Hà Nội không để vi phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực thành tiền lệ xấu

Cập nhật 15/02/2017 08:57

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục phá dỡ phần sai phạm của công trình 8B Lê Trực theo phê duyệt.

Việc Công ty Cổ phần Tập đoàn Phương Bắc có văn bản đề nghị UBND Thành phố Hà Nội đề xuất dừng thi công phá dỡ giai đoạn 2 tại tòa nhà 8B Lê Trực khiến dư luận lo ngại tạo ra tiền lệ xấu, cổ súy cho sự coi thường kỷ cương phép nước. Tuy nhiên, người đứng đầu Hà Nội một lần nữa cho thấy, Hà Nội không khoan nhượng cho bất cứ sai phạm nào. Ngày 14/2, Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khi làm việc với quận Ba Đình yêu cầu các đơn vị liên quan có giải pháp thiết kế an toàn, tiếp tục phá dỡ phần sai phạm của công trình 8B Lê Trực theo phê duyệt.

Sau nhiều chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội công trình 8B Lê Trực với phần vi phạm vẫn còn gần như nguyên vẹn.

Đơn vị phá dỡ có công văn xin không phá dỡ

Theo báo cáo, hiện nay, công trình 8B Lê Trực đã phá dỡ xong tầng 19 xây sai phép. Giai đoạn 2 là xử lý đièu chỉnh tầng cao xây dựng và không giật cấp theo giấy phép xây dựng được cấp được Công ty cổ phần tập đoàn Phương Bắc vin một số lý do rằng, đã hơn 3 tháng nay, đơn vị thiết kế vẫn chưa đưa ra được phương án phá dỡ để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình.

Do tính chất phức tạp về kiến trúc và kết cấu của tòa nhà, nên việc đưa ra biện pháp phá dỡ giai đoạn 2 rất khó khăn. Việc phá dỡ phần giật cấp của tòa nhà sẽ phải bỏ hầu như các cột và dầm biên chịu lực của tòa nhà… Cho nên, công ty đề xuất dừng phá dỡ và đề nghị tháo dỡ cẩu trục tháp, vận thăng lồng đã lắp đặt tại công trình để tránh nguy cơ mất an toàn cho người dân tham gia giao thông trên tuyến đường cũng như sinh sống trong khu vực liền kề.

Trước đó đơn vị phá dỡ đã dỡ xong phần tum và tầng 19 vi phạm.

Với đề xuất trên, theo một số chuyên gia trong ngành xây dựng và tháo dỡ công trình xây dựng là có dấu hiệu “bất thường” bởi lý do đưa ra rất chung chung, chỉ dựa trên ý kiến chủ quan.

Dư luận cũng đặt câu hỏi tại sao việc tháo dỡ gặp bế tắc suốt hơn 3 tháng qua nhưng công ty này không báo cáo cơ quan chức năng lại lựa chọn thời điểm năm hết Tết đến khi mà dư luận bận rộn với Tết cổ truyền để đưa ra đề nghị dừng tháo dỡ? Liệu đây có phải là động tác “kỹ thuật” để tiến tới giúp cho công trình giữ nguyên hiện trạng, không thực hiện nghiêm chỉ đạo kiên quyết của Thủ tướng Chính phủ và của TP. Hà Nội?

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Xây dựng cho rằng: việc tháo dỡ công trình sai phạm trên là hoàn toàn có thể với trình độ khoa học và công nghệ hiện nay, không đến mức sập đổ cả tòa nhà như đơn vị tháo dỡ  “nâng quan điểm”. Những lý do mà chủ đầu tư dự án 8B đưa ra trong thời gian qua rõ ràng là không thỏa đáng. Đặc biệt, việc chậm trễ khắc phục sai phạm của chủ đầu tư cũng không thể chấp nhận được, bởi nếu lo sợ hoạt động “cắt ngọn” chủ đầu tư hay đơn vị được chỉ định không làm được thì các đơn vị thi công chuyên nghiệp khác sẵn sàng vào cuộc phá dỡ công trình mà không làm ảnh hưởng đến tòa nhà.

“Với trình độ và công nghệ xây dựng hiện nay, việc cắt bớt tầng kết cấu bằng bê tông cốt thép là rất đơn giản, không quá phức tạp. Vì kết cấu khung dầm bê tông cốt thép là chịu lực độc lập, không ảnh hưởng đến toàn bộ kết cấu. Lý do mà họ đưa ra để không tiếp tục cắt ngọn là không thể chấp nhận được, chỉ là ngụy biện. Công trình đã vi phạm thì cần phải thực hiện nghiêm, không vì lý do này nọ mà có thể dừng lại được…”, PGS-TS Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Tòa nhà 8B Lê Trực xây khác hoàn toàn giấy phép ban đầu được cấp.

Còn theo TS. Phạm Sỹ Liêm – Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, về lý thuyết, việc một toà nhà được bỏ bớt số tầng và các hạng mục phía trên sẽ làm cho toà nhà nhẹ hơn và càng tốt cho chất lượng và độ bền của toà nhà. Với một dự án, việc phá dỡ một phần nào đó, nếu được thực hiện đúng quy trình, đúng kỹ thuật sẽ không ảnh hưởng đến kết cấu toà nhà được.

“Sai phạm tại dự án 8B Lê Trực là quá rõ ràng và nghiêm trọng. Việc phá dỡ phần xây dựng trái phép là điều cần thiết” – ông Liêm khẳng định.

Kiên quyết tháo dỡ, không để tiền lệ xấu

Ngày 14/2, báo cáo với Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Bí thư Quận ủy Ba Đình Hoàng Trọng Quyết cho biết, quận đã hoàn thành giai đoạn một việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại công trình số 8B Lê Trực, đảm bảo thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng, Thường trực Thành ủy và UBND TP. Hà Nội.

Theo ông Quyết, tính đến ngày 31/10/2016, quận Ba Đình đã phá dỡ xong sàn tầng 19, toàn bộ 585 dầm và 17/36 cột. Quận đang chỉ đạo xây dựng phương án phá dỡ giai đoạn hai.

Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục thông tin, năm qua trên địa bàn quận Ba Đình có 14 công trình vi phạm trật tự xây dựng gồm 8 công trình sai phép, 6 công trình không phép (trong đó có công trình 8B Lê Trực). Các đơn vị liên quan đang đôn đốc phương án phá dỡ phần sai phạm của nhà 8B Lê Trực giai đoạn hai.

Kết luận buổi làm việc, Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, vi phạm tại công trình 8B Lê Trực là trường hợp rất điển hình mà cả nước biết đến và thành phố đã kỷ luật nhiều cán bộ.

Theo ông Hoàng Trung Hải, nếu xử lý công trình vội vã mà làm nảy sinh vấn đề khác mất an toàn thì hết sức phức tạp, do vậy cơ quan chức năng cần thường xuyên bám sát địa bàn.

“Sở Xây dựng cùng quận Ba Đình phải có giải pháp thiết kế an toàn, rồi tiếp tục phá dỡ theo phê duyệt của Bộ Xây dựng”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu.

Theo kết quả kiểm tra của liên ngành TP. Hà Nội, công trình 8B Lê Trực có nhiều sai phạm so với giấy phép xây dựng đã được cấp. Cụ thể từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36 m so với khối đế, song chủ đầu tư đã xây thẳng đến mái. Phần giật cấp đầu hồi phía Đông theo thiết kế từ độ cao 44 m công trình giật cấp vào 15 m và tại độ cao 50 m giật cấp tiếp thêm 5,3 m về phía Tây, nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn xây dựng.

Công trình cao đến đỉnh tum thang là 53 m nếu làm đúng giấy phép. Thực tế chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao hiện tại khoảng 69 m (vượt 16 m, tương đương 5 tầng). Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000 m2, tuy nhiên chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000 m2, tăng trên 6.000 m2 so với giấy phép.


DiaOcOnline.vn - Theo VTV