Hà Nội còn hơn 130 dự án chậm giải phóng mặt bằng, chưa đưa đất vào sử dụng

Cập nhật 11/01/2008 11:00

Đến hết năm 2007, thành phố Hà Nội vẫn còn 79 dự án đã được giao đất để thực hiện các dự án đầu tư, với tổng diện tích là 1.218,79 ha nhưng tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) rất chậm. Trên địa bàn thành phố cũng có 54 dự án với tổng diện tích 329,56 ha đã hoàn thành công tác GPMB, nhưng quá 12 tháng chưa đưa được đất vào sử dụng hoặc chậm so với tiến độ.

Trong số này có 13 dự án đã có quyết định xử lý điều chỉnh thời gian thực hiện; 13 dự án có quyết định thu hồi đất giao cho đơn vị khác thực hiện; 9 dự án chậm triển khai do phải giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân...

Lý giải nguyên nhân chậm trễ trên, lãnh đạo UBND thành phố và các Sở, ngành chức năng cho rằng, do Luật Đất đai, Luật Đầu tư mới ban hành, nhiều chính sách quản lý về đất đai, đầu tư, xây dựng cơ bản, chính sách tài chính về đất đai có nhiều thay đổi. Tại thời điểm đó, các dự án lớn thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư qua hai thời điểm trước và sau ngày Luật Đất đai có hiệu lực đã gặp rất nhiều khó khăn.

Theo các cơ quan chức năng, do giá bồi thường cao, việc hỗ trợ chỗ ở thay đổi, nhiều người dân khiếu nại nên không thực hiện theo phương án đã phê duyệt. Đối với một số dự án đã hoàn thành GPMB, một số dự án phải chỉnh sửa hồ sơ thủ tục làm ảnh hưởng tiến độ. Cá biệt một số trường hợp không làm thủ tục xây dựng công trình được do chưa đủ điều kiện theo quy định của Pháp lệnh Đê điều năm 2001 và Luật Đê điều, có hiệu lực từ ngày 1/7/2007.

Cụ thể như dự án xây dựng trụ sở của Công ty xuất nhập khẩu vật tư đường biển tại phường Nhật Tân (quận Tây Hồ), dự án xây dựng nhà ở kết hợp dịch vụ của Công ty Xây lắp và vật tư xây dựng số 5, tại phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng). Một nguyên nhân nữa do các hộ gia đình bị thu hồi diện tích đất nông nghiệp quá lớn nên đã gặp khó khăn khi chuyển đổi nghề mới phù hợp với quá trình đô thị hóa và đảm bảo nguồn thu nhập.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội đã thừa nhận những lý do chủ quan, vì khối lượng các dự án phải GPMB lớn (bình quân mỗi năm có trên 300 dự án cần GPMB, với diện tích từ 800 - 1000 ha đất), trong khi đó chưa đủ điều kiện để thực hiện; quỹ nhà đất tái định cư chưa được chuẩn bị đầy đủ... Hệ thống hồ sơ địa chính được lưu giữ qua các thời kỳ cũng không đầy đủ, gây khó khăn cho việc xác định nguồn gốc đất khiến hiện tượng khiếu kiện kéo dài.

Về phía các chủ đầu tư, do không dự báo trước được chính sách đất đai của Nhà nước và thị trường nên một số chủ dự án đầu tư xây dựng phải tính lại hiệu quả đầu tư, không đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Một số chủ đầu tư chưa chuẩn bị đủ các thủ tục và điều kiện để khởi công xây dựng công trình theo dự án và quy hoạch được duyệt. Nguồn vốn của các chủ đầu tư, trong đó có cả một số dự án liên doanh với nước ngoài không đảm bảo đủ năng lực tài chính, hoặc chủ đầu tư đã đủ điều kiện khởi công, nhưng lại xin điều chỉnh quy hoạch, thiết kế ...Nhiều chủ đầu tư không chủ động lo quỹ nhà tái định cư, mà chỉ trông chờ vào quỹ nhà của thành phố.

Để đưa dự án sớm vào triển khai, các ngành đã đề xuất với thành phố nhiều giải pháp như: đối với các dự án có quyết định thu hồi đất, giao đất nhưng chậm GPMB thì Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất phối hợp với UBND các quận, huyện ra thông báo trong 30 ngày phải có văn bản giải trình nguyên nhân triển khai chậm, đồng thời tăng cường kiểm tra cùng các chủ đầu tư tháo gỡ vướng mắc với chủ đầu tư dự án. Với các trường hợp không đủ năng lực trển khai dự án, đề nghị UBND thành phố xem xét chuyển chủ đầu tư khác có kinh nghiệm và năng lực hơn.
 
Đối với các dự án có gia hạn thì thời gian thực hiện dự án cũng không được kéo dài quá 24 tháng. Thành phố tiếp tục đẩy mạnh phát triển quỹ nhà, đất tái định cư, ưu tiên dành những vị trí thuận lợi để thực hiện dự án tái định cư, đảm bảo điều kiện đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; đa dạng và công khai phương thức tái định cư bằng tiền, hoặc bằng nhà, đất để người dân có quyền lựa chọn.

Đối với các dự án sau 12 tháng kể từ ngày được bàn giao đất chính thức ngoài thực địa mà không đưa vào sử dụng, thành phố thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai. Các chủ đầu tư khi nhận mặt bằng theo đúng quy định phải có văn bản cam kết lại về thời gian khởi công và hòan thành công trình, các giải pháp cụ thể sớm đưa đất vào sử dụng.
 
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, chú trọng kiểm tra, thanh tra, kịp thời giải quyết những khiếu nại đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi GPMB triển khai các dự án phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.

Theo Bộ TN-MT