Hà Nội: Chi ngân sách cho GPMB tăng ít nhất 20% do giá đất mới

Cập nhật 06/12/2007 14:00

Ngày làm việc thứ hai của kỳ họp thứ 11, HĐND TP.Hà Nội đã tập trung thảo luận các vấn đề về thu chi ngân sách năm 2007, dự toán ngân sách địa phương, phân bổ ngân sách cấp TP năm 2008 và điều chỉnh giá đất năm 2008.

Lập dự toán kiểu "trên trời"

Theo đánh giá của HĐND TP, việc thực hiện dự toán chi ngân sách năm 2007 của Hà Nội vẫn chưa khắc phục được những hạn chế của năm 2006. Đó là việc chi cho đầu tư phát triển đạt mức thấp so dự toán. Trong khi chi thường xuyên lại vượt dự toán 8,8%.

Bức xúc trước việc lập dự toán kiểu "trên trời", lập một đường nhưng lại chi một nẻo. ĐB Phạm Thị Loan kiến nghị, UBND TP cần xem lại phương pháp lập dự toán.

Trước "món nợ" hàng nghìn tỉ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất, đại biểu Chử Ngọc Tuất cho rằng, TP đã không kiểm soát và không quản lý được nguồn thu, tạo điều kiện để người đấu giá lợi dụng cơ chế thu tiền về túi của họ.

 "Để khoản kết dư ngân sách quá lớn trong khi còn rất nhiều khoản cần chi. Điều đó chứng tỏ khâu điều hành ngân sách kém" - ông Tuất nhấn mạnh.

Giá đất tăng - phát sinh nợ ngân sách

Cũng trong ngày 5.12, HĐND TP đã thông qua nghị quyết về khung giá đối với từng loại đất năm 2008. Theo đó, giá đất nông nghiệp được chia thành 5 loại, khu vực các quận nội thành là 252.000 đồng/m2; đất nông nghiệp tại huyện Từ Liêm khu vực giáp địa giới hành chính các quận nội thành đến bờ đông sông Nhuệ là 201.600 đồng/m2; các xã còn lại của Từ Liêm và các huyện ngoại thành mức tối đa là 162.000 đồng/m2.

Giá đất ở tại các quận nội thành có mức tối đa là 67.500.000 đồng/m2, tối thiểu là 2.500.000 đồng/m2; đất ở tại các khu dân cư nông thôn, mức tối đa là 2.250.000 đồng/m2 tối thiểu là 120.000 đồng/m2.

 Giá đất sản xuất phi nông nghiệp tại nội thành tối đa là 30 triệu đồng/m2, tối thiểu là 987.000 đồng/m2; khu vực nông thôn tối đa là 1.150.000 đồng/m2, tối thiểu là 90.000 đồng/m2.

Trước khi thông qua nghị quyết này, các đại biểu HĐND TP cũng có nhiều ý kiến về sự chênh lệch giá đất giữa các vùng giáp ranh. Theo ý kiến của một số đại biểu, đây là một thực tế đang gây khó khăn cho việc GPMB và phát sinh khiếu kiện kéo dài.

Đại biểu Nguyễn Cao Chí cho rằng, quy định giá đất đối với khu vực giáp ranh là chưa thỏa đáng. "Huyện đã đề nghị mức 201.600 đồng nay quy định lại nói thấp hơn thì không thể giải thích với người dân được. Hơn nữa, cùng địa bàn một xã mà lại có tới 2 mức giá thì khó chấp nhận, dân sẽ khiếu kiện" - đại biểu Nguyễn Cao Chí nói.

Đại biểu Đào Xuân Mùi cho rằng, chỉ nên quy định 2 loại đất nông nghiệp (đồng bằng và trung du) tránh những phức tạp cho những dự án lớn nằm trên địa bàn của nhiều xã, thậm chí là khác quận, huyện.

Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách Lê Văn Hoạt cũng phân tích: "Phương án tăng giá đất ở của UBND TP trình tăng không đồng đều, mức tăng lớn nhất tập trung vào các đường phố tại khu vực trung tâm buôn bán, thương mại và các khu vực đã được Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên nếu xét về tỉ lệ tăng thì khu vực này cũng chỉ tăng 20 - 25%. Trong khi đó đất ở khu vực nông thôn, tại một số huyện có tỉ lệ tăng 50 - 100%. Điều này sẽ gây khó khăn cho các gia đình ở khu vực nông thôn trong thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai".

Ông Nguyễn Văn Nam - Phó ban Kinh tế - ngân sách HĐND TP cho rằng, việc điều chỉnh giá cũng khiến tăng chi ngân sách cho GPMB, ít nhất là ở mức 20%. Giá đất tăng sẽ đưa đến tâm lý gây tăng giá nhà đất trong khu vực đô thị vốn dĩ đã cao.

 Ngoài ra, giá đất tăng sẽ gây khó khăn cho một số DN mới thực hiện thuê đất từ năm 2008 và các DN đang sử dụng đất kinh doanh nhưng chưa được giao đất, cho thuê đất.

Điều chỉnh giá đất sẽ giúp tăng thu ngân sách khi người dân, DN thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Tuy vậy, nhiều khả năng sẽ làm phát sinh thêm số nợ ngân sách về nghĩa vụ tài chính.

Theo báo cáo của UBND TP, hiện nay, số nợ tiền thuê đất của các tổ chức trong nước (tính đến hết năm 2007) vẫn còn khoảng 100 tỉ đồng chưa thể khắc phục được. Do đó, dự kiến, số nợ đọng này còn tiếp tục tăng trong năm 2008.

Theo Lao Động