Bắt đầu phiên chất vấn buổi chiều nay, ngày 3/12, Giám đốc Sở xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục liên tiếp bị đại biểu Hà Nội chất vấn về những sai phạm trong quản lý nhà chung, nhà siêu mỏng siêu méo, chậm chễ trong việc cấp sổ đỏ đang gây bức xúc cho người dân trên địa bàn Hà Nội…
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội. Ảnh: Minh Huệ
|
Phần trả lời của Giám đốc sở xây dựng Hà Nội đã không làm hài lòng đại biểu khi “bỏ quên” trách nhiệm của mình trong vấn đề này. Sau khi nhận được câu trả lời của giám đốc Sở Xây dựng, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Đông) nhận định phần trả lời của sở xây dựng chưa thấy đâu trách nhiệm của Sở Xây dựng Hà Nội hay cá nhân Giám đốc Sở.
Trách nhiệm của giám đốc sở xây dựng ở đâu?
"Qua trả lời của đồng chí Giám đốc Sở Xây dựng, về việc kéo dài vi phạm chúng tôi chưa thấy trách nhiệm của Sở Xây dựng. Trả lời như vậy thì hầu hết bóng dáng quản lý nhà nước của Sở Xây dựng đối với quỹ nhà tái định cư, nhà chuyên dùng mà công ty nhà Một thành viên đang gây ra không có! Tôi muốn hỏi đến bao giờ thì xong nếu thuộc thẩm quyền của đồng chí? Về thẩm quyền của TP, xin đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP trả lời?”, đại biểu Mai chất vấn.
Đây là phản hồi của đại biểu Mai về câu hỏi cuối giờ sáng nay đã chất vấn giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội về việc quản lý nhà chung cư.
Theo báo cáo giải trình của UBND liên quan đến quỹ nhà tái định cư đã giao cho Sở Xây dựng điều hành và Công ty Quản lý Phát triển Nhà trực tiếp quản lý, có hơn 2.000 căn nhà tái định cư tồn đọng, chưa đưa vào sử dụng nhưng đã có người vào ở, vi phạm này kéo dài.
“HĐND TP. Hà Nội đã đeo bám nội dung này 3 năm, xin hỏi đến nay đã xử lý như thế nào? Trách nhiệm của Sở Xây dựng trong việc quản lý quỹ nhà này thế nào?”, đại biểu Mai chất vấn.
Về vấn đề này, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở xây dựng cho biết, TP. Hà Nội có tổng cộng 477 toà nhà chung cư và 166 toà nhà tái định cư. Trong số này, giao cho 112 toà nhà cho Công ty TNHH MTV phát triển Nhà, còn 18 toà chung cư, tái định cư giao cho Tổng Công ty Đầu tư Phát triển nhà. Hiện còn 28 nhà chung cư thấp tầng không có thang máy giao cho người dân tự quản.
Đối với quỹ nhà tái định cư theo đại biểu nêu 2.000 căn nhà mà Công ty TNHH MTV phát triển Nhà tự đưa người dân vào, vấn đề này thành phố đã chỉ đạo nhiều lần, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Xây dựng, Thanh tra Thành phố, Thanh tra công vụ của Sở Nội vụ cũng đã vào cuộc. Trên cơ sở báo cáo các đơn vị, trong tháng 12 này, đơn vị sẽ có báo cáo.
Tuy nhiên, ông Dục đánh giá 2.000 căn nhà này chia thành các nhóm: 533 căn hộ mà Công ty tự đưa vào đã kéo dài nhiều năm từ 2006 đến 2014, khoảng 312 căn hộ đã sử dụng. Tháng 6/2014 đến nay, Công ty TNHH MTV phát triển Nhà tiếp tục vi phạm 247 căn hộ.
Theo Sở Xây dựng, trong số 533 căn hộ diễn ra trong 2 giai đoạn, còn 625 căn hộ chưa đưa vào sử dụng có cả tồn đọng, mà số căn hộ này giao cho các chủ đầu tư và 12 quận, huyện nhưng dự án chưa thực hiện đến nơi đến chốn, có 1 số dự án các điểm khó khăn giải phóng mặt bằng vẫn tồn tại mặc dù đã thực hiện được đến 90% rồi.
“Để giải quyết vấn đề này, TP. Hà Nội đã quyết định, bắt đầu từ tháng 8/2015, tất cả các công trình sau khi phê duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng và kinh phí đưa vào kho bạc nhà nước thì "tiền trao cháo múc", tức tiền được đền bù bao nhiêu, đất đầu đi đền bù bao nhiêu thì đầu đến phải trả, còn thiếu thì cho trả dần. Phương thức này thực hiện rất hiệu quả, khắc phục được những tồn tại.
Với 288 nhà tạm cư cho các dự án, Sở Xây dựng đang đôn đốc, yêu cầu 533 chủ căn hộ nếu hết tháng 12 không nộp tiền sẽ cưỡng chế, mặc dù có cầm quyết định rồi, chuyển nhượng rồi nhưng chưa có chứng nhận quyền sở hữu nhà. Cho đến nay, biện pháp này khá khả quan, giúp thu được 250 tỷ đồng trên tổng số 480 tỷ đồng”, ông Dục nên giải pháp.
Chậm cấp giấy sử dụng đất… “doanh nghiệp đã biết sợ”!?
Tiếp tục chất vấn Giám đốc Sở xây dựng, đại biểu Nguyễn Đình Dương hỏi về những bất cập trong quản lý và vận hành nhà chung cư. Hiện nay với nhà chung cư tái định cư, việc quản lý còn tồn tại nhiều bất cập như chất lượng nhà, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quản lý và vận hành thiết bị chung, diện tích chung... Tỷ lệ cấp giấy chứng nhận hiện nay khoảng trên 53%.
“Vậy có biện pháp gì để giải quyết sớm hơn tình trạng này? Công ty một thành viên quản lý và đầu tư phát triển nhà có giải pháp gì để cải thiện chất lượng nhà chung cư tái định cư, trực tiếp là hơn 112 toà nhà công ty đang quản lý?”, đại biểu Dương chất vấn.
Đại biểu Dương còn chất vấn tới Giám đốc Sở Xây dựng về giải pháp khắc phục dứt điểm nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn và tình trạng hàng loạt nhà cao trên 20 tầng được xây sát vỉa hè trên tuyến Lê Văn Lương kéo dài có đúng quy định hay không?
Trả lời chất vấn của đại biểu Dương về vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 1300 nhà chung cư hiện nay chưa có và Sở đã yêu cầu công ty tiếp tục thực hiện. Như vậy không phải 53% nữa mà chúng tôi đôn đốc được 68%, thanh tra Bộ Xây dựng, thanh tra TP đã vào cuộc và công ty đã biết sợ.
“Người dân bảo rằng ông bán nhà cho tôi, sử dụng diện tích công không đúng và kinh doanh cho mục đích riêng thì đến nay Sở Xây dựng đã tham mưu đầy đủ văn bản pháp quy, chỉ chờ Bộ Xây dựng ban hành Quyết định 08 để thực hiện xong “căn bệnh” cho nhà tái định cư”, ông Dục cho biết.
Vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo, ông Dục cho biết không thể tránh khỏi việc cắt xén, chỉ giới không thể hết được chỉ giới răng cưa, vẫn có nhà siêu mỏng, siêu méo nên tuyến đường vành đai 1, vành đai 2, Trần Phú kéo dài…
“Hiện xuất hiện tổng cộng 521 mảnh đất siêu mỏng, siêu méo nằm ở phía sau tòa nhà, thanh tra quận và phường giữ được những mảnh đất này, sau đó xem xét từng mảnh đất xem mảnh nào được xây, được hợp khối, hợp thửa…. “, ông Dục cho biết.
Theo ông Dục, với 521 mảnh đất này được cấp phép xây dựng, trình dự án đi kèm được phê duyệt, thì cho đến nay Sở Xây dựng đã phối hợp Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài nguyên Môi trường ra soát lại và có 253 mảnh đất không thể xây dựng được, còn 166 mảnh đất có kết cấu tốt, kinh doanh tốt, đảm bảo cho người dân sử dụng.
“Trên địa bàn quận Thanh Xuân có nhiều tòa nhà sát đường và nhìn rất mỏng manh vì cao, Sở Xây dựng sẽ báo cáo với UBND TP. Thực tế nhà mà đại biểu chất vấn là tòa nhà Ocean Bank và có 6 nhà như vậy. Chúng tôi sẽ báo cáo thành phố không cấp phép để chiều cao hài hòa với chiều ngang”, ông Dục cho biết.
DiaOcOnline.vn - Theo BizLIVE