòa tự nhiên, sự tác động của sông Hồng… Trước kia Hà Nội có 150 hồ đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thoát nước, nhưng đến nay nội thành chỉ còn lại vẻn vẹn 20 hồ (năm 1990, Hà Nội còn 40 hồ, sau 17 năm thì 20 hồ đã biến mất cùng 150ha mặt nước trở thành nhà ở).
Đáng lưu ý, nguyên nhân khiến mực nước sông Hồng chảy qua Hà Nội dâng nhanh còn do không được nạo vét bùn, cát. Như tôi biết, trước năm 1955 – 1956, công việc này được thực hiện thường xuyên, nhưng từ đó tới nay bị “bỏ quên”! Mấy chục năm qua, cát cứ lắng tụ khiến lòng sông cạn dần, thu hẹp từng ngày, cát dày tới mức bây giờ vào mùa cạn, người dân có thể đi bộ ra giữa sông. Với trận mưa rất lớn và kéo dài đầu tháng 11, nước sông Hồng nhanh chóng dâng cao hơn mực nước trong đô thị, thì thử hỏi làm sao Hà Nội không bị ngập nặng, ngập lâu ngày?
* Vậy trách nhiệm của những người làm qui hoạch đô thị ra sao?
- Ngập lụt nặng đến như vậy, yếu tố lớn nhất vẫn thuộc về thiên tai, nhưng để tình trạng nước ngập hàng mét tại nhiều nơi trong nhiều ngày thì không thể không qui trách nhiệm cho những nhà làm qui hoạch đô thị yếu kém, chưa chú trọng tới không gian ngầm, chưa có qui hoạch ngầm, hệ thống tiêu thoát nước thiếu đồng bộ...
Lâu nay những nhà làm quy hoạch Hà Nội chỉ quan tâm phần dương, tức phần trên mặt đất để làm nhà, xây khu đô thị, còn phần ngầm chưa làm tới nơi tới chốn, hoặc không làm. Nếu không cân bằng âm dương thì qui hoạch không thể bền vững.
* Dự Luật Qui hoạch đô thị đang được Quốc hội bàn luận, ông có quan tâm?
- Ở nhiều nước tiên tiến, về nguyên tắc, luật về quy hoạch đô thị phải do hội nghề nghiệp (như hội kiến trúc sư, hội quy hoạch, xây dựng, hội cơ học đất…, với những chuyên gia đầu ngành về giao thông, qui hoạch, địa chất, phát triển đô thị) đề nghị chứ không phải cơ quan nhà nước dự thảo như ở nước ta. Đó là một trong những nguyên nhân khiến nhiều luật ra đời không đi vào đời sống, hoặc chỉ mới ban hành một năm, đến khi soạn được nghị định, thông tư để hướng dẫn thực thi thì đã lạc hậu.
* Theo ông, qui hoạch đô thị tại Việt Nam cần có tầm nhìn bao nhiêu năm?
Ở ta, thường mỗi vị chủ tịch khi lên nắm quyền lại chỉnh sửa, thay đổi qui hoạch, cứ đào rồi lấp liên miên. Tôi cho rằng, người đi sau chỉ có thể phủ nhận quan điểm của cá nhân người đi trước chứ không thể phủ nhận trí tuệ của cả tập thể những người đi trước. Bản đồ qui hoạch các tỉnh thành của Việt Nam từ thời Pháp đến nay vẫn còn có giá trị, trong khi đó ngày nay chúng ta qui hoạch nhiều khu đô thị mới nhưng lại sớm bộc lộ yếu kém.
* 50 năm qua chúng ta có làm qui hoạch đấy chứ ?
- Nhưng đã có qui hoạch nào không phải sửa chữa chưa? Mà kể cả đã sửa chữa thì cũng chỉ chắp vá, và rồi ngập vẫn hoàn ngập, tắc vẫn hoàn tắc... Nhiều đô thị mới của nước ta đường quá nhỏ, hệ thống thoát nước yếu kém, thiếu hẳn hồ nước, công viên, tỷ lệ cây xanh hạn chế... do để cho giới đầu tư chỉ chăm chăm làm nhà để bán!
* Nhìn ra thế giới, họ quy hoạch ra sao?
- Ở các quốc gia như Pháp, Anh, Canada, Thụy Điển, qui hoạch đều có tầm nhìn trung bình 100 năm, thậm chí hiện nay người ta còn đặt vấn đề tầm nhìn 500 năm. Qui hoạch tức là sắp xếp lại giang sơn, qui hoạch quyết định đến sự phát triển bền vững hoặc không bền vững của một quốc gia. Đặt trong thực tế xã hội và tự nhiên có nhiều biến đổi phức tạp như hiện nay, nếu những người làm qui hoạch Việt Nam không đủ tầm nhìn ít nhất 100 năm thì sẽ dễ làm hao tốn tiền của, công sức và con cháu sau này rồi sẽ phải đập đi xây lại.
Người Đô Thị