"Sau khi tính toán, chúng tôi đưa ra trong mỗi quy hoạch một dự toán về kinh phí. Trong tất cả những quy hoạch trên, có mục tiêu là trước mắt, có mục tiêu là tầm nhìn và định hướng tới 20 năm sau”, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chia sẻ với báo chí.
* Hà Nội sẽ hiện thực hóa 5 quy hoạch và nguồn vốn dùng cho quy hoạch như thế nào, thưa ông?
Trong 5 quy hoạch đã được thông qua, đây là những ngành, những lĩnh vực kinh tế, xã hội rất chủ yếu, như vấn đề về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, giáo dục- đào tạo, y tế. Sau khi tính toán, chúng tôi đưa ra trong mỗi quy hoạch một dự toán về kinh phí. Trong tất cả những quy hoạch trên, có mục tiêu là trước mắt, có mục tiêu là tầm nhìn và định hướng tới 20 năm sau
Về cơ cấu nguồn vốn, đối với các ngành, như kinh tế, nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ thì phần cơ cấu nguồn vốn của ngân sách chỉ khoảng 10%. Còn lại 90% là nguồn vốn từ huy động từ các thành phần kinh tế, từ xã hội để chúng ta đầu tư vào phần gọi là phần kinh doanh.
10% này là nguồn vốn từ ngân sách để hỗ trợ về cơ sở hạ tầng. Đối với các ngành xã hội, như ngành giáo dục và đào tạo, y tế thì nguồn ngân sách phải là nguồn lớn. Cho nên trong tính cơ cấu, chúng tôi tính là 65% từ ngân sách cho các ngành, lĩnh vực xã hội này. Còn 35% là nguồn huy động từ xã hội.
Theo Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, có những quy hoạch là tầm nhìn cho 20 năm sau.
|
Vấn đề cơ bản bây giờ là làm sao huy động được nguồn vốn ngoài ngân sách. UBND thành phố cũng đã tính toán đến việc, tiếp theo sau khi thông qua thì sẽ xây dựng và ban hành những cơ chế chính sách để huy động được nguồn vốn này một cách hấp dẫn. Đấy chính là giải pháp mà tính khả thi của nguồn vốn trong thực hiện các quy hoạch này.
* Thưa ông, Hà Nội cần bao nhiêu tiền để hiện thực hóa 5 quy hoạch này?
Theo tính toán ở đây có số liệu phân kỳ rất cụ thể. Tôi không nói được số liệu cụ thể, nhưng tôi chỉ muốn nói rằng khi tính toán những việc này thì đã cân đối vào khả năng để chi cho các ngành lĩnh vực của cả quy hoạch tổng thể đã được tính toán.
Ví dụ như 3 ngành kinh tế thì trong 5 năm từ 2011-2015, tính toán giải ngân nguồn vốn cho vào là 1.500 tỷ. Còn đối với giai đoạn tiếp theo là hơn 2.000 tỷ của giai đoạn 5 năm tiếp theo. Việc này được cân đối từ đó để tính toán quay ngược lại khả năng thực tế của nó.
* Vậy Hà Nội sẽ dùng giải pháp đột phá nào hoàn thành mục tiêu đưa ra trong 5 quy hoạch, thưa ông?
Quy hoạch mạng lưới trường học cũng như bệnh viện phải căn cứ vào xây dựng chung mà vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Quy hoạch chung này phụ thuộc vào dự báo và tính toán quá trình đô thị hóa của chúng ta và phân bổ dân số theo đô thị này.
Trên cơ sở tính toán đó, từ nay đến khi đó, nhu cầu khi phát triển dân số và điều kiện đó thì chúng ta phải đưa ra mục tiêu là phải được bao nhiêu trường học căn cứ theo những định mức, tiêu chuẩn hiện nay, chưa nói đến định mức hiện đại sau này phải đưa ra được số lượng trường học cần xây dựng mới cũng như bệnh viện phải xây mới.
Giải pháp thực thi thì về mặt quy hoạch đất đai chúng ta có rồi, vấn đề cơ bản bây giờ là huy động nguồn vốn để đầu tư vào nó thôi. Chủ trương của chúng ta trong những năm tới là đầu tư vào cơ sở hạ tầng của hệ thống giáo dục đào tạo cũng như y tế, thì chúng ta phải rất thiên về nguồn lực của xã hội để đầu tư vào mạng lưới trường học này, chứ không thể chỉ trông vào chủ trương chính sách hiện nay dựa hoàn toàn vào công lập. Hệ thống mạng lưới khám chữa bệnh, bệnh viện cũng như trường học cũng là một trong những mảng xã hội rất quan tâm và xã hội cũng rất muốn tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.
* Như vậy sẽ có một số quy hoạch có rồi nhưng chưa thực hiện hoặc thực hiện dở dang. Có kèm theo chế tài, biện pháp buộc các chủ đầu tư hay quận huyện thực hiện nghiêm quy hoạch hay không?
Thông thường, sau khi phê duyệt 1 quy hoạch xong thì bao giờ cũng kèm theo kế hoạch tổ chức thực hiện. Đặc biệt là những quy định và quy chế để thực hiện quy hoạch. Đây là một trong những giải pháp trong tổ chức thực hiện quy hoạch.
Trên cơ sở này, sau khi thông qua, UBND thành phố sẽ ban hành quy định về quy chế quản lý quy hoạch này. Trên cơ sở quy chế đó thì phải thực thi để làm sao chúng ta bảo đảm quy hoạch được thực hiện. Đương nhiên khi chúng ta thực hiện quy hoạch còn vấn đề nữa là khi có biến động, thay đổi những tác động, phát sinh thì chúng ta có những điều chỉnh.
* Khi nguồn vốn được đáp ứng nhiều thì trường học sẽ dẫn tới lạm thu, bệnh viện dẫn tới tận thu. Phải cân đối nguồn vốn xã hội hóa như thế nào, thưa ông?.
Khi xã hội hóa thì một trong những vấn đề đặt ra là chúng ta phải kiểm soát được vấn đề về giá và thu, phí. Đây chính là trường hợp chúng ta phải khắc phục trong những vấn đề xã hội hóa vừa qua.
Xin cám ơn Chủ tịch!
DiaOcOnline.vn - Theo Vnmedia