Hàng loạt biệt thự bỏ hoang đang oằn mình phơi sương nắng, không những làm mất mỹ quan đô thị mà không ít trong số đó là tụ điểm tệ nạn xã hội.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu chủ đầu tư - Cty CP Tập đoàn Đầu tư Ba Đình - phải mua lại 23 căn biệt thự xây thô bị bỏ hoang nhiều năm qua tại cụm chung cư An Sinh, Mỹ Đình II. Tuy nhiên, còn hàng loạt căn biệt thự, nhà liền kề xây thô ở các khu đô thị khác của Hà Nội cũng đang cần thành phố có hướng xử lý.
Đầu cơ?
Trước những bức xúc của dư luận, Thủ tướng Chính phủ có văn bản yêu cầu UBND thành phố Hà Nội kiểm tra việc hàng chục căn biệt thự tiền tỉ bỏ hoang nhiều năm nay không được đưa vào sử dụng. Ngay sau đó, UBND TP.Hà Nội đã có văn bản yêu cầu ngay trong quý II năm nay, Cty CP Tập đoàn Đầu tư Ba Đình phải có biện pháp yêu cầu khách hàng là chủ 23 biệt thự xây thô tại dự án cụm chung cư An Sinh, Mỹ Đình 2 (huyện Từ Liêm) khẩn trương hoàn thiện các biệt thự theo đúng như thiết kế, quy hoạch đã phê duyệt.
Trong khi nhu cầu về nhà ở của người dân thủ đô còn chưa được đáp ứng đầy đủ thì những biệt thự đang bị bỏ hoang như thế này gây bức xúc trong dư luận. Ảnh: H.Q |
Nếu quá hạn trên, khách hàng không hoàn thiện biệt thự, Cty phải mua lại biệt thự theo giá bán có tính đến lãi suất ngân hàng từ thời điểm ký hợp đồng mua bán, nhằm mục đích bán cho các khách hàng có nhu cầu thực sự để ở.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó GĐ Sở Xây dựng TP.Hà Nội cho biết: Chúng tôi sẽ xử lý quyết liệt. Trước mắt, đối với các biệt thự bỏ hoang đã nhiều năm, qua khá nhiều chủ, chúng tôi yêu cầu Tập đoàn Đầu tư Ba Đình phải chủ động rà soát, có biện pháp yêu cầu các chủ biệt thự hoàn thiện xây dựng.
Nếu đến thời hạn quy định trong thông báo chủ biệt thự không có động thái gì thì Cty sẽ tiến hành các bước mua lại biệt thự đó. Đối với những căn biệt thự đang thi công, sẽ yêu cầu chủ đầu tư (CĐT) phải hoàn thiện theo đúng thiết kế đã được duyệt ở mặt ngoài, nội thất bên trong sẽ do người mua tự hoàn thiện.
Biệt thự bị bỏ hoang tại Hà Nội. Ảnh: H.Q
|
Vì sao lại có quá nhiều các căn biệt thự bỏ hoang trong bối cảnh nhà đất thăng trầm hiện nay? Theo một quan chức Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) thì điều này có nguyên do từ khi bắt đầu hình thành các khu đô thị mới, do không phân bổ vốn để đầu tư các chung cư cao tầng, trong khi nhiều dự án mới hình thành không có vốn.
Giải pháp cho vấn đề này là Chính phủ cho phép áp dụng tỉ lệ 40% diện tích đất xây dựng biệt thự, nhà liền kề và 60% xây chung cư. Khi đó, nhờ bán được các biệt thự có cái lên tới cả tỉ đồng (giá năm 1997-1998), như khu Linh Đàm, Trung Hòa- Nhân Chính... - chủ đầu tư đã giải quyết được vấn đề vốn để giải phóng mặt bằng, xây dựng các chung cư cao tầng.
Trong khi đó, trước đây tại các khu đô thị mới hình thành, chủ trương phân lô bán nền để cho dân tự xây, sau đó là chủ đầu tư xây thô, rồi bán cho dân. Chính vì thói quen của người dân là chỉ mua khi còn xây thô, hoàn thiện lại rất khó bán nên cũng không loại trừ có những căn biệt thự đã qua rất nhiều chủ, nhưng chủ nào cũng nhằm mục đích đầu cơ, chứ không để ở nên các căn biệt thự vẫn mãi ở dạng thô.
Phải thấu tình đạt lý
Quan chức Bộ Xây dựng cũng cho biết, xử lý vấn đề biệt thự bỏ hoang ở HN không đơn giản là yêu cầu chủ sở hữu các căn biệt thự phải hoàn thiện xây dựng. Trên thực tế, các chủ đầu tư dự án sau khi bán xong biệt thự là hầu như hết trách nhiệm với nhà đất đó.
Ai cũng biết, để hàng loạt các căn biệt thự có chủ mà như vô chủ, hoang hóa để cỏ dại mọc um tùm là vô cùng lãng phí. Nhưng về lý thì các chủ đầu tư dự án khó lòng can thiệp, nếu chủ biệt thự không bị buộc phải hoàn thiện.
Một lãnh đạo Ban quản lý dự án thuộc Cty Đầu tư phát triển nhà Hoàng Mai (chủ đầu tư khu đô thị Đại Kim) cho biết: Trong hợp đồng giao nhà cho khách hàng đã quy định, khách hàng phải hoàn thiện nhà ở theo đúng thiết kế được duyệt, đồng thời chúng tôi cũng từng có văn bản yêu cầu các chủ biệt thự, nhà liền kề đến hoàn thiện nhà, dọn vệ sinh trong khuôn viên.
Tuy nhiên, không ít căn biệt thự vẫn bỏ hoang không có người đến ở, chủ đầu tư biết cũng đành chịu. Ngay cả chính quyền địa phương cũng không thể can thiệp. Chủ tịch UBND xã Cổ Nhuế cho hay, khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh hiện có hơn 21.000m2 đất để xây nhà biệt thự, nhưng đều ở dạng xây thô, trong khi chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư là Cty kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội (Cty con thuộc TCty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội) yêu cầu các khách hàng của mình hoàn thiện, nhưng chỉ nhận được sự im lặng.
Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, cục đã thành lập một số đoàn thanh kiểm tra tình hình sử dụng đất và biệt thự bỏ hoang trên địa bàn Hà Nội, chủ yếu là các dự án được báo chí đăng tải thời gian qua. Sau khi có kết quả kiểm tra, cùng với báo cáo của UBND thành phố HN, Bộ Xây dựng sẽ báo cáo Chính phủ hướng xử lý.
Trước đó, một quan chức thuộc cục này cho biết, đề xuất đánh thuế đối với việc sở hữu bất động sản được Bộ Xây dựng trình quốc hội thông qua đã chưa được chuẩn y. Đánh thuế thu nhập cá nhân với BĐS là nhà đất được Bộ Xây dựng nhận định sẽ là một biện pháp mạnh nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ BĐS hiện nay.
Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên:
Chưa có chế tài, đừng nói chuyện xử phạt
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động chiều 14.4, ông Phạm Gia Yên - Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng bức xúc vì hành lang pháp lý cho việc xử phạt nhà bỏ hoang đang có “lỗ hổng” lớn. Nghị định 23 không quy định chế tài đối với việc chủ đầu tư chậm hoàn thiện nhà sau khi nhận bàn giao.
“Không phải đến bây giờ mà cách đây khoảng 2 năm, khi đi qua những dãy nhà biệt thự tối om bị bỏ hoang đã nhiều năm, tôi đã có ý kiến phải đưa vào luật các chế tài quy định việc ra thời hạn với các chủ nhà sau khi nhận bàn giao nhà. Nhưng cho đến nay, Luật Nhà ở đã không có quy định này, vì vậy NĐ 23 cũng không có chế tài xử phạt. Mà nếu không có chế tài thì thanh tra cũng không có công cụ như “thượng phương bảo kiếm” để hành xử.
Cách đây không lâu, chính thanh tra xây dựng cũng gặp những rắc rối như Hà Nội bây giờ, kiểm tra việc mua bán nhà chung cư thì có tới 70-80% hợp đồng nhà được mua đi bán lại, có nghĩa là chủ đầu tư không có nhu cầu ở thực sự, nhưng tìm được chế tài để xử phạt các hành vi găm giữ nhà, bán trao tay không dễ.
Thường thì khi giá nhà đất đóng băng không ai bán cả, lúc sốt mới bán, đây được xem là các giao dịch dân sự, Nhà nước không thể dùng mệnh lệnh hành chính để buộc các chủ đầu tư không được găm giữ nhà, đất. Cũng như việc TPHN yêu cầu các chủ biệt thự phải nhanh chóng hoàn thiện các biệt thự, nếu không sẽ phải bán lại cho chủ đầu tư hoặc quy định giá bán. HN sẽ không thể làm được nếu không có chế tài.
Theo tôi, cần thiết phải có ngay chế tài xử phạt mới giải quyết dứt điểm tình trạng này, có thể sẽ là một thông tư của Bộ Xây dựng, yêu cầu thời hạn 1-2 năm để cho các chủ biệt thự phải hoàn thiện nhà xây thô, yêu cầu này mang tính bắt buộc. Nếu các chủ biệt thự đó không thực hiện thì sau thời hạn này, Nhà nước sẽ xử phạt theo các quy định xử phạt hành chính, thậm chí mức phạt có thể tới 500 triệu (NĐ 23). Cùng với xử phạt, nếu mạnh tay hơn có thể ra quy định cưỡng chế buộc các chủ biệt thự, nhà liền kề bán lại cho chủ đầu tư hoặc cho Nhà nước để bán cho các đối tượng có nhu cầu để ở.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động