- Theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, các công trình nhà đất không đủ điều kiện tồn tại (diện tích dưới 15m2, không hợp thửa được...) sẽ bị xử lý, thu hồi để phục vụ cho mục đích công cộng.
Một căn nhà siêu mỏng trên đường Võ Chí Công. Ảnh: K.O
|
Cứ mở đường là xuất hiện nhà “siêu mỏng, siêu méo”
Từ thời điểm Quyết định số 39/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn thi hành Điều 21 của Luật Xây dựng có hiệu lực từ ngày 28/2/2005, đã nhiều lần Hà Nội ra thời hạn cuối cùng xóa nhà siêu mỏng, siêu méo còn tồn đọng. Tuy nhiên, những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn hiển hiện bền bỉ với thời gian, án ngữ ngay tại những con phố nghìn tỉ.
Những công trình này không chỉ gây mất mỹ quan, phá vỡ kiến trúc quy hoạch đô thị mà còn không đảm bảo an toàn cho người dân sống tại đây. Tuy nhiên, mỗi khi có một con đường mới mọc lên lại xuất hiện hàng loạt những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo. Theo khảo sát của PV tại một số tuyến phố như: Nguyễn Văn Huyên, Trần Thái Tông, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công… nhà siêu mỏng, siêu méo tồn tại khá nhiều.
Cụ thể, trên địa bàn quận Cầu Giấy, ngay sau khi tuyến đường Nguyễn Văn Huyên được mở ra cũng kéo theo hàng loạt ngôi nhà với hình thù kỳ quái. Có những căn nhà diện tích vỏn vẹn 5 - 10m2, có nhà cong vênh, thiết kế uốn éo theo thế đất, có nhà lại dài “dằng dặc” với diện tích hơn 30m2, nhưng chiều sâu thửa đất chưa tới 2m.
Hay trên đường Nguyễn Phong Sắc, đoạn gần cổng sau của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, bao năm nay căn nhà chỉ hơn chục m2 vẫn “án ngữ” ngay giữa vỉa hè. Gần đó, còn có một căn nhà khác với chiều sâu chưa đến 3m.
Còn trên đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ, Hà Nội), ngay sau khi tuyến đường này được mở ra đã xuất hiện những căn nhà lập kỷ lục về độ mỏng. Có căn nhà hình tam giác với diện tích chỉ vỏn vẹn chưa nổi 5m2, hay có những chỗ chỉ còn mỗi bức tường nhưng chủ nhà vẫn cố giữ đất.
Khi được hỏi, hầu hết các chủ ngôi nhà trên đều không muốn di dời bởi lẽ dù nhỏ nhưng những căn nhà đó vẫn nằm ở mặt đường, trên những con phố đắc địa nên việc kinh doanh vẫn dễ dàng. Hay có những hộ lại hét giá “trên trời” khiến cho việc hợp thửa không thành công.
Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, trước thời điểm 2015, toàn TP có trên 300 trường hợp nhà "siêu mỏng, siêu méo". Sau nhiều năm phối hợp xử lý, tính đến đầu tháng 6/2017, đã “trảm” được 160 công trình. Hiện tại, các dạng nhà, đất không đủ điều kiện để xây dựng tồn đọng cũ giảm còn khoảng 132 trường hợp. Trong đó, không ít công trình thuộc dạng “khó” nằm ở các quận Ba Đình, Hà Đông, Tây Hồ.
Quyết tâm xử lý
Phần diện tích chỉ vài 5m2 nhưng vẫn được rao cho thuê mặt bằng.
|
Trước thực trạng trên, mới đây, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng vừa có văn bản số 1758 về xử lý các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng phát sinh khi thực hiện dự án mở đường theo quy hoạch tồn đọng cũ trước năm 2005.
Theo đó, UBND Thành phố chấp thuận về nguyên tắc với đề xuất của Sở Xây dựng tại Văn bản số 79/BC-SXD ngày 29/3/2018 về xử lý, thu hồi các trường hợp không đủ điều kiện tồn tại, gây phản cảm, để phục vụ mục đích công cộng.
Đồng thời, Thành phố cũng yêu cầu giữ nguyên trạng, hợp khối kiến trúc mặt đứng với công trình liền kề và xung quanh hoặc cấp phép có điều kiện đảm bảo an toàn, không gây phản cảm đối với các trường hợp công trình nằm đan xen với công trình xung quanh, những công trình mà người dân tự cải tạo, chỉnh trang trên cơ sở nguyên trạng cũ và những công trình nơi người dân sống, mưu sinh ổn định từ nhiều năm nay..
UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương lập hồ sơ thu hồi, phục vụ vào mục đích công cộng đối với các trường hợp không đủ điều kiện tồn tại (diện tích dưới 15m2 mà không hợp khối được với các công trình lân cận) và các trường hợp sau 30 ngày không thực hiện được việc hợp thửa, hợp khối và nhanh chóng có biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận thực hiện.
PGS.TS. KTS Hoàng Mạnh Nguyên – Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu và Phát triển Đô thị Xanh nhận định: “Chủ trương của Thành phố là hoàn toàn phù hợp. Những ngôi nhà có diện tích dưới 15m2 sẽ rất khó có thể tổ chức được một không gian sử dụng cho phù hợp, không những thế nó còn gây mất mỹ quan đô thị. Trong khi đó, những diện tích cho công cộng chúng ta lại đang rất thiếu”.
Theo ông Nguyên, nguyên nhân dẫn đến những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo là do, đô thị Việt Nam trải qua nhiều quá trình phát triển và trong quá trình phát triển tồn tại rất nhiều bất cập. Đặc biệt, mỗi khi mở đường xuất hiện những diện tích thừa nhỏ, không phù hợp với kiến trúc đô thị, nhưng các cơ quan chức năng lại không tính đến, mạnh tay thu hồi phần diện tích như vậy, còn người dân thì cố giữ đất.
Ông Nguyên dẫn ra ví dụ, ở một số nước phát triển như Nhật Bản, Singapore,…khi mở đường, họ sẽ lấy sâu vào hơn một chút để xây dựng những công trình công cộng, phục vụ cộng đồng. Với cách làm như vậy sẽ khiến cho mỹ quan đô thị đẹp hơn, không phải lổn nhổn những ngôi nhà bị phá đi một phần và họ sửa chữa lại, mà dọc theo mặt đường sẽ là cả một tuyến được nghiên cứu.
Tuy nhiên, ông Nguyên cũng cho hay, khi xử lý, cơ quan nhà nước nên tính đến những giải pháp cụ thể. “Thu hồi để xây dựng mục đích công cộng cần làm rõ cho mục đích gì? Với những diện tích như vậy có thể biến thành những vườn hoa nhỏ, chỗ nghỉ cho người già, chỗ chơi cho trẻ em, mà hiện những không gian đó chúng ta đang rất thiếu. Không nên biến phần diện tích đó thành những ki ốt thì sẽ không giải quyết được vấn đề thiết kế đô thị, bộ mặt đô thị sẽ không được cải thiện. Ngoài ra Nhà nước cũng cần có những chính sách phù hợp để những người khi mở đường họ còn lại diện tích nhỏ sẽ không phải chịu thiệt, không gây bức xúc trong nhân dân” PGS.TS. KTS Hoàng Mạnh Nguyên cho hay.
DiaOcOnline.vn theo http://giadinh.net.vn