Hà Nội mở rộng để phát triển?

Cập nhật 27/03/2008 11:00

Bộ Xây dựng đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt qui hoạch vùng thủ đô Hà Nội. Trong đó có đề xuất mở rộng ranh giới Hà Nội theo phương án sáp nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc, cùng bốn xã thuộc huyện Lương Sơn của tỉnh Hòa Bình.

Báo giới đã trao đổi với PGS - TS Trần Trọng Hanh (ảnh), hiệu trưởng ĐH Kiến trúc Hà Nội - thành ủy viên Thành ủy Hà Nội, ủy viên Ủy ban pháp chế HĐND TP Hà Nội.

* Thưa ông, nhiều nhà khoa học đang rất băn khoăn: không rõ dựa trên cơ sở khoa học nào để đề xuất mở rộng ranh giới Hà Nội. Bởi qui hoạch chung của thủ đô Hà Nội năm 1998 cũng như qui hoạch vùng thủ đô vừa được trình Thủ tướng Chính phủ đều không đề cập cơ sở khoa học về việc mở rộng ranh giới Hà Nội?

Những băn khoăn đó là đúng nhưng tôi cho rằng bây giờ là thời điểm rất tốt để mở rộng ranh giới Hà Nội. Cách đây 1.000 năm, vua Lý Công Uẩn đã dời đô về Hà Nội, sau đó dù có đôi lần di chuyển thủ đô nhưng rồi vẫn qui tụ về đây. Nói thế để thấy rằng Hà Nội là vùng đất vô cùng thuận lợi để phát triển bền vững, lâu dài.

Tuy nhiên, Hà Nội hiện không đủ điều kiện để tổ chức một cơ cấu đô thị theo hướng hiện đại. Nhìn sang các nước trong khu vực, chúng ta có thể thấy thủ đô của nhiều nước đang vươn lên rất nhanh và không có lý do gì thủ đô Hà Nội đứng ngoài qui luật đó.

* Vậy phương án mở rộng Hà Nội được đưa ra đã đáp ứng các tiêu chí của một đô thị hiện đại chưa?



Hiện nay thủ đô của các nước đang được xây dựng theo hai xu hướng: Thứ nhất là xây dựng đô thị có chức năng hành chính, chính trị là chủ đạo, trên cơ sở đó gắn một số chức năng khác như văn hóa, giáo dục - đào tạo, kinh tế... Thứ hai là xây dựng thủ đô gắn với một trung tâm kinh tế, văn hóa, đầu mối giao thông của đất nước. Phần lớn các nước đều chọn theo xu hướng này và Hà Nội cũng đang phát triển như vậy.

Thông thường một đô thị hiện đại sẽ được xây dựng dựa trên bốn vành đai. Vành đai thứ nhất là hạt nhân, chủ yếu xây dựng đô thị "mẹ”. Đô thị "mẹ" quyết định, chi phối rất lớn đối với các vành đai còn lại. Vành đai thứ hai là khu vực hạn chế phát triển, chủ yếu là vùng nông nghiệp sinh thái, cây xanh và có thể bố trí các đô thị vệ tinh với mật độ thấp. Vành đai thứ ba là khu vực ưu tiên phát triển, nơi này sẽ phát triển các khu đô thị đối trọng, 60% là độc lập, không lệ thuộc đô thị "mẹ". Vành đai thứ tư là khu vực cân bằng sinh thái, dành cho việc bảo vệ thiên nhiên, cung cấp nguồn nước... cho đô thị "mẹ", đô thị vệ tinh.

Nếu soi vào những tiêu chí trên thì thấy Hà Nội hiện chưa tổ chức được như vậy. Hà Nội hiện nay chỉ đủ làm đô thị vệ tinh. Do đó, nếu với phương án lấy toàn bộ tỉnh Hà Tây và huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc, bốn xã thuộc huyện Lương Sơn của tỉnh Hòa Bình thì việc điều chỉnh mới chỉ đảm bảo được hai vành đai rưỡi, tất nhiên như vậy cũng là quá tốt.

* Nhiều người lo ngại lấy cả tỉnh Hà Tây sẽ chẳng khác gì "nông thôn hóa thủ đô"?

Đúng là phương án này sẽ làm tỉ lệ đô thị hóa bị giảm xuống, nhưng như thế Hà Nội sẽ phải từng bước hoàn thiện hệ thống nông thôn, thị trấn, thị tứ. Mặt khác, việc mở rộng ranh giới thủ đô sẽ rất thuận lợi khi sau này xây dựng kết cấu hạ tầng diện rộng, là cơ hội tốt để phát triển.

* Thật ra, có nhiều ý kiến không nghĩ như vậy và cho rằng với một thủ đô nhỏ bé như hiện nay mà bộ máy chính quyền Hà Nội còn chưa quản lý tốt sẽ khó quản lý được khi địa giới hành chính mở rộng?

Sẽ có rất nhiều khó khăn khi mở rộng thủ đô nhưng khó khăn đó Hà Nội phải vượt qua. Muốn thế phải làm được bốn yếu tố. Thứ nhất giải quyết vấn đề tâm lý, bởi việc sáp nhập một địa phương vào Hà Nội đồng nghĩa với việc người này có quyền lợi, người kia mất quyền lợi. Thứ hai phải có bản qui hoạch tốt, đúng nghĩa với một đô thị hiện đại, bền vững. Thứ ba hoàn thiện hệ thống hành chính, chính trị, xây dựng bộ máy chính quyền thật tốt, đặc biệt cơ quan tham mưu phải có năng lực. Cuối cùng phải có thể chế phù hợp để tạo sự hứng khởi, sự đổi mới, sự đồng thuận.

Đương nhiên để đạt được bốn yếu tố này là rất khó khăn. Nhưng "địa linh" mà không có "nhân kiệt" sẽ không quản nổi. Tôi tin với sự giám sát chặt chẽ của dân thì Hà Nội sau mở rộng sẽ tìm được một bộ máy tương xứng.

* Thưa ông, liệu có một cơ chế nào khác đối với một đô thị rộng lớn như phương án mở rộng Hà Nội không?

Nếu hình thành một vùng thủ đô, tức là ngoài Hà Nội còn có các địa phương khác xung quanh như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam khi đó nhất thiết phải có Ủy ban phối hợp phát triển vùng. Ủy ban này hoạt động như Quốc hội, tức sẽ thông qua những vấn đề lợi ích chung của toàn vùng và giải quyết những vấn đề khúc mắc giữa các địa phương.

Theo Tuổi Trẻ