UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì rà soát tổng thể, xác định quỹ đất đủ điều kiện làm quỹ đất thanh toán cho các dự án nhà đầu tư theo hình thực hợp đồng BT. Trong đó, ưu tiên bố trí đủ quỹ đất thanh toán các dự án BT trọng điểm.
UBND TP Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016-2020.
Đánh giá về việc triển khai các công trình trọng điểm của thành phố thời gian qua, UBND TP Hà Nội cho hay, một số dự án chậm tiến độ so với yêu cầu. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng của 2 tuyến đường sắt; dự án mở rộng đường Vành đai III, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long; dự án Khu Liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II,… còn vướng mắc, dẫn đến chậm tiến độ.
Một số dự án phải điều chỉnh thiết kế, điều chỉnh dự án như Bệnh viện Nhi, Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm giao dịch công nghệ thường xuyên - Khu liên cơ Võ Chí Công, bệnh viện Thanh Nhàn, bệnh viện Phụ sản,… cũng dẫn đến chậm.
Hàng loạt dự án BT “đổi đất lấy hạ tầng” được Hà Nội công bố trong thời gian qua (Ảnh minh họa).
|
Các dự án xây đường giao thông vừa được Hà Nội giao theo hình thức BT, gồm:
1. Dự án đường từ đê sông Hồng đến khu đô thị mới C2 - Gamuda Gardens (quận Hoàng Mai) có chiều dài hơn 2,6 km, mặt cắt 40 m, có tổng vốn đầu tư hơn 989 tỷ đồng. Đổi lại Hà Nội sẽ giao cho nhà đầu tư là Tập đoàn Tân Hoàng Minh khai thác 20 ha đất tại quận Hoàng Mai.
2. Dự án Xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông do Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest và Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát đầu tư. Tổng mức đầu tư dự án là 1.961 tỷ đồng. Đổi lại Hà Nội sẽ cho nhà đầu tư khai thác sáu khu đất có tổng diện tích 70,4 ha tại quận Hà Đông.
3. Dự án Tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường vành đai 2,5 do Công ty Cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng đầu tư. Tổng mức đầu tư dự án là 1.373 tỷ đồng.
4. Dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã tư Sở, kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã tư Vọng. Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 9.459 tỉ đồng.
5. Dự án đường từ phố Lê Trọng Tấn - đường Vành đai III (quận Thanh Xuân) có chiều dài 2,85 km, mặt cắt 30 m, tổng vốn đầu tư 1.412 tỷ đồng. Đổi lại Hà Nội sẽ thanh toán cho nhà đầu tư là liên danh Công ty Cổ phần Phát triển nhân lực LOD và Công ty TNHH Phát triển Bắc Việt khai thác quỹ đất 39,8 ha tại quận Nam Từ Liêm.
Ngay sau đó, Hà Nội đồng loạt ký các quyết định phê duyệt chỉ giới hai tuyến đường, tuyến từ Khu đô thị Ecopark đi đến đường 179 và tuyến đường Đa Tốn đi đường Hà Nội - Hải Phòng theo hình thức hợp đồng BT. Các doanh nghiệp này cam kết bỏ ra tổng vốn đầu tư 3.433 tỷ đồng thực hiện 3 tuyến đường để đổi lấy 74,6 ha đất tại huyện Gia Lâm, Hà Nội.