Hạn chế xây dựng tòa nhà cao tầng trong khu vực trung tâm Thủ đô Hà Nội |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu UBND TP. Hà Nội chỉ đạo dừng ngay việc phá các nhà biệt thự cũ và xây dựng các tòa nhà cao tầng trong khu vực trung tâm.
Theo Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2025 (văn bản số 348/TB-VPCP), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các khu vực đô thị trung tâm phải được nghiên cứu phương án quy hoạch bảo tồn khu phố cổ và các nhà biệt thự trong khu phố cũ để tôn tạo, bảo tồn, đồng thời có kế hoạch phục hồi, trùng tu duy trì phong cách kiến trúc đặc thù của các công trình này.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến cuối năm 2008, tổng số biệt thự thống kê được trên địa bàn thành phố quản lý là 970 biệt thự. Trong số này có 42 biệt thự không bán; 228 biệt thự chưa bán; 164 biệt thự đã bán và 536 biệt thự chỉ bán một phần. Hầu hết các biệt thự thuộc sở hữu nhà nước tại Hà Nội được xây dựng trước năm 1954, có kiến trúc kiểu Pháp, một số được kết hợp hài hòa giữ kiến trúc phương Tây và Á Đông, phần lớn tọa lạc ở những vị trí đẹp, trên các tuyến phố chính của Thủ đô. Kết quả khảo sát cho thấy, chỉ có 15% biệt thự còn nguyên trạng trong khi tỷ lệ đã bị cải tạo, biến dạng trong quá trình sử dụng chiếm tới 80% và 5% còn lại thì đã phá đi xây dựng lại. |
Đối với các khu chung cư cũ, khi cải tạo cần thực hiện chủ trương bảo đảm nghiêm ngặt các yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đô thị như: mật độ xây dựng, tỷ lệ đất dành cho giao thông, cây xanh,... để từng bước hoàn thiện đô thị văn minh, hiện đại.
Bên cạnh tỷ lệ đất xây dựng đô thị được xác định vào khoảng 30%, Thủ tướng nhấn mạnh kh+u vực nông thôn có tính chất đặc thù của Thủ đô, nơi cung cấp các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ cho đô thị, đồng thời chứa đựng nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
Do vậy, công tác quy hoạch phải vừa đáp ứng yêu cầu cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, bảo đảm sự phát triển cân bằng giữa hai khu vực nông thôn và đô thị, vừa phải bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cho khu vực này.
Để quản lý kiến trúc quy hoạch, theo Thủ tướng là cần khuyến khích các dự án đầu tư xây dựng đồng bộ, các khu nhà cao tầng tại các khu đô thị mới giữa các vành đai 3 và vành đai 4 và các đô thị vệ tinh để đáp ứng nhu cầu về nhà ở, giảm tải cho đô thị trung tâm.
Trụ sở các cơ quan hành chính Nhà nước đặt tại Mỹ Đình
Trong giai đoạn trước mắt, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng phối hợp với UBND TP. Hà Nội chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu quy hoạch trụ sở các cơ quan hành chính Nhà nước tại khu vực Mỹ Đình, tạo điều kiện cho các Bộ, ngành Trung ương xây dựng nâng cấp trụ sở làm việc đồng thời đáp ứng yêu cầu công tác cải cách hành chính.
Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu kỹ quy mô, phạm vi khu vực bố trí Trung tâm hành chính trong tương lai (tầm nhìn đến năm 2025) để đầu tư xây dựng khi có điều kiện.
Theo yêu cầu của Thủ tướng, tiến độ hoàn thiện đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 cụ thể như sau:
Cuối tháng 2/2010, báo cáo Chính phủ.
Tháng 3/2010, báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị và Trung ương Đảng.
Tháng 5/2010, báo cáo kết quả thực hiện công tác lập Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội với Quốc hội.
DiaOcOnline.vn - Theo Website Chính Phủ