Để tháo gỡ khó khăn trong công tác sửa chữa, cải tạo nhà chung cư cũ trên địa bàn, thành phố Hà Nội đã đề xuất cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở thời gian theo tuổi thọ công trình.
Đề xuất được đưa ra tại buổi làm việc của Bộ Xây dựng với thành phố Hà Nội về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ ngày 6/11.
Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn đã nêu ra hàng loạt vướng mắc, quy định của pháp luật; quy hoạch kiến trúc; chính sách giải phóng mặt bằng, tái định cư; quỹ nhà tạm cư; kinh phí đầu tư... trong quá trình thực hiện chủ trương cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Ông Tuấn cho rằng việc xác định sở hữu căn hộ chung cư (cấp sổ đỏ) không quy định niên hạn thời gian theo tuổi thọ công trình dẫn đến khó khăn khi cải tạo công trình đã hết hạn sử dụng.
Phó giám đốc Sở Xây dựng đề nghị Bộ Xây dựng bổ sung vào Luật Nhà ở sửa đổi việc cấp sổ đỏ thời gian theo tuổi thọ công trình và khi 2/3 tổng số chủ sở hữu đồng ý việc cải tạo xây dựng lại chung cư cũ thì cưỡng chế di dời số hộ còn lại nếu không chấp hành việc di dời.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng yêu cầu cơ quan chuyên môn của Bộ sớm công bố kết quả kiểm định chất lượng nhà C8 Giảng Võ, Hà Nội để có giải pháp thực hiện cải tạo xây dựng lại chung cư cũ này. Ảnh: Giang Huy.
|
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố hiện quản lý trên 1.500 chung cư cũ với quy mô từ 2-5 tầng. Các chung cư cũ cơ bản được xây dựng từ năm 1954 đến 1990, tuy nhiên vẫn còn tồn tại số ít nhà được xây dựng trước năm 1954.
Các chung cư cũ được bố trí rải rác khắp Hà Nội, tập trung ở các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng và một số tại quận Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Thanh Xuân.
Hầu hết chung cư cũ đã được chuyển đổi từ hình thức sở hữu nhà nước sang sử hữu tư nhân theo nghị định 61/CP. Các chung cư đến nay đã hết niên hạn sử dụng và xuất hiện tình trạng nguy hiểm với hệ thống hạ tầng xuống cấp.