Vẫn có không ít chủ đầu tư dự án nhà ở còn kiểu làm ăn chộp giật khiến người mua chung cư có cảm giác bị lừa dẫn đến xung đột.
Sau một thời gian lắng xuống, gần đây tại Hà Nội liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc tranh chấp với mức độ khá căng thẳng ở các chung cư. Sự việc tranh chấp đẩy lên đỉnh điểm khi cư dân ở nhiều chung cư đã tập trung “biểu tình” để phản đối chủ đầu tư.
Thực tế này gây hoang mang cho những người đang ở chung cư hoặc có ý định mua chung cư. Phải chăng không ít chủ đầu tư vẫn làm ăn kiểu “chộp giật”, coi lợi nhuận lên trên hết? Và vai trò của cơ quan quản lý ở đâu nếu nhà đầu tư có sai phạm?
Cư dân tập trung căng băng rôn phản đối chủ đầu tư.
|
Nhiều ngày gần đây, cư dân ở tòa nhà của Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở cao cấp Hồ Gươm Plaza tại quận Hà Đông đã tập trung căng băng rôn phản đối chủ đầu tư là Công ty CP may Hồ Gươm đã tự ý tăng phí trông giữ xe ô tô. Song, việc tăng phí này không phải là lý do chính, mà chỉ như “giọt nước làm tràn ly”.
Theo ông Đỗ Xuân Tùng, Phó Ban Quản trị tòa nhà Hồ Gươm Plaza, suốt thời gian 3 năm về ở, cư dân đã phát hiện ra nhiều sai phạm của chủ đầu tư. Điển hình nhất là việc chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì tòa nhà (khoảng 25 tỷ đồng) cho Ban Quản trị theo đúng lộ trình đã cam kết, chủ đầu tư tự ý chuyển đổi công năng nhiều phần diện tích, “hô biến” thành hàng trăm căn hộ.
Theo thiết kế ban đầu, dự án có 499 căn hộ, đến nay đã thành hơn 700 căn hộ và bán hết cho người dân. Như vậy đồng nghĩa với việc tăng dân số, gây quá tải từ tầng hầm, chỗ để xe, điện, nước, hệ thống thoát nước, phòng cháy chữa cháy…
“Cư dân đã gửi nhiều đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền nhưng vẫn chưa xử lý được dứt điểm các sai phạm của chủ đầu tư. Chính quyền có vào cuộc nhưng không đủ mạnh mẽ và không quyết liệt để giải quyết dứt điểm các vấn đề khiến cư dân ngày qua ngày vẫn phải chịu sự o ép của chủ đầu tư. Vì vậy, cư dân mới bắt buộc phải đấu tranh với mong muốn có sự vào cuộc của chính quyền cấp cao hơn”, ông Tùng bức xúc.
Hàng loạt vụ việc tranh chấp khác cũng đã xảy ra trong thời gian gần đây tại Hà Nội, như việc cư dân ở dự án Home City, quận Cầu Giấy “biểu tình” tố chủ đầu tư chặn lối đi chính tại địa chỉ 177 Trung Kính, đẩy người dân phải đi vòng qua đường Nguyễn Chánh.
Nhiều khách hàng mua nhà tại dự án Golden Silk - Kim Văn Kim Lũ, đường Nguyễn Xiển cũng phản ánh chủ đầu tư bàn giao nhà khi công trình vẫn đang thi công, ngổn ngang cát vữa, thang máy chưa vận hành, sảnh và hành lang chưa đầy đủ… Hay người mua nhà tại dự án EcoLife Capitol (quận Hà Đông) bức xúc khi phát hiện chủ đầu tư tự ý thay đổi thiết kế, vi phạm nội dung trong hợp đồng mua bán…
Phân tích về vấn đề này, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng nhận định, tranh chấp thường xảy ra ở những chung cư đã bán nhà trước thời điểm Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực, tại các dự án chung cư đơn lập, hợp đồng mua bán giữa chủ đầu tư và người mua nhà không rõ ràng. Hợp đồng mua nhà phải quy định rõ phần diện tích nào là của riêng người dân, phần nào của riêng chủ đầu tư, phần nào sử dụng chung, nêu rõ trách nhiệm của chủ đầu tư…
Thời gian qua nổi lên hiện tượng là chủ đầu tư khi quảng cáo, giới thiệu dự án thì rất hoa mỹ, đường đi thuận tiện, dịch vụ hoàn chỉnh, tự nhận là chung cư cao cấp, 5 sao… nhưng thực tế khi người dân về ở lại khác xa như vậy.
Theo ông Trần Ngọc Hùng, trong trường hợp các hợp đồng mua bán không rõ ràng, chính quyền cần vào cuộc, nếu chủ đầu tư vi phạm quy định pháp luật cần xử lý nghiêm.
“Chính vì nhiều vấn đề không rõ ràng như bản vẽ, đường đi lối lại, diện tích cũng như hợp đồng kinh tế… đã dẫn đến tranh chấp nên việc này chính quyền phải vào cuộc. Chỉ cần phân biệt theo hồ sơ dự án mà chủ đầu tư đã trình lên và được thành phố phê duyệt, trong đó sẽ ghi rất rõ. Trong trường hợp nào đã rõ ràng nhưng chủ đầu tư không thực hiện, người dân có quyền kiện ra tòa án”, ông Hùng chỉ rõ.
Theo nhiều chuyên gia, vẫn có không ít chủ đầu tư dự án nhà ở còn kiểu làm ăn “chộp giật”, quảng cáo một đằng làm một nẻo, khiến người mua chung cư có cảm giác bị lừa… Thời điểm này nhiều dự án đi đang hoàn thiện và đưa vào sử dụng, nên người mua nhà phát hiện ra nhiều sai phạm như tính sai diện tích, không thực hiện đúng thiết kế ban đầu, cắt giảm các tiện ích của cư dân…
Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực từ tháng 7/2015 quy định rất cụ thể về trách nhiệm của chủ đầu tư, nhưng việc xử lý đối với các trường hợp sai phạm gần như còn bỏ ngỏ, hoặc có nhưng chưa thực sự quyết liệt.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, trong thời điểm này, khách hàng cần rút kinh nghiệm, tìm hiểu kỹ hợp đồng mua nhà, thậm chí nhờ tư vấn của luật sư.
“Các quy định của Luật Kinh doanh bất động sản cũng như các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng đã rất cụ thể, đầy đủ. Người mua nhà cần lưu ý khi ký hợp đồng mua nhà nên đọc kỹ tất cả các điều khoản quy định trong hợp đồng, nếu thấy điều nào chưa đúng cần phải làm rõ trong hợp đồng. Với những tranh chấp đã xảy ra, cần nêu rõ trách nhiệm của mỗi bên trong hợp đồng”, ông Thanh lưu ý.
Chủ đầu tư vi phạm hợp đồng, người mua nhà có thể khởi kiện ra tòa. Còn nếu chủ đầu tư cố tình vi phạm các quy định của pháp luật, rõ ràng các cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý để bảo vệ quyền lợi người mua nhà, tuân thủ sự nghiêm minh của pháp luật.
Thực tế, báo chí cũng như người dân đã phát hiện và phản ánh nhiều sai phạm của một số chủ đầu tư dự án nhà chung cư, nhưng không hiểu vì lý do nào đó, sai phạm vẫn tồn tại, chưa được xử lý dứt điểm, gây bức xúc dư luận.
DiaOcOnline.vn - Theo VOV