Thành phố cần ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường học khi di chuyển các cơ sở sản xuất, các trường cao đẳng, đại học, trụ sở các bộ, ngành trong khu vực nội thành ra ngoại thành.
Tình trạng thiếu trường học, đặc biệt là tại các khu đô thị mới tại Hà Nội đang diễn ra khá phố biến.
|
Đó là một trong những nội dung đáng chú ý trong quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục và mạng lưới các trường học trên địa bàn Thủ đô đến 2020, tầm nhìn 2030 vừa được UBND thành phố Hà Nội trình Hội đồng Nhân dân thành phố tại kỳ họp thứ 4, khóa 14 khai mạc sáng 3/4.
Ngoài kiến nghị nói trên, UBND thành phố Hà Nội cũng đề xuất một số nhóm giải pháp xác định quỹ đất để xây dựng trường học trên địa bàn.
Cụ thể là thành phố sẽ sử dụng quỹ đất 5% của các xã dành cho phục vụ công cộng, tận dụng quỹ đất còn trống chư¬a khai thác; Mở rộng diện tích đất và nâng thêm tầng các trường học hiện có trong khu vực nội thành, bố trí học sinh học các tầng thấp, cán bộ giáo viên làm việc tại tầng cao.
UBND thành phố cũng kiến nghị hạn chế xây dựng các nhà chung cư cao tầng tại khu vực 4 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa để giảm tải tăng dân số cơ học. Ưu tiên dành quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu nhà ở đông dân cư để xây dựng trường học.
Theo tính toán của UBND thành phố, nhu cầu trường học của Hà Nội đến năm 2030 cần xây mới 1.215 trường học với 12.165.854 m2 đất, kinh phí 71.395 tỷ đồng (trong đó, 29.155 tỷ đồng huy động cộng đồng).
Đầu tháng 3 vừa qua, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cũng đã chỉ đạo các sở, ngành, quận huyện rà soát khu đô thị trên địa bàn, kiên quyết thu hồi những dự án đã bàn giao cho chủ đầu tư quá 12 tháng mà chưa thực hiện hoặc khu đất có chủ đầu tư vi phạm quy định sử dụng đất để phục vụ cho việc xây dựng các trường học trên địa bàn.
Trước đó, Hà Nội cũng đã ra quyết định thu nhiều khu đất của doanh nghiệp trên địa bàn các quận Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng...
DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN