Hà Nội cảnh báo thảm họa cháy nổ, đổ sập chung cư

Cập nhật 30/05/2018 13:50

Một trong những rủi ro có thể trở thành thảm họa được Hà Nội cảnh báo đó là cháy, nổ, đổ sụp công trình nhà cao tầng, khu đô thị.

Hà Nội vừa phê duyệt đề án "Quản lý và giảm thiểu các rủi ro có thể trở thành thảm họa đối với Thành phố Hà Nội", trong đó cảnh báo 10 nguy cơ rủi ro trở thành thảm họa và trong đó có việc cháy nổ, sập đổ các chung cư cũ, chung cư cao tầng.

Cụ thể, theo Thành phố Hà Nội, các rủi ro cháy nổ, đổ sụp công trình được xác định có thể trở thành thảm họa của Hà Nội.

Đối với các chung cư cũ, rủi ro dẫn đến thảm họa khi xảy ra hiện tượng cháy, đổ sụp hàng loạt nhà chung cư.


Trung tâm thương mại và căn hộ MIPEC Long Biên của Công ty CP Hóa dầu quân đội một trong số 91 công trình cao tầng vi phạm PCCC vừa được công bố.

Theo thống kê, Hà Nội hiện có 1.579 chung cư cũ, tập trung ở 76 khu với 1.273 chung cư và 306 chung cư riêng lẻ với quy mô từ 2 đến 5 tầng. Đa số các chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng và phân bố tại 4 quận nội thành cũ, hiện đã có hiện tượng sụt lún, xuống cấp khá nghiêm trọng. Nếu động đất với cường độ 4 – 5 richter có thể gây sụp đổ hàng loạt các chung cư cũ. Hiện có khoảng 30 nghìn hộ dân đang sinh sống tại các chung cư cũ 4 – 5 tầng.

Đối với các khu đô thị mới, khu chung cư cao tầng, rủi ro thành thảm họa khi cháy toàn bộ hoặc đổ sụp. Nguyên nhân đổ sụp có thể do động đất cường độ lớn, khoảng 7 richter đối với các chung cư không được thiết kế chống động đất; hoặc do sai quy trình thiết kế, xây dựng.

Bên cạnh đó, cháy khu dân cư nếu không dập tắt kịp thời sẽ gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Các khu vực này tồn tại đan xen nhiều kiến trúc xây dựng khác nhau và quy hoạch xây dựng không đồng bộ; nhà dân xen kẽ với các khu dịch vụ thương mại nên số lượng, chủng loại chất cháy rất đa dạng, trong đó có nhiều chất dễ cháy như gas, bông, vải sợi, nilon, giấy, hóa chất...


Khu ngoại giao đoàn (quận Bắc Từ Liêm) với một loạt chủ đầu tư vi phạm PCCC như: Tòa nhà N03-T8; Tòa nhà N03-T2.

Đặc biệt, đối với các khu có mật độ dân cư cao, tồn tại nhiều nhà và công trình cổ, cũ, giao thông nhỏ, hẹp... như các khu phố cổ, khu nội đô lịch sử là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ, sập đổ công trình và rất khó cứu hỏa.

Hà Nội cũng lo ngại, trong tương lai, số lượng công trình ngầm ngày càng phát triển với quy mô lớn. Nguy cơ cháy nổ trở thành thảm họa do động đất hoặc do ý thức của con người hoàn toàn có thể xảy ra.

Phát hiện loạt “ông lớn” bất động sản vi phạm PCCC

Cảnh sát PC&CC Thành phố Hà Nội vừa rà soát, kiểm tra các cơ sở, công trình nhà cao tầng vi phạm các quy định về PCCC trong quá trình hoạt động. Trong quá trình rà soát, Cảnh sát PCCC đã công bố danh sách 91 công trình cao tầng cần khắc phục các tồn tại và vi phạm về PCCC, nhằm ngăn ngừa tai nạn cháy nổ, đảm bảo cuộc sống cho cư dân.

Điều đáng nói, trong bảng danh sách vừa công bố có rất nhiều khu chung cư cao tầng vi phạm PCCC; nhiều chủ đầu tư được xem là “ông lớn” trong làng BĐS nhưng lại có nhiều tòa nhà chung cư đang tồn tại và vi phạm PCCC gây mất an toàn cho cư dân.


Tổ hợp thương mại văn phòng và nhà ở để bán Eco Green City thuộc Khu đô thị Tây Nam Kim Giang (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) do Công ty TNHH BĐS và Xây dựng Việt Hưng là chủ đầu tư nằm trong danh sách công trình vi phạm PCCC vừa công bố.

Có thể kể đến như: Tổng Công ty Phát triển nhà và Đô thị HUD gồm các tòa chung cư tại Khu đô thị Văn Quán-Vạn Phúc (phường Phúc La, quận Hà Đông) như: Tòa CT1 A và B; CT2 A và B; CT3 A và B; CT7 A và B.

Loạt chung cư Việt Hưng (quận Long Biên) của Tổng Công ty HUD gồm: GH3-GH4; GH5-GH6.

Tổng Công ty nhà và đô thị (Bộ Quốc phòng) gồm các tòa nhà như: Chung cư M5 (Trần Vỹ, Mai Dịch quận Cầu Giấy); Chung cư CT1; CT2; D22 ngõ 62 đường Trần Bình phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy).
Khu ngoại giao đoàn (quận Bắc Từ Liêm) với một loạt chủ đầu tư vi phạm PCCC như: Tòa nhà N03-T8; Tòa nhà N03-T2.

Tổ hợp thương mại văn phòng và nhà ở để bán Eco Green City thuộc Khu đô thị Tây Nam Kim Giang (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) của Công ty TNHH BĐS và Xây dựng Việt Hưng là chủ đầu tư.

Loạt chung cư hỗn hợp thuộc khu HH Bán đảo Linh Đàm quận Hoàng Mai; chung cư CT8; CT10 Đại Thanh (huyện Thanh Trì); CT5 Tân Triều (Thanh Trì); VP6 Linh Đàm… của Công ty xây dựng tư nhân số 1.

Công ty CP Tứ Hiệp Hồng Hà dầu khí với hàng loạt chung cư tại khu đô thị Tứ Hiệp (xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì) gồm CT4; CT5; CT6; CT15; CT16.

Khu đô thị Đặng Xá (huyện Gia Lâm) của Tổng Công ty Viglacera với hoàng loạt tòa chung cư gồm: Tòa C13; C14; C15; C16 A và B; tòa D1; D2; D3; D4.

Trung tâm thương mại và căn hộ MIPEC Long Biên của Công ty CP Hóa dầu quân đội; Chung cư Ecohome Phúc Lợi của Công ty Đầu tư và Thương mại Thủ đô…cũng có tên trong danh sách.

Bên cạnh đó, trong số 91 chung cư, công trình cao tầng tồn tại và vi phạm PCCC vừa công bố có nhiều là trụ sở của ngân hàng, công ty, khách sạn như: Tòa nhà Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam tại 183 Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa); Tòa nhà Agribank-Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn (quận Nam Từ Liêm)…; Khách sạn Tirant; Khách sạn The Light; Khách sạn May de Ville đều ở quận Hoàn Kiếm; Bệnh viện đa khoa Thu Cúc (Thụy Khuê)…

“Tối hậu thư” cho các chung cư vi phạm PCCC

Trước đó, UBND Thành phố Hà Nội đã có thông báo yêu cầu khắc phục các tồn tại vi phạm về PCCC, trong đó yêu cầu Cảnh sát PCCC Thành phố rà soát, kiểm tra các cơ sở, công trình nhà cao tầng vi phạm các quy định về PCCC trong quá trình hoạt động và có văn bản thông báo, hướng dẫn cho các chủ đầu tư thực hiện.

Theo yêu cầu của Hà Nội, chủ đầu tư các cơ sở, công trình nhà cao tầng, siêu cao tầng còn các tồn tại, vi phạm về PCCC, yêu cầu khắc phục xong trước 30/6.

Đối với các giải pháp liên quan đến việc thay đổi công năng, cải tạo bố trí mặt bằng, quy mô, kiến trúc, kết cấu, phải xây dựng hồ sơ, trình các cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép theo quy định.

Thành phố cũng yêu cầu Cảnh sát PCCC kiểm tra, rà soát từng công trình, phối hợp với các cơ quan truyền thông thường xuyên đăng tải công khai đầy đủ danh tính và nội dung tồn tại vi phạm về PCCC, tiến độ khắc phục của chủ đầu tư. Kết quả xử lý, hoàn thiện PCCC báo cáo thành phố trước ngày 10/7.

Theo đó, thời hạn yêu cầu của thành phố đang đến gần nhưng danh sách các công trình chung cư, nhà cao tầng có tồn tại và vi phạm PCCC vẫn còn nhiều.

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet