Hà Nội: “hỗn loạn” chuyển nhượng đất

Cập nhật 29/12/2011 14:10

Theo nhận định của Sở TN&MT Hà Nội, thời gian qua, việc chuyển nhượng đất trên địa bàn TP có rất nhiều vi phạm, gây hậu quả xấu trong dư luận xã hội và tạo tâm lý coi thường kỷ cương pháp luật của người sử dụng đất…

Sai phạm nhiều - chính quyền không xử lý


Ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết, quá trình kiểm tra cho thấy, nhiều doanh nghiệp được Nhà nước cho thuê đất nhưng khi chưa được UBND Thành phố cho phép đã tiến hành ký hợp đồng chuyển nhượng, bàn giao hồ sơ và mặt bằng cho Doanh nghiệp khác.

Trong khi đó, doanh nghiệp được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhưng khi chưa được UBND Thành phố cho phép đã tiến hành ký hợp đồng chuyển nhượng, bàn giao hồ sơ và mặt bằng phân khu đất (có những trường hợp một thửa đất đã chia tách và chuyển nhượng cho nhiều chủ sử dụng cùng một lúc). Theo ông Hậu cho biết, đây là những trường hợp thường xẩy ra ở các khu công nghiệp.

Một hiện tượng vi phạm khác, đó là đất trúng đấu giá để thực hiện dự án đầu tư (xây dựng công trình hỗn hợp; văn phòng kết hợp nhà ở; xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc cho thuê hoặc kinh doanh dịch vụ văn phòng) nhưng Chủ đầu tư (người trúng đấu giá) chưa lập dự án đầu tư trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc Chủ đầu tư chưa hoàn thành việc đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng theo dự án được xét duyệt hoặc theo dự án thành phần của dự án đầu tư đã được xét duyệt, nhưng đã tiến hành chuyển nhượng ngay. "Thậm chí có trường hợp vừa trúng đấu giá xong, đang trong thời gian làm thủ tục nộp tiền theo quy chế đấu giá đã tiến hanh chuyền nhượng" - ông Hậu cho biết.

Ngoài ra, theo GĐ Sở TN&MT, trên địa bàn thành phố Hà Nội có một số trường hợp mới được UBND Thành phố có chủ trưong cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (thậm chí có trường hợp UBND Thành phố chưa có chủ trương cho phép), Chủ đầu tư chưa thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng theo quy định như: Lập quy hoạch, lập hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất; Chưa có Quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của UBND Thành phố nhưng đã tiến hành xây dựng công trình và huy động vốn của khách hàng.

“Các vi phạm trên thường chưa được các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương phát hiện, xử lý lập thời. Nhiều trường hợp đã xử phạt hành chính nhưng ở mức thấp hoặc không xử phạt mà hợp thức hoá luôn bằng cách cho tiếp tục làm thủ tục sử dụng đất” - ông Hậu nhận định.

Theo ông GĐ Sở TN&MT, điều này đã gây hậu quả xấu trong dư luận xã hội và tạo tâm lý coi thường kỷ cương pháp luật của người sử dụng đất.

Để chấm dứt các trường hợp vi phạm trên, đưa công tác quản lý việc sử dụng đất đai đi vào nề nếp, GĐ Sở Vũ Văn Hậu vừa có văn bản đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo không cho phép tiến hành thủ tục hợp thức hóa các trường hợp vi phạm nêu trên, giao UBND quận, huyện, thị xã nơi có đất lập hồ sơ thu hồi đất và tổ chức đấu giá theo quy định.

Cấm các cơ quan làm thủ tục hợp thức hoá

Liên quan đến tình trạng hỗn loạn nói trên, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cũng nhận định, tại Hà Nội có tình trạng một số tổ chức được giao đất, được thuê đất, trúng đấu giá quyền sử dung đất để thực hiện dự án đầu tư đã tự chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng tài sản gắn với đất thuê chuyển toàn bộ hoặc một phần dự án có sử dụng đất khi chưa được UBND Thành phố cho phép, không theo quy định tại Quyết định số 18/2010/QĐ-UBND ngày 10/5/2010 của UBND Thành phố quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sờ hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; đăng ký biến động về sử dựng đất, sở hữu tải sản gắn liền với đất cho các tổ chức trên địa bàn Thành phố, gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai.

Để chấm dứt tình trang nêu trên, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đồng ý với đề nghị của Sớ Tài nguyên và môi trường, quyết định không cho phép các cơ quan chức năng của Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã làm thủ tục hợp thức hóa cho các trường hợp vi phạm nêu trên.

Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh chỉ đạo, đối với các trường hợp đã vi phạm, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã (nơi có đất) hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thanh tra, đề xuất xử lý theo quy định của Luật Đất đai.

DiaOcOnline.vn - Theo Vnmedia