Thủ đô Hà Nội và thành phố Seoul (Hàn Quốc) đang hợp tác triển khai dự án "Quy hoạch phát triển khu vực sông Hồng, đoạn qua Hà Nội". Ðây là dự án lớn, quy hoạch đồng bộ, bài bản trên mọi lĩnh vực, nhằm biến dải đất hai bên bờ sông Hồng thành khu vực đa chức năng, mang lại lợi ích nhiều mặt về phát triển kinh tế - xã hội, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của Thủ đô. Xin giới thiệu những nội dung chính và lộ trình thực hiện dự án.
Chỉnh trị sông kết hợp xây dựng công viên, làm đường giao thông
Ông Lee Sang Yeal - chuyên gia quy hoạch Hàn Quốc, phụ trách Tổ dự án sông Hồng cho biết: Phạm vi nghiên cứu của dự án là sông Hồng đoạn chảy qua địa bàn Hà Nội, dài khoảng 40km, cùng toàn bộ diện tích khu vực bãi sông Hồng khoảng 10,5 ha, thuộc địa bàn các quận Tây Hồ, Ba Ðình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên và các huyện Từ Liêm, Ðông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì. Khu vực này hiện đang là nơi sinh sống của 39 nghìn hộ dân với hơn 170 nghìn người.
Từ những kinh nghiệm mà Hàn Quốc có được trong việc chỉnh trị sông Hàn và phát triển đô thị, các chuyên gia xác định mục tiêu của dự án là bảo đảm Hà Nội an toàn với nạn lũ, đồng thời là một đô thị quốc tế, môi trường sông ngòi tốt. Các chuyên gia đã lập quy hoạch hành lang thoát lũ cho sông Hồng, quy hoạch xây dựng hai bờ sông và phương thức huy động vốn, tổ chức thực hiện dự án.
Về quy hoạch hành lang thoát lũ cho sông Hồng, tổ chuyên gia đề xuất xây dựng tuyến đê mới có tổng chiều dài 75,5 km, trong đó gia cố 55,7 km phần đê hiện có, còn lại là xây mới. Hệ thống đê mới sẽ nắn chỉnh dòng chảy sông Hồng hợp lý hơn. Hiện nay, khoảng cách giữa hai bờ sông đoạn rộng nhất lên tới 3,5 km, trong khi nếu được quy hoạch và khơi thông, chỉ cần 1,5 km là bảo đảm thoát lũ tốt.
Tổ dự án đề xuất mở rộng khoảng cách giữa hai đê ở các điểm hiện đang bị thu hẹp như khu vực thượng lưu cầu Thăng Long, khu vực cầu Chương Dương, chỉnh trị lòng dẫn khu vực cảng Hà Nội và chỗ phân nhánh sông Ðuống, đồng thời thu hẹp khoảng cách giữa hai đê ở phía bắc Thanh Trì. Nhờ đó, lòng dẫn sẽ ổn định, mở rộng mặt cắt dẫn nước trên cơ sở mực nước trung bình mùa cạn.
Các chuyên gia có những tính toán cụ thể về tần suất lũ cho Hà Nội với đỉnh lũ cao nhất là 13,4m, tần suất 500 năm, khi đưa công trình thủy điện Sơn La vào hoạt động.
Các bãi sông, bãi bồi sẽ được tận dụng, bảo tồn. Các di tích lịch sử, văn hóa ven sông như đền Chèm, chùa Bồ Ðề, đền Ðồng Nhân, làng gốm Bát Tràng sẽ được bảo tồn để phát triển du lịch. Hệ thống giao thông thủy lợi sẽ được quy hoạch theo hướng khai thác tối đa tiềm năng, đáp ứng khối lượng vận chuyển ngày càng tăng, cải tạo ba cảng hiện có, đồng thời xây mới hai cảng hàng hóa, sáu cảng phục vụ hành khách du lịch...
Sau khi chỉnh trị sông Hồng, khu vực từ mép sông đến tuyến đê mới được quy hoạch thành công viên ven sông với tổng diện tích 4.200 ha, nhằm tạo không gian mở, nơi tổ chức các lễ hội lớn, địa điểm nghỉ ngơi thư giãn của nhân dân. Tại đây sẽ xây dựng các khu bảo tồn thiên nhiên, công viên sinh thái, công viên thể thao, đường đi bộ... Tiếp theo dải đất quy hoạch công viên, hệ thống đường giao thông ven sông Hồng sẽ xây dựng theo tuyến đê hiện có và tuyến đê mới, bố trí các điểm đỗ xe công cộng. Tuyến đường sát sông có tổng chiều dài 80 km, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị, tốc độ 60 km/giờ, rộng từ hai đến tám làn xe, kết nối với tuyến đường vành đai hai, vành đai bốn của thành phố.
Các khu đô thị mới bên sông Hồng được quy hoạch thế nào?
Sau khi xác định hành lang thoát lũ và điều chỉnh một số đoạn đê, dự án sẽ tạo khoảng 1.500 ha là phần đất nằm giữa đê cũ và đê mới để đưa vào khai thác, xây dựng một chuỗi đô thị mới, hướng mặt ra sông Hồng. Theo các chuyên gia, đây thật sự là những mảnh đất "vàng" giữa lòng Thủ đô trong tương lai không xa.
Về tổ chức không gian và sử dụng đất, các chuyên gia chia sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội bốn đoạn gắn với các tiêu chí quy hoạch khác nhau để đầu tư xây dựng.
Khu vực một, là đoạn phía bắc cầu Thăng Long, được quy hoạch xây dựng các khu đô thị mới, trung tâm thương mại, dịch vụ. Tại khu vực cảng Thượng Cát đề xuất xây dựng một trung tâm hàng hóa lớn.
Khu vực hai, từ cầu Thăng Long đến cầu Chương Dương. Ðây là đoạn quan trọng nhất do giáp hồ Tây và khu vực nội thành. Phía bờ nam (thuộc địa bàn quận Tây Hồ, Ba Ðình) được quy hoạch trở thành trung tâm tài chính, thương mại, chứng khoán tại bãi Tứ Liên, đồng thời tạo nên những khu dân cư cao cấp. Phía bờ bắc sẽ xây dựng khu đô thị mới ở bãi Tầm Xá, triển lãm quốc tế ở phía bờ bắc Phương Trạch, quỹ đất dự phòng tổ chức các lễ hội và sự kiện thể thao quốc tế.
Khu vực ba, từ cầu Chương Dương đến cầu Thanh Trì, phía bờ nam sẽ giữ lại khu đô thị Đầm Trấu. Còn phía bờ bắc chia làm hai khu, bên ngoài là công viên sinh thái, còn bên trong là khu đô thị mới, khu phân phối hàng hóa.
Khu vực bốn, từ phía nam cầu Thanh Trì đến hết địa phận Hà Nội sẽ hình thành khu sinh thái ở bờ nam. Phía bờ bắc sẽ giữ lại toàn bộ làng Bát Tràng, phía nam xã Kim Lan, Văn Ðức sẽ phát triển thành khu đô thị mới, còn phần lớn diện tích quy hoạch làm nơi vui chơi, nghỉ dưỡng...
Các khu đô thị mới hai bên bờ sông được quy hoạch xây dựng chung cư, cao nhất 15 tầng, tại các bãi Tầm Xá (Ðông Anh), Thượng Cát (Từ Liêm), Tứ Liên (Tây Hồ), Bồ Ðề (Long Biên), Bát Tràng (Gia Lâm), sẽ cung cấp tổng cộng 90 nghìn căn hộ, trong đó dành khoảng 27 nghìn căn hộ cho các hộ dân trong diện di dời để giải phóng mặt bằng.
Giải phóng mặt bằng theo ba giai đoạn
Do khối lượng công việc đồ sộ, số lượng hộ dân cần giải phóng mặt bằng lớn, cho nên việc thực hiện dự án được chia thành ba giai đoạn.
Giai đoạn đầu, từ năm 2008 đến 2012, tiến hành di dời các hộ dân ở khu vực một và khu vực hai, để chỉnh trị đoạn sông thứ nhất, xây dựng khu dân cư 220 ha.
Giai đoạn tiếp theo, từ năm 2013 đến 2016, di dời các hộ dân khu vực hai, ba, để chỉnh trị đoạn sông tiếp theo, đồng thời xây dựng khu dân cư rộng 450 ha.
Giai đoạn cuối, từ năm 2017 đến 2020, di dời dân khu vực bốn, xây dựng khu dân cư rộng 980 ha, chỉnh trị đoạn sông còn lại. Ðể tập hợp trí tuệ rộng rãi, phản ánh nguyện vọng của cộng đồng, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, thành phố dự kiến sẽ tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự án vào tháng 9 tới.
Về kinh phí đầu tư, chỉ tính riêng phần kinh phí thực hiện dự án chính bao gồm chỉnh trị sông, công viên, đường ven sông đã lên tới 27 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,7 tỷ USD. Ðó là chưa kể đến kinh phí để giải phóng mặt bằng khoảng 35 nghìn hộ dân với hơn 170 nghìn người hiện đang sinh sống khu vực ngoài bãi sông. Vậy, có phương thức nào để huy động vốn thực hiện dự án? Phương án được nhiều ý kiến ủng hộ là kết hợp nhà nước và doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong đó, thành phố lo kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng, các doanh nghiệp lấy lợi ích từ việc triển khai dự án phát triển đô thị để đầu tư vào các công trình hạ tầng.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng tại Hội nghị báo cáo giữa kỳ dự án, thời gian tới, các bộ, ban, ngành của T.Ư phối hợp với TP Hà Nội, các chuyên gia Hàn Quốc trong quá trình lập quy hoạch, gắn quy hoạch này với quy hoạch tổng thể Thủ đô, quy hoạch vùng. Ðặc biệt, phải tính toán kỹ xây dựng hệ thống đê mới, các công trình hạ tầng kỹ thuật, chú trọng quy hoạch chi tiết đoạn sông chảy qua nội thành, tìm giải pháp hạn chế sự ảnh hưởng của phù sa sông Hồng đến các công trình, các phương án di dời, đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân... Các bộ, ban, ngành T.Ư sớm thành lập Hội đồng khoa học để thẩm định dự án, xây dựng cơ chế thu hút vốn đầu tư theo cơ chế đặc thù, phấn đấu dự án sớm triển khai, hoàn thành vào năm 2020.
Theo Kinh Tế & Đô Thị