Là phân khúc bất động sản thương mại có nhu cầu lớn nhất, nhưng những dự án căn hộ giá rẻ (khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/căn hộ) tại Hà Nội hiện nay không còn nhiều.
Nguồn cung căn hộ giá rẻ tại Hà Nội trong năm 2016 rất hạn chế. Ảnh: Phương Anh
|
Giai đoạn 2013-2014, khi thị trường còn trầm lắng, nhu cầu của người dân không cao, phát triển dự án nhà ở xã hội được xem là cứu cánh cho nhiều doanh nghiệp. Do đó, ngoài việc triển khai từ đầu, nhiều doanh nghiệp cũng xin chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, khiến nguồn cung ở phân khúc này tăng mạnh.
Dù nguồn cung tăng mạnh, nhưng nhu cầu phân khúc này rất lớn, nên các dự án được mở bán đều bán hết trong khoảng thời gian ngắn. Chẳng hạn như các dự án, Rice City Linh Đàm, Ecohom1, Ecohome 2 Bắc Từ Liêm, Dự án nhà xã hội Đại Kim của Handico 5, Dư án 143 Trần Phú của SDU, Dự án nhà xã hội số 30 Phạm Văn Đồng…
Ngoài phân khúc nhà ở xã hội, giai đoạn này, thị trường Hà Nội cũng chứng kiến sự lên ngôi của phân khúc căn hộ giá rẻ với nguồn cung lớn nhất từ trước đến nay. Trong đó, riêng Tập đoàn Mường Thanh của đại gia Lê Thanh Thản đã cung cấp ra thị trường hàng vạn căn hộ giá rẻ, như Dự án Đại Thanh, Dự án GoldenSilk - Kim Văn Kim Lũ; Dự án VP5, VP6 Linh Đàm và Khu nhà HH1, HH2, HH3, HH4 Linh Đàm… với tổng nguồn cung trên dưới 20.000 căn hộ.
Cũng giống như nhà ở xã hội, dù nguồn cung lớn, nhưng do đáp ứng được nhu cầu đại đa số người dân nên hàng ra đến đâu đều được mua hết đến đó. Thậm chí, các dự án của Mường Thanh luôn xuất hiện tiền chênh lên tới hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng mỗi căn.
Đến cuối năm 2015, Hà Nội sau sự cố cháy xảy ra ở các chung cư Xa La, Linh Đàm, UBND TP. Hà Nội đã tạm ngừng cấp phép các dự án mới cho Mường Thanh, trong khi các doanh nghiệp khác lại chuyển hướng sang phát triển dòng căn hộ cao cấp khi thị trường phục hồi, khiến nguồn cung căn hộ giá rẻ tại Hà Nội giảm nhanh.
Theo khảo sát của Đầu tư Bất động sản, hiện nay, tại Hà Nội, số lượng dự án nhà ở xã hội và dự án căn hộ thương mại có mức giá trên dưới 1 tỷ đồng/căn không nhiều, chỉ đếm được trên đầu ngón tay và chủ yếu là nằm ở khá xa trung tâm.
Ở phân khúc nhà ở xã hội, có thể kể đến các dự án như Dự án nhà xã hội The Vesta quận Hà Đông của Hải Phát, với khoảng 2.000 căn hộ; Dự án Bright City huyện Hoài Đức của AZLand, hay Sunny Garden huyện Quốc Oai…
Trong khi các dự án nhà ở thương mại giá rẻ có thể kể đến như Dự án Gemek Premium huyện Hoài Đức, với khoảng 900 căn hộ; Tòa T2, Dự án Thăng Long Victory An Khánh; Dự án The Golden An Khánh; Dự án Xuân Mai Spark State Dương Nội… Tuy nhiên, các dự án này đã được chủ đầu tư mở bán khá lâu và số lượng còn lại không nhiều.
Trong khi đó, chung cư thương mại rẻ nhất Hà Nội là Dự án M1C thuộc Khu đô thị Thanh Hà Cienco 5 (quận Hà Đông) cũng đã được bán hết, chỉ còn giao dịch ở thị trường thứ cấp.
Theo báo cáo thị trường của các công ty nghiên cứu thị trường lớn như Savills, hay CBRE, phân khúc nhà giá rẻ tại Hà Nội sẽ được thị trường chú ý nhiều hơn trong năm 2016, nhưng nguồn cung tương lai đối với phân khúc này khá hạn chế.
Cụ thể, khảo sát trên địa bàn Hà Nội hiện nay, các ở phân khúc này đang được triển khai và sẽ mở bán có thể kể đến Dự án Tứ Hiệp Plaza, huyện Thanh Trì; Tòa T3, Dự án Thăng Long Victory, huyện Hoài Đức, khu căn hộ giá rẻ FLC Garden Đại Mỗ…
Theo tính toán sơ bộ, tổng nguồn cung căn hộ giá rẻ trên địa bàn Hà Nội đủ điều kiện bán ra trong năm 2016 cũng chỉ tương đương với nguồn cung của riêng Tập đoàn Mường Thanh tung ra trong năm 2015.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản