Tình trạng bán đất nghĩa trang tràn lan ở làng cổ Đường Lâm tất yếu làm nảy sinh những “cò” đất nghĩa trang chuyên nghiệp và đường dây mua bán ngầm hết sức tinh vi, bài bản.
Ra đầu làng gặp cò đất
Lang thang đi tìm hiểu thông tin về tình hình mua bán đất nghĩa trang tại Đường Lâm, chúng tôi “may mắn” gặp ngay một “cò” đất chuyên nghiệp tên Tiến – ở quán nước đầu làng Đông Sàng. Vẻ ngoài bụi bặm và tỏ ra khá sành sỏi, ngay khi bắt được tín hiệu người đi mua, sau những câu chuyện vu vơ, Tiến thẳng thắn góp chuyện: “Nếu chú cần thật sự, thì để tôi giúp cho. Tôi làm cho nhiều người, xây cho nhiều người rồi. Toàn dân Hà Nội thôi. Nhỏ thì năm mười thước, to thì hai, ba sào...”
Theo lời giải thích của “cò” Tiến, chuyện mua bán đất nghĩa trang nở rộ lâu nay, và vẫn tiếp tục hút khách. Nhu cầu đất nghĩa trang tăng cao là một lẽ, do quan niệm của nhiều người muốn chọn được thế đất đẹp ở “đất hai vua” cũng là một lẽ quan trọng. Người có tiền, và có “tầm” họ về đây mua đất, không tiếc bỏ ra hàng chục, hàng trăm triệu để có một chốn yên nghỉ hài lòng. Có nhà tuy chưa dùng đến nhưng cũng mua xây sẵn, để đấy dùng cho sau này.
“Đất mua ở đây tính ra vừa rẻ, tiện mà lại được theo ý mình, muốn xây thế nào thì xây. Có khi hai, ba nhà cùng chung nhau một mảnh vẫn vô tư” – Tiến khẳng định.
Thấy chúng tôi còn lưỡng lự, Tiến nhiệt tình nhận sẽ dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng các khu nghĩa địa cho biết. Lòng vòng qua con đường đầy bụi ra nghĩa trang thôn Đông Sàng, Tiến chỉ cho chúng tôi xem những thửa ruộng đang chờ bán, những “tiểu nghĩa địa” đã được đánh dấu, xây lại gọn gàng. Có mảnh mới đặt một ngôi mộ, cũng có mảnh các ngôi mộ mới, cũ được xây kiểu cách rất khang trang.
Tiến cho hay, những thửa ruộng này thuộc diện đất Quỹ ba, là cách đây mấy chục năm, HTX trả đất cho dân thay tiền công lao động. Bởi thế, việc mua bán đất này hết sức đơn giản.
Chỉ vào một mảnh ruộng đang đặt dở một ngôi mộ, Tiến khoe: “Mảnh này cũng là do tôi mua hộ, người ta mới chỉ kịp xây quây lại đây chờ ngày sang mộ.”
Tiến rỉ tai chúng tôi, đất nghĩa trang không phải mua đâu cũng được, mà phải chọn mua những mảnh kề với nghĩa trang của làng hoặc kề với các gò để sau này có thể xây dựng “lấn” dần ra mà không vướng phải cơ sự gì. Điều đó giải thích vì sao ngay cạnh khu nghĩa trang của làng, những khu “tiểu nghĩa địa” cứ âm thầm mọc lên, xé vụn cả cánh đồng xanh mướt.
Theo Tiến, cái khó trong công việc “giúp đỡ” của anh ta là làm sao giúp khách tìm được mảnh ưng ý, thương lượng để dân bán đất cho khách. Vì có những ruộng, mình thích, nhưng dân không muốn bán. Có những khi muốn mua khoảng đất rộng để xây lớn thì lại “ăn” vào ruộng của nhiều nhà, phải mất nhiều công sức đi thuyết phục, thỏa thuận, thậm chí phải trả giá cao hơn là chuyện hết sức bình thường”.
Điều đó cũng có nghĩa là, tùy ý khách hàng, những thửa ruộng được “ngắm” sẽ lần lượt được tách ra một phần hoặc toàn bộ để nhường làm đất nghĩa trang, và cánh đồng làng sẽ còn tiếp tục bị xé vụn không thương tiếc.
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua một diện tích rộng để xây nghĩa trang kinh doanh, nhắm được món hời, “cò” Tiến hào hứng đưa chúng tôi đi tham quan thêm một vòng. Đến một khu đất đang được xây dựng làm trang trại, trồng cây cảnh, Tiến hồ hởi giới thiệu: “Toàn bộ số đất gần hai mẫu này đều do một tay tôi mua gom lại. Mỗi nhà dăm ba thước, phải gom của hơn chục hộ mới được. Tôi mua từ năm 2009 đến nay, trên giấy tờ vẫn đứng tên tôi. Nếu có điều kiện, vẫn còn mở rộng, mua thêm được nữa”.
Sở dĩ, “cò” giới thiệu mảnh đất này để bày cách “đi ngầm” cho người mua. Vì theo lời Tiến, chỉ có người địa phương mua thì mới dễ dàng đâu ra đấy, còn dân nơi khác tới đây, việc mua bán, chuyển đổi mục đích sử dụng đất vô cùng phức tạp. Thông qua cò, mọi hoạt động mua bán sẽ diễn ra suôn sẻ trên danh nghĩa người làng mua bán của nhau. Xong xuôi, “cò” sẽ nhận làm người nhà, lo xây giúp toàn bố đất cát theo ý khách hàng. Mọi giao dịch về sau chỉ có “cò” biết, khách biết mà thôi.
Bí thư thôn “mách nước” mua đất nghĩa địa
Sở dĩ Tiến tự tin và dám chắc chắn với chúng tôi chiêu thức mua bán, chuyển nhượng như trên là vì đằng sau anh ta là những mối “thân tình” với những người cầm trong tay dấu mực.
Thấy chúng tôi phân vân chuyện giấy tờ, Tiến nói chắc như đinh đóng cột: “Ở đây chỉ phải qua thôn, thôn biết với nhau thôi. Nếu thích, tôi có thể dẫn vào cho gặp trưởng thôn vô tư. Cảm thấy mua được thì tôi sẽ giới thiệu!”
Nhưng cuối cùng, người Tiến giới thiệu cho chúng tôi lại là một vị “cựu” trưởng thôn tên Quang. Sau ba năm đảm đương “trọng trách”, vị này nay chuyển sang giữ chức Bí thư thôn Đông Sàng.
Sau những cuộc điện thoại kết nối của Tiến, ông Quang đồng ý gặp chúng tôi tại quán nước nhà mình.
Trong suốt cuộc nói chuyện khá lâu tại nhà mình, ông Quang tỏ ra là người rất kinh nghiệm trong những vụ làm ăn mang tính chất “giúp nhau là chính” như thế này. Chúng tôi vừa hỏi cách mua bán cho đàng hoàng, ông ta đã gạt đi với khẳng định: “Đừng có dại mà dây vào dấu mực!”
Sau đó, ông ta tỉ mỉ “bày cách”: “Chỉ có lách luật thì mới làm được. Anh nói với chú, trăm cái lý không bằng tí cái tình. Em nhờ anh Tiến là người làng ở đây mua giúp, nhận là người nhà mua đất, sang tên. Rồi hai gia đình làm việc với nhau, cẩn thận thì lấy người làm chứng. Các chú muốn làm thế nào, xây ra sao thì cũng nhờ anh Tiến. Mua giữa đồng thì hơi khó mà chỉ nên mua ở sát gò, làm áp với gò một tí. Anh nói làm dấu mực, đố các em làm được!”
“Về dân làng chú Tiến sẽ nhận họ hàng, nhận làm chứng. Anh em quý nhau thì giúp nhau, không thì thôi”. Thấy chúng tôi tỏ vẻ ái ngại “cò” Tiến nãy giờ ngồi yên nghe cũng nói thêm: “Ông làm ba khóa trưởng thôn rồi, khóa này làm bí thư, cái gì cũng rât “ thông” nên các chú nhiệt tình mua thì cứ yên tâm”.
Sau một hồi nhiệt tình, ông Quang bỗng trở nên lạnh lùng khi hỏi lại quan hệ giữa “cò” Tiến và chúng tôi.
“Quý nhau thì giúp thế thôi. Anh đã làm rồi: Nếu làm theo thủ tục thì đủ các loại, từ xã lên huyện lên thành phố. Còn nếu làm thế kia thì vừa nhanh, vừa gọn. Mọi việc chú Tiến đứng ra giải quyết, vẫn phải phơi mặt ra làm. Các em chỉ là anh em người nhà đến. Còn đây là nó tin tớ thì tớ nói, chứ lẽ ra trước hết là anh phải hỏi mới giải quyết, mới giúp!”.
Câu chuyện đến hồi kết, cảm thấy chúng tôi vẫn còn ít nhiều lăn tăn, ông Quang tuy mặt thờ ơ, nhưng ra sức vun vào: “Đó là cách nhanh nhất, êm đẹp nhất… Tôi đã tư vấn cho bọn em, việc chuyển đổi mục đích không hề đơn giản. Còn sợ dính dáng đến pháp luật, mình phải nghĩ, nghĩa địa không ai người ta lật cả. Nếu là nhà ở thì còn lăn tăn. Anh chỉ nói các chú tìm lấy người làm chứng, viết giấy giao kèo có người làm chứng đàng hoàng là được”.
Dù đã coi nhau như người nhà, như anh em bạn bè và tận tình tư vấn, nhưng khi chúng tôi hỏi xin số điện thoại, xin tên đầy đủ, ông Quang lạnh lùng từ chối, bảo: “Cứ làm việc với chú Tiến này…”
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet