Hà Nội mới kiểm tra 30% cơ sở nhà đất công

Cập nhật 12/10/2009 08:15

Kho bãi 555 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh... bị biến thành khách sạn, nhà phố. Ảnh: VNN

Trong khi TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra 100% cơ sở nhà đất công trên địa bàn, thu được hơn 14.000 tỷ đồng, thì Hà Nội chỉ mới kiểm tra được 30% cơ sở, thu về 1.018 tỷ.

Thống kê do Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội công bố sau đợt giám sát về tình hình quản lý và sử dụng tài sản nhà nước trong hai năm 2007, 2008.

TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương tích cực trong việc rà soát, xử lý các cơ sở nhà đất công.

Thành phố đã thu hồi 162 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích 609.690m2. Thông qua việc sắp xếp lại cơ sở nhà đất, bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất đã thu được 14.264 tỉ đồng, tạo nguồn vốn đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc hoặc được sử dụng để đầu tư xây dựng cơ sở mới. Dành quỹ đất để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội.

Hà Nội mới hoàn thành việc kiểm tra kê khai của 708/2.318 cơ sở, thực hiện việc bán nhà, chuyển quyền sử dụng thu được 1.018 tỷ đồng. Hải Dương thẩm định hồ sơ của 2.488 cơ sở, các tỉnh Bến Tre, Bình Dương cũng đã kiểm tra xong 100% cơ sở nhà, đất công...

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Đinh Trịnh Hải tổng kết: "Vẫn còn nhiều bộ, ngành, địa phương chậm xây dựng phương án sắp xếp theo yêu cầu của Thủ tướng".

Đoàn giám sát cũng tìm ra nhiều diện tích đất bỏ hoang hóa, cho mượn, cho thuê, sử dụng để kinh doanh hoặc làm dịch vụ sai quy định.

Chẳng hạn, Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thuê trụ sở số 36 Điện Biên Phủ trong 10 năm qua, thu lời hơn 3,6 tỷ đồng. Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho thuê mặt bằng không đúng quy định.

Một trong những lý do dẫn đến tình trạng lãng phí, thất thoát nhà đất công là do không có quy hoạch tổng thể trong quản lý nhà đất. Trong khi đó, vai trò trách nhiệm người đứng đầu chưa được làm rõ.

Đoàn giám sát của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội kiến nghị Chính phủ triệt để xử lý các ngành, địa phương chậm kê khai và báo cáo phương án xử lý nhà đất công.

Trao đổi với VietNamNet, một vị lãnh đạo Hà Nội nhận định: "Không ít cơ quan, đơn vị sử dụng nhà, đất không đúng mục đích; cho thuê, mượn, làm nhà ở sai qui định hoặc để hoang hóa, lấn chiếm... nhưng chưa tập trung làm rõ, chưa báo cáo đầy đủ cũng như chưa triệt để chấm dứt hợp đồng cho thuê, cho mượn".

Một trong những mục tiêu của năm 2009 là đối với các cơ sở nhà, đất xử lý thu hồi, sẽ ưu tiên sử dụng vào mục đích công cộng như trường học, vườn hoa, cây xanh...

Câu chuyện bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai công sản gây thất thoát cũng là một trong những vấn đề nóng trong các phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội thứ năm vừa qua.

Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến đã liên tiếp chất vấn Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Tài nguyên, Môi trường. Lãnh đạo hai bộ trên đều thừa nhận đây là vấn đề do lịch sử để lại.

Tại phiên chất vấn Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, đại biểu tỉnh Kiên Giang Danh Út cũng đề nghị làm rõ lộ trình giải quyết vấn đề này.

Phó Thủ tướng thừa nhận, "tình trạng lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, cấp rồi không xây dựng v.v... khá nghiêm trọng. Trong nhiều nhiệm kỳ, Chính phủ và Thủ tướng cũng có nhiều biện pháp để từng bước khắc phục và có tiến bộ".

Cũng theo Phó Thủ tướng, Nhà nước mới chỉ thu hồi được một ít tài sản thất thoát, và đây vẫn là một tồn tại nghiêm trọng.

"Tới đây phải sửa Luật Đất đai một cách căn cơ. Ngoài ra, phải tổ chức đội ngũ kiểm soát, giám sát từ Trung ương đến địa phương để vừa hạn chế được tiêu cực, vừa chống tham nhũng", ông Sinh Hùng khẳng định.


DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet