Hà Nội: Chờ xây nhà văn hóa, đất hoang "mời" rác

Cập nhật 21/08/2007 10:00

Trong chỉ 1 quận, hàng nghìn m2 đất bị bỏ hoang trở thành điểm lý tưởng để đổ phế liệu xây dựng, ném rác thải, vứt chó, mèo chết. Rào dây thép gai chống rác, chỉ khiến rác chất cao thêm (có bãi 3m). Đã có những quyết định về số phận các khu đất này, chỉ có điều, chưa thể thực thi...

"Ăn cạnh rác, ngủ mơ rác"

Nằm giáp ranh giữa cụm dân cư tổ 3, cụm Cơ Yếu, phường Nhân Chính và tổ 7, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân có một núi rác khổng lồ tồn tại cả chục năm nay. Bãi rác tạp kết trên khu đất dài gần 100m, rộng hơn 20m, xung quanh cây cỏ dại mọc rậm rạp, um tùm. Phía trong, phế thải xây dựng cả cũ lẫn mới cùng 1.001 loại rác chất thành đống cao đến 3m, bốc mùi xú uế nồng nặc.

Người dân ở đây cho biết, bãi rác này từng là một cái ao lớn rộng hơn 1 ha. Ao bị dân "xẻ thịt" dần, ồ ạt “nhảy dù”, thậm chí “đổ bộ” vào giữa ao để xây nhà ở. Từ một cái ao lớn, bỗng chốc chỉ còn lại hơn 1.000m2 đất, được phường Nhân Chính quản lý cho đến nay.

Bãi rác này nằm sát trường THCS và Trường Tiểu học Phan Đình Giót và sát cạnh nhà văm hoá cụm Cơ Yếu.

Chị Ngô Thị Liên, một người dân sống bên cạnh bãi rác, than phiền: “Quanh năm hôi thối, khổ quá! Hôm nào mưa to, nước bẩn đặc quánh từ trong bãi rác tràn ra đen sì cả đường, bốc mùi nồng nặc rất khó chịu. Bao nhiêu năm nay, kiến nghị lên phường, lên quận không biết bao nhiêu lần mà vẫn thế!”.

Chị Liên cho biết thêm: Đống phế thải vật liệu xây dựng đắp đống lên cao còn có nguyên nhân một phần là do UBND Phường Nhân Chính và UNND quận Thanh Xuân tiến hành cưỡng chế đối với 15 hộ dân nhảy dù tự ý vào xây nhà ở, nhưng sau khi cưỡng chế xong phường và quận lại bỏ mặc không cho xúc dọn đi nơi khác. Cùng với thời gian, đống phế thải ngày càng chất cao hơn, do nhiều hộ dân đào, sửa xây nhà mới lấy nơi đây là điểm vứt bỏ phế liệu.

Ông Lã Văn Đới - Tổ trưởng tổ dân phố cụm Cơ Yếu cho biết: Trước tình hình đất bỏ hoang thành nơi tụ tập rác thải, Hội Người cao tuổi của phường Nhân Chính đã nhiều lần xin UBND Phường Nhân Chính đề nghị với quận Thanh Xuân cho xây khu vui chơi, hội họp nhưng không được quận chấp thuận; thế là khu đất cứ bị bỏ mặc làm nơi chứa rác thải và tập kết phế thải xây dựng.



Rác thải chất đống ven đường
phường Nhân Chính, cây cỏ
mọc um tùm.

Một khu đất hoang khác, cũng trên địa bàn quận Thanh Xuân, cũng khiến dư luận cư dân sống xung quanh nhức nhối. Khu đất chứa rác này rộng hơn 1.000m2, sát nhà dân ở ngách 211/60 tổ 13a phường Khương Trung và ngách 21, tổ 8, phường Khương Đình.

Bà Nguyễn Thị Tân, nhà ngay cạnh bãi rác bức xúc: “Những ngày nắng, ruồi muỗi từ bãi rác bay hàng đàn lớn vào nhà, ngày mưa nước hôi thối từ đống rác chảy lênh láng ra đường rồi tràn cả vào nhà chúng tôi, chịu hết nổi. Để ngăn nước bẩn chảy vào nhà, tôi phải xây 2 hàng gạch trước cửa”.

“Đất không người ở nên người ta tha hồ ném rác; mèo chết, chuột chết cũng về tập trung cả về đây. Rác nhiều đến nỗi tràn ra lòng đường, tôi phải đốt dọn thường xuyên, nhưng cứ dọn xong hôm trước thì hôm sau lại đầy rác!”- Bà Tân phàn nàn.

Để giảm ảnh hưởng của bãi rác cạnh nhà, một số hộ dân đã phải mua dây thép gai rào xung quanh đống rác. Tuy nhiên, càng rào, rác thải lại càng được chất đống cao hơn, do người dân ném túi rác vào bên trong.

Người dân các khu vực trên đều ước có một phép màu hô biến những bãi rác đáng ghét này.

Về khu đất hoang ở phường Nhân Chính, ông Nguyễn Thế Hùng, cán bộ văn phòng UBND phường cho biết, phường Nhân Chính đã báo cáo lên UNND quận Thanh Xuân, đề nghị có dự án cụ thể. Trong lúc chờ đợi chỉ đạo của quận, phường Nhân Chính kết hợp với phường Thanh Xuân Trung tổ chức các hộ dân xung quanh ký cam kết không đổ rác, đổ phế thải xây dựng... Tuy nhiên, theo ông Hùng, lô đất tại phường Nhân Chính vẫn luôn đầy ắp rác mới, vì còn nhiều người vẫn lén lút đổ trộm vào ban đêm.

UBND Phường Nhân Chính cũng đã kết hợp với HTX Môi trường Thành Công để dẹp đống rác thải trên. Thế nhưng do ngõ vào đống rác quá hẹp không thể đưa máy móc vào được nên rất khó xử lý.

Về giải pháp với khu đất hoang thuộc hai phường Khương Trung và Khương Đình, ông Nguyễn Hữu Hoàn, cán bộ địa chính UBND phường Khương Trung, cho biết: Khu đất rộng hơn 1.000m2, trong đó đất thuộc phường Khương Trung là 315m2, còn lại 700m2 là của phường Khương Đình. Khu đất ở phường Khương Trung trước đây được phân cho 4 hộ dân mượn theo diện tích đất nông nghiệp để canh tác trồng trọt, tuy nhiên khu đất đang để hoang và trở thành bãi rác.

Những bãi rác này cũng nằm trong ngõ nhỏ chật hẹp, xe rác không thể vào; phường Khương Trung, Khương Đình đã thuê Công ty môi trường đô thị Thăng Long xúc dọn, nhưng thất bại.



Khu đất hoang thành bãi rác
ở phường Khương Trung.

"Đắp chiếu" chờ... xây nhà văn hóa

Để khắc phục tình trạng đất hoang thành bãi rác, UBND phường Khương Trung đã trình lên UBND quận Thanh Xuân xin được thu hồi diện tích khu đất này, để xây nhà văn hoá cho 2 cụm dân cư 13a và 13b. UBND Phường Khương Trung cũng đã xin phép Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội phê duyệt, chấp thuận cho phường xây nhà văn hoá phường, phù hợp với quy hoạch.

Ông Nguyễn Hữu Hoàn, cán bộ địa chính UBND phường Khương Trung thì cho biết thì UBND phường này cũng đang làm thủ tục để đo vẽ hiện trạng và làm các thủ tục trình UBND quận Thanh Xuân, xin được thu hồi lại đất bỏ hoang để xây nhà văn hoá phường.

Bà Phạm Thị Lan Phương, Phó chủ tịch UBND phường Khương Đình cũng khẳng định phường đang đợi quận Thanh Xuân cho thu hồi diện tích khu đất này để xây khu nhà họp.

Trao đổi với báo giới, Ông Đinh Tiến Sỹ, phó trưởng phòng, phòng Tài nguyên Môi trường quận Thanh Xuân cho biết:

Phần đất thuộc hai phường Khương Trung, Khương Đình trước đây được giao theo luật 1993 - 1994 đối với cán bộ công nhân viên, con em công nhân viên, bộ đội xuất ngũ về chưa có đất sản xuất; HTX Thanh Trì (khi chưa thành lập quận Thanh Xuân, phần đất này đang thuộc Thanh Trì) lúc đó căn cứ vào quỹ đất hiện có, đã cấp cho các đối tượng này sử dụng làm đất canh tác nông nghiệp theo nghị định 64. Tuy nhiên các hộ này lại sử dụng đất sai mục đích để đất hoang hoá. Trước tình hình này, UBND quận Thanh Xuân đã có quyết định cho thu hồi lại để xây nhà văn hoá, nhà hội họp cho phường.

Sau khi Phường Khương Trung, Khương Đình có tờ trình xin được xây dựng nhà văn hoá, nhà hội họp thì quận Thanh Xuân đã xác nhận trình lên UBND TP.Hà Nội và Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã chấp thuận cho phường xây nhà văn hoá.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cũng đã yêu cầu UBND hai phường Khương Trung và Khương Đình kiểm tra kỹ nguồn gốc, cơ sở pháp lý sử dụng đất, chủ sử dụng xác định rõ danh giới, mốc giới diện tích khu đất trên làm cơ sở trình cấp thẩm quyền thu hồi đất để triển khai dự án theo quy hoạch, tránh xảy ra tranh chấp khiếu nại.


Khu đất hoang - bãi rác phường Khương Đình.

Rào dây thép gai chống rác thải, rác chất cao thêm.


Tuy nhiên, theo ông Sỹ, để thu hồi khu đất của hai phường Khương Trung và Khương Đình đưa vào sử dụng là một quá trình dài và trải qua nhiều khâu, nhiều công đoạn: trong đó khâu thu hồi đất ít nhất cũng phải mất 6 tháng kể từ khi thông báo đến khi thu hồi, rồi sau đó đến các khâu duyệt chỉ giới, duyệt tổng mặt bằng... Nên việc xây nhà văn hoá hội họp ngay tại khu đất này là chưa thể.

Trong khi đó, theo bản báo cáo quỹ đất của UBND quận Thanh Xuân, khu đất bỏ hoang tại tổ 3, cụm Cơ Yếu Phường Nhân Chính có tổng diện tích 1.700m2. Kế hoạch sử dụng khu đất này của quận, theo báo cáo số 22/BC - UB ngày 16/3/2006, sẽ được sử dụng xây nhà ở của quận. Thế nhưng trên thực tế từ đó đến nay khu đất vẫn bị bỏ hoang và trở thành nơi tập kết rác thải.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, chuyên viên của phòng Tài nguyên môi trường quận Thanh Xuân, cho biết: hiện tại quận Thanh Xuân đã lập đoàn kiểm tra liên ngành và đang tiến hành kiểm tra rà soát lại, sau đó quận Thanh Xuân mới lập dự án cụ thể.

Thế là, các khu đất hoang, trong khi chờ dự án để trở thành hữu ích, cứ tạm thời "giúp" dân bằng cách hứng... rác!

Theo bản báo cáo Tổng hợp đất nông nghiệp, đất công, đất xen kẹt, đất chưa sử dụng của UBND quận Thanh Xuân ngày 16/3/2006, hiện tại diện tích đất đất công, đất kẹt đất chưa sử dụng của quận Thanh Xuân là 5,64ha. Theo kế hoạch của quận Thanh Xuân, nhiều khu đất năm trong diện tích đất công, đất kẹt, đất chưa sử dụng sẽ được sử dụng xây trường học, xây các công trình công cộng khu vui chơi, khu tái định cư... Tuy nhiên, đến nay nhiều khu đất vẫn bị bỏ hoang gây lảng phí nguồn tài nguyên đất.


Theo Vũ Điệp - Vietnamnet