Cửa không thể khoá vì bản lề đã bị đẩy cách xa tường, những bức tường nghiêng như tháp Pisa của Ý, nhà 5 tầng mà trông như 4 tầng vì tầng 1 đã bị lún gần hết... đó là chuyện đang diễn ra ở dãy khu tập thể nhà C1 Thành Công, quận Ba Đình, nơi cư trú của gần 500 nhân khẩu.
Ông Nguyễn Văn Hoà, ở phòng 103, người có hơn 20 năm thâm niên sống tại khu nhà này cho biết: "Khu nhà này xây dựng từ những năm 70 và không phải loại "cao tuổi" nhất trong các chung cư của Hà Nội. Hiện tượng lún của khu nhà xuất hiện chỉ khoảng 4-5 năm sau khi đưa vào sử dụng và mức độ ngày càng nghiêm trọng". Hiện tại, theo quan sát của chúng tôi, tầng 1 chỉ còn cao khoảng 1m (so với 2,7m thiết kế). Ông Hoà cho biết, tình trạng của khu nhà đã được phản ánh nhiều lần với chính quyền nhưng chưa được giải quyết.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Triệu, không phải chính quyền không quan tâm. Bằng chứng là tháng 8.2005, trước tình trạng nhiều khu chung cư xuống cấp đến mức nguy hiểm, Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành Nghị quyết về việc cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ; và tính đến nay đã có 20/23 khu chung cư cũ có phương án cải tạo, xây dựng lại. Vấn đề là ở chỗ, tất cả các dự án này đều rất chậm do vướng mắc về quy hoạch, nguồn vốn, cơ chế đền bù tái định cư...
Triển khai từ năm 2000, dự án cải tạo, xây dựng lại 16 nhà thuộc khu B Kim Liên (quận Đống Đa) mới hoàn thành được 2 nhà (B7 và B10) bằng nguồn vốn ngân sách. Khi thực hiện xã hội hoá việc cải tạo chung cư cũ, thành phố đã giao cho Tổng công ty xây dựng Sông Hồng nghiên cứu lập dự án cải tạo và xây dựng lại toàn khu. Theo thiết kế mới 14 khu nhà 5 tầng còn lại của khu B Kim Liên sẽ được cải tạo lại thành nhà 9 đến 21 tầng và phương án tái định cư được thực hiện theo nguyên tắc: ở tầng nào tái định cư đúng tầng đó; phần diện tích tăng thêm sẽ phải mua lại theo giá UBND thành phố quy định (đối với trường hợp đã mua nhà theo Nghị định 61) hoặc thuê nhà theo giá mới.
Nhưng theo chủ đầu tư, vướng mắc chính của dự án hiện nay lại đến từ chính người dân. Hiện tại còn 25 hộ dân đang sinh sống trên phần diện tích cơi nới của sân nhà B7, B10 cũ chưa thống nhất phương án tái định cư bởi theo phương án tái định cư được phê duyệt thì diện tích tái định cư chỉ được tính toán dựa trên diện tích hợp pháp của các hộ đang sử dụng hoặc sở hữu.
Một dự án rất lớn khác (29,23 ha) cũng đang được triển khai là cải tạo chỉnh trang toàn khu Nghĩa Tân (Cầu Giấy). Theo ông Lê Hồng Quân, Giám đốc công ty quản lý và phát triển nhà Hà Nội (chủ đầu tư), công ty sẽ tiến hành phá dỡ xây mới bao gồm 4 nhà 2 tầng, 2 nhà 3 tầng và 22 nhà 5 tầng tại khu vực này. Vướng mắc hiện tại của dự án này, theo ông Quân là do người dân chưa hiểu rõ về trách nhiệm và quyền lợi tái định cư nên một số đang có những phản ứng gay gắt, gây khó khăn cho việc triển khai.
Việc xã hội hoá, huy động mọi nguồn vốn cho việc cải tạo chung cư cũ đã được Hà Nội áp dụng từ lâu, trước cả khi Nghị quyết của Chính phủ cho phép nhưng hầu hết các dự án đều chậm một phần là do sự đồng thuận từ phía người dân chưa cao, đặc biệt là những hộ dân ở tầng 1, những hộ có diện tích cơi nới lớn. Nếu muốn đẩy nhanh hơn các dự án cải tạo chung cư cũ, có lẽ chính quyền thành phố cần quyết liệt hơn trong việc chỉ đạo cũng như cho phép chủ đầu tư thực hiện một số hỗ trợ trong những trường hợp đặc biệt.
Các khu chung cư sắp được xây mới (đã được phê duyệt):
C7 Giảng Võ; P3 Phương Liệt; B6 Giảng Võ; I1, 2, 3 Thành Công; nhà A Ngọc Khánh; khu 17 nhà gỗ; khu tập thể Nguyễn Công Trứ; khu tập thể Văn Chương; Thanh Xuân Bắc; Quỳnh Mai; khu tập thể Thượng Đình
(nguồn: Sở Tài nguyên-Môi trường và Nhà đất)
Tuyết Nhung
(Theo Thanh Niên)