Hà Nội: Làm đường trên cao để giảm kẹt xe

Cập nhật 17/02/2011 11:10

Mới đây, bộ Xây dựng, bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và UBND TP Hà Nội đã có cuộc họp thống nhất đồng ý về mặt chủ trương với đề xuất của công ty cổ phần Vincom về việc đầu tư xây dựng đường trên cao theo tuyến vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở với mục tiêu giảm áp lực giao thông trong nội đô Hà Nội. Đồng thời kiến nghị Thủ tướng cho phép chủ trương để thực hiện dự án.

“Đường trên cao, Hà Nội muốn làm từ lâu”


Phối cảnh đường trên cao tại Hà Nội Ảnh: (ảnh tư liệu)
Theo tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Viện trưởng viện quy hoạch và quản lý giao thông (bộ GTVT), vấn đề xây dựng đường trên cao đã được các chuyên gia nước ngoài gợi ý trong các quy hoạch giao thông trước đây, song không được chú ý. Trong khi đó nhiều nước châu Á đã áp dụng rất hiệu quả như Bangkok (Thái Lan), Tokyo (Nhật Bản), Hồng Kông... Riêng mạng lưới đường cao tốc trên cao ở Tokyo đã dài khoảng 120km. Ngay cạnh ta, các thành phố lớn của Trung Quốc như Quảng Châu, Thâm Quyến… cũng có hệ thống đường trên cao để giảm áp lực kẹt xe, tắc đường.

Xây dựng đường trên cao là tăng năng lực của cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, hiện nay chi phí giải phóng mặt bằng tại thủ đô rất cao, nhiều dự án chậm tiến độ, với các dự án đường trên cao công tác này sẽ giảm khoảng 80% từ đó giảm được nhiều chi phí. Không chỉ vậy, việc xây dựng đường trên cao cũng có tốc độ triển khai nhanh hơn, góp phần đắc lực vào việc giải quyết kịp thời các vấn nạn giao thông.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, giám đốc sở GTVT Hà Nội cho rằng việc nghiên cứu phát triển mạng lưới đường trên cao được xem là một giải pháp quan trọng, vì mạng lưới giao thông đường bộ của Hà Nội hiện nay còn thiếu đồng bộ, hầu hết tuyến đường nội đô đều quá tải, ùn tắc trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân. Trong khi đó, quỹ đất dành cho giao thông ngày càng hạn hẹp, công tác giải phóng mặt bằng rất khó khăn.

Còn theo PGS. TS Trần Trọng Hanh, nguyên hiệu trưởng ĐH Kiến trúc, việc xây dựng đường trên cao tuy gặp khó khăn về cảnh quan, về tâm lý xã hội, về công nghệ... nhưng đó là những bài toán phải giải để vượt qua. Ông Hanh cho rằng việc khai thác công trình ngầm, nổi là rất cần, nếu không muốn nói là đã muộn với Hà Nội. “Kiến trúc cảnh quan chính là nghệ thuật. Do đó, tùy theo từng công trình cụ thể, trong quá trình thiết kế, các kiến trúc sư sẽ phải cân nhắc, tìm ra phương án xử lý tối ưu nhất cho toàn bộ kiến trúc cảnh quan đô thị, để tạo ra đường trên cao đẹp nhất, phù hợp với kiến trúc, cảnh quan đô thị và môi trường xung quanh”, ông Hanh nói.

Không thể không làm



Hệ thống đường trên cao sẽ giảm áp lực kẹt xe, tắc đường ở đô thị.
“Hà Nội dù có mở rộng nữa nhưng khu vực nội đô hiện nay nhất thiết phải có tuyến đường trên cao để giảm áp lực giao thông”, TS. Phạm Sĩ Liêm, phó chủ tịch tổng hội Xây dựng VN khẳng định. Theo ông Liêm, hiện trạng của giao thông Hà Nội đang yếu kém về hạ tầng và ý thức của người dân tham gia giao thông chưa cao. Là một thủ đô, song giao thông công cộng ở Hà Nội mới đảm bảo dưới 20% nhu cầu đi lại, còn lại trên 80% là do phương tiện cá nhân và người đi bộ thực hiện.

Ông Liêm cho rằng phương án làm đường trên cao là hợp lý và cũng không còn cách nào khác. Bởi lẽ, việc mở rộng đường qua các khu vực nội thị hiện nay không khả thi vì dân cư đã hình thành, đông đúc nên công tác giải phóng sẽ rất khó khăn và tốn kém. Bên cạnh đó, các phương án làm đường ngầm dưới mặt đất cũng khó thực hiện bởi nền địa chất khu vực Hà Nội yếu, dễ ngấm nước.

Theo các chuyên gia xây dựng và nhà quản lý đô thị thì vấn đề “đường trên cao” không mới, băn khoăn nhất là khả năng thực hiện, nguồn vốn. Theo số liệu ước tính của sở GTVT Hà Nội, để phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông giai đoạn 2011 – 2015, Hà Nội cần khoảng 142,000 tỉ đồng.

Trong đó, đường trên cao khoảng 30,000 tỉ đồng… Theo KTS Phạm Thanh Tùng, cần phải có sự tham gia của các thành phần kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân theo hình thức BT. “Một trong những lời giải cho bài toán về vốn cho phát triển hạ tầng giao thông được nhắc đến nhiều trong thời gian qua là huy động sự chung sức của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước”, ông Tùng nói.

Theo KTS Tùng, đầu tư các dự án giao thông theo hình thức BT thì cả nhà nước, người dân và nhà đầu tư đều đạt được nhiều lợi ích. Nhà nước không phải lo bỏ một số vốn rất lớn để đầu tư mà vẫn có những tuyến đường đẹp, chất lượng và có thể dành vốn để đầu tư các lĩnh vực an sinh, xã hội khác. “Theo tôi, việc làm đường trên cao cần phải xúc tiến ngay, chứ không thể không làm. Trong tình trạng giao thông đô thị đang thực sự là “ác mộng” thì ý tưởng - kế hoạch phát triển đường trên cao rõ ràng là một sự cần thiết và khả thi”, ông Tùng nói.

Hà Nội đề xuất xây dựng 6 tuyến đường trên cao

Sở GTVT Hà Nội đã trình UBNDTP đề án xây dựng 6 đường trên cao trong giai đoạn 2010-2015. Theo đó, 6 tuyến đường được đề xuất gồm: Tuyến 1 trên đê Hữu Hồng từ đường Lạc Long Quân đến Yên Phụ. Tuyến 2 trên đường vành đai 2, đoạn từ Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng - Minh Khai - cầu Vĩnh Tuy. Tuyến 3 trên đường vành đai 3 từ Nội Bài – Mai Dịch – Pháp Vân. Tuyến số 4 từ Ga Hà Nội – Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch – Tôn Thất Tùng – Kim Giang - đường 70. Tuyến 5 từ vành đai 1 tới vành đai 3, đi qua các trục Trần Duy Hưng, Liễu Giai, Hồ Tây. Và tuyến 6 từ Giảng Võ qua Láng Hạ đến Thanh Xuân. Cả 6 tuyến này đều có quy mô dự kiến với 4 làn xe cơ giới.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị