Hà Nội mất 10 năm để di dời 50 hộ dân tại chung cư cũ

Cập nhật 16/11/2017 14:21

Lãnh đạo Sở Xây dựng ví von chung cư cũ như một "đặc sản cực kỳ khó ăn của Hà Nội" bởi những khó khăn trong công tác cải tạo.

Trong phiên thảo luận tại Diễn đàn bất động sản Việt Nam 2017, ông Nguyễn Chí Dũng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết việc bố trí tạm cư là một trong những trở ngại lớn nhất của công tác cải tạo chung cư cũ. Theo ông, thành phố đã bố trí nhà tạm khang trang, tiêu chuẩn cao tại khu vực Yên Hòa, vốn là khu nhà dành cho công vụ. Tuy nhiên, Hà Nội phải mất tới 10 năm để vận động 50 hộ dân tại một khu chung cư cũ cấp độ D - cấp cần cải tạo khẩn cấp đến nơi tạm cư, trong tổng số 150 gia đình. Số còn lại vẫn đang tiếp tục vận động.

"Việc vận động di dời đến nơi tạm cư đã là khó khăn, chứ chưa nói đến việc cải tạo chung cư", ông Dũng nhấn mạnh đồng thời ví von chung cư cũ như “đặc sản cực kỳ khó ăn của Hà Nội”.

Theo ông, từ năm 2007, Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, rà soát tình hình chung cư cũ và chia làm 2 giai đoạn triển khai. Giai đoạn 2007-2013, Sở Xây dựng Hà Nội đã kiểm định 162 chung cư cũ. Sau năm 2014 cũng tiến hành rà soát thêm theo ý kiến đánh giá của chuyên gia.

Việc cải tạo chung cư tại Hà Nội gặp nhiều vướng mắc trong công tác tạm cư, theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội. Ảnh: Đ.X

Dựa trên kết quả rà soát, cơ quan quản lý phân loại ra các hạng các chung cư cũ theo 4 mức độ mức độ cấp thiết cải tạo. 4 chung cư cũ thuộc nhóm cấp độ D, trong đó có cả chung cư được xây dựng từ thời Pháp, tập trung ở phường Thành Công, Ngọc Khánh và Tập thể Bộ Tư pháp.

Tuy nhiên, ông cho biết, những vướng mắc trong tạm cư khiến trong giai đoạn 2005-2015, Hà Nội mới chỉ cải tạo được 14 chung cư cũ và còn hàng trăm khu khác chưa tìm được phương án tháo gỡ để cải tạo mặc dù hiện có 18 nhà đầu tư quan tâm đến hoạt động này.

Bên cạnh vấn đề tạm cư, theo ông việc cải tạo còn gặp phải vướng mắc về quy định khống chế về chiều cao và quy mô dân số. Để giảm áp lực cho ngân sách, việc cải tạo phải huy động nguồn lực doanh nghiệp nhưng phải đáp ứng yêu cầu  giữ quy mô dân số hiện hành.

"Tuy nhiên, qua khảo sát của các nhà đầu tư để lên ý tưởng quy hoạch thì xuất hiện một vấn đề cực khó đó là dân số hiện hữu được báo cáo lại đã vượt quá 2 lần so với dân số quy hoạch chung và phân khu được duyệt", ông Dũng nói.

Để tháo gỡ những vướng mắc trên, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết Hà Nội đang xây dựng cơ chế riêng để cải tạo chung cư cũ và dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu 2018.

Liên quan đến công tác cải tạo chung cư cũ trên cả nước, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng theo thống kê sơ bộ, hiện nay có trên 2.500 nhà chung cư cũ (tương đương khoảng trên 3 triệu m2) được xây dựng từ trước năm 1994 với hơn 100.000 hộ dân sinh sống.

Trong đó, Hà Nội có hơn 1.500 tòa, TP HCM có hơn 500 tòa, Hải Phòng có 205 tòa... Các tỉnh thành khác khoảng 20-60 tòa. Qua rà soát chưa đầy đủ, hiện có trên 600 nhà chung cư nguy hiểm, hư hỏng nặng (chiếm khoảng 25% tổng số nhà chung cư cũ) cần phải kiểm định để có kế hoạch cải tạo, xây dựng lại, chủ yếu tập trung tại một số địa phương như: Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An...


DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress