Tại kỳ họp lần thứ 11 (từ ngày 4 - 6.12), Hội đồng Nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội sẽ xem xét tờ trình của Ủy ban nhân dân (UBND) TP Hà Nội về phương thức và giá bán nhà ở riêng lẻ có khả năng sinh lời cao ở mặt đường, mặt phố và nhà biệt thự theo Nghị định 61/CP và Nghị quyết 48 của Chính phủ.
Theo UBND TP Hà Nội, hiện toàn thành phố còn khoảng 54.000 căn hộ với 1,8 triệu m2 đất sử dụng thuộc sở hữu Nhà nước chưa được bán cho người đang thuê theo Nghị định 61/CP.
Trong đó, số hộ ở nhà riêng lẻ có vị trí ở mặt đường, mặt phố và nhà biệt thự, tức là những vị trí có khả năng sinh lời cao là khoảng 4.000 căn, chiếm 2,5%.
UBND thành phố đề xuất, vẫn tiếp tục áp dụng phương thức bán quy định tại Nghị định 61/CP và các văn bản hướng dẫn thi hành của Nhà nước và thành phố đối với loại nhà này.
Tuy nhiên, do đây là những căn hộ riêng lẻ, có vị trí đắc địa ở mặt đường, mặt phố, có khả năng sinh lời cao nên giá bán phải có sự điều chỉnh cho phù hợp. Theo đề nghị của UBND thành phố, sẽ áp dụng hệ số sinh lời K=1,2 đối với phần diện tích trong hạn mức đất ở (nội thành là 120m2, ngoại thành là 180m2).
Nghĩa là giá bán cuối cùng sẽ bằng giá đất hiện hành do UBND thành phố quy định nhân với 1,2 lần. Đối với phần diện tích ngoài hạn mức, UBND thành phố cũng đề xuất thu tiền sử dụng đất theo bảng giá đất ban hành hàng năm (không áp dụng hệ số K).
“Bởi bảng giá đất mới đã cao hơn giá đất quy theo Nghị định 61/CP từ 5 - 8 lần”, Phó chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh giải thích.
UBND thành phố cũng đề nghị tiếp tục thực hiện bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước đối với 552 biệt thự đang bán dở dang (có nhiều hộ cùng sinh sống) theo phương thức và giá bán giống như bán nhà ở riêng lẻ, có khả năng sinh lời cao và diện tích đất ở vượt hạn mức.
Trong số 106 biệt thự chưa tổ chức bán, ngoài 42 biệt thự ở trọn biển số nhà nằm trong danh sách biệt thự không được bán, UBND thành phố đề xuất tiếp tục bán đối với 64 biệt thự còn lại do đang ở trong tình trạng chung nhiều hộ, đan xen sở hữu, người sử dụng đã xây dựng, cải tạo, phá vỡ kiến trúc nguyên thủy, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Phương thức và giá bán nhà mới được đề nghị áp dụng đối với những hồ sơ mua nhà nộp sau ngày 30.8.2007 (ngày Nghị quyết 48 của Chính phủ có hiệu lực) và không hồi tố đối với những trường hợp đã mua nhà hoặc nộp hồ sơ trước đó.
Trong lần này, UBND thành phố Hà Nội thận trọng đưa ra đề nghị rằng, ngay cả khi phương thức bán nhà này được HĐND thành phố thông qua (theo kế hoạch hôm nay 5.12, HĐND sẽ xem xét vấn đề này), Hà Nội vẫn tiếp tục báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo trước khi thực hiện.
Như vậy, đề nghị của Bộ Xây dựng về việc giao cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các công ty hiện đang quản lý quỹ nhà sở hữu Nhà nước thực hiện đầu tư đối với quỹ nhà ở riêng lẻ, mặt đường, mặt phố có khả năng sinh lời cao theo phương thức xây dựng-khai thác và chuyển giao đã không được UBND thành phố Hà Nội tính tới.
Theo Thanh Niên