Các cửa hàng cho thuê ở các tuyến phố trung tâm luôn thu hút người muốn có mặt bằng để kinh doanh, nhưng từ khi chiến dịch “đòi lại vỉa hè cho người đi bộ” được thực hiện quyết liệt đã làm cho phân khúc này có dấu hiệu chững lại.
Những cửa hàng trong ngõ hút khách thuê. (Ảnh minh họa)
|
Các tuyến phố ở trung tâm có lượng người qua lại đông như phố Huế, Bà Triệu, Lò Đúc, Ngô Thì Nhậm… nhưng vỉa hè lại không được rộng, những phố này thường có những dãy cây cổ thụ to chiếm rất nhiều diện tích vỉa hè. Chính vì vậy, người kinh doanh buộc phải lấn chiếm hè đường làm nơi để xe cho khách hàng, hoặc những biển hiệu của cửa hàng cũng được các chủ kinh doanh làm trồi hẳn ra vỉa hè để “bắt mắt” hơn.
Từ khi có chiến dịch “đòi lại vỉa hè cho người đi bộ” thì những biển hiệu trồi ra đều bị buộc phải dỡ đi, vỉa hè được kẻ vạch chia đôi nửa làm chỗ để xe cho khách, một nửa thì dành cho người đi bộ. Chính vì điều đó đã tăng sự hạn hẹp vỉa hè đối với người kinh doanh và khách đến mua hàng khiến cho lượng khách giảm đi rõ rệt.
Chị Hương bán hàng ở cửa hàng Biggreen trên phố Ngô Thì Nhậm cho biết: “Từ khi có chiến dịch “đòi lại vỉa hè cho người đi bộ”, số lượng khách đến cửa hàng giảm đi vì đôi khi khách đến nhưng không đủ chỗ để xe nên khách đi luôn, đồng thời các gờ ngăn cách với lòng đường và vỉa hè rất cao, để phóng xe được lên vỉa hè chúng tôi phải làm thêm một đường gờ bắc lên, nhưng nay bị phá đi rồi nên khách hàng lên vỉa hè cũng rất bất tiện”.
Bên cạnh đó những địa điểm gửi xe không phải tuyến phố nào cũng có, cả một tuyến phố dài của Bà Triệu không có một chỗ gửi xe, phố Lò Đúc lại càng không có. Theo quan sát của phóng viên thì các tuyến phố hầu như rất hiếm bãi gửi xe, ngoại trừ những tầng hầm của các trung tâm thương mại. Xe máy đã khó khăn trong việc tìm chỗ gửi, ô tô còn khó khăn hơn rất nhiều.
Anh Hùng (phố Quán Thánh) thường di chuyển bằng xe ô tô chia sẻ: “Tôi rất ngại phải vào một cửa hàng nào đó trên đường mua đồ vì tìm chỗ gửi xe cũng rất mệt, mà có chỗ gửi thì luôn bị “chém đẹp” từ 40 tới 50.000 đồng mỗi xe. Bây giờ muốn mua gì cứ chạy thẳng vào trung tâm thương mại cho tiện”.
Tình trạng không đủ chỗ cho khách hàng gửi xe khiến hầu hết các cửa hàng trên các tuyến phố đều có doanh thu chậm lại. Điều đó kéo theo giá thuê cửa hàng, cửa hiệu cũng chững lại. Thậm chí, nhiều chủ cửa hàng đã phải dừng việc kinh doanh vì quá ế ẩm, nhất là những quán hàng ăn vặt, quán cơm, quán nhậu… bởi khách vào ăn thời gian thường lâu, lượng khách trong ngày nhiều, dắt xe ra vào chật chội vướng víu nên khách hàng rất ngại.
Nhiều chủ cửa hàng đã trả lại cửa hàng vì vỉa hè quá bé. Chị Hà, chủ cửa hàng ăn trên phố Lò Đúc cho biết: “Mỗi tháng tiền tôi thuê cửa hàng hết 20 triệu, bây giờ chỗ để xe bị hạn chế, nếu tìm được chỗ gửi xe trong ngõ mỗi tháng mất thêm 3 hoặc 4 triệu nữa, cộng thêm việc thuê thêm người dắt xe ra dắt xe vào cho khách thì tôi không còn lãi nữa nên tôi đang rao nhượng lại đồ đạc và cửa hàng để tìm một địa điểm nào đó trong ngõ thuê vừa rẻ hơn lại vừa có chỗ để xe rộng rãi”.
Đó cũng là ý tưởng của nhiều chủ quán ăn vặt, quán cơm trên các tuyến phố trung tâm, có những tuyến phố các cửa hàng đã treo biển cho thuê nhưng có vẻ ít khách hỏi thăm. Trái lại, những cửa hàng trong các con ngõ rộng lại đang rất hút khách thuê. Quán lẩu Nam gà trên phố Lò Đúc đã được chủ hàng rút hẳn vào ngõ 108 thuê hai cửa hàng liền kề để kinh doanh. Cho dù vào ngõ nhưng lượng khách của quán lẩu này vẫn không vì thế mà bị giảm đi.
Đây có thể chỉ là sự chững lại tạm thời của phân khúc nhà mặt phố cho thuê bởi người dân chưa quen với việc chấp hành nghiêm chỉnh để xe đúng nơi quy định. Thị trường này sẽ nóng lại khi những chỗ để xe, gửi xe được quy hoạch, mở rộng và bố trí hợp lý trên toàn thành phố.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng