Hà Nội hiện có khá nhiều trung tâm thương mại (TTTM) đã và đang đi vào hoạt động. Nhưng thực tế thời gian qua cho thấy, bên cạnh một số TTTM có tỷ lệ lấp đầy cao và lượng khách ghé chân tương đối lớn như Lotte Center, Aeon Mall…, thì có khá nhiều khu TTTM rơi vào cảnh đìu hiu, ế ẩm, thậm chí phải ngừng hoạt động, chuyển đổi mô hình hoặc vẫn duy trì hoạt động song hầu như không có khách, mà nếu có khách thì cũng vì mục đích vào dạo mát, tránh nắng nóng mà thôi…
Nhiều trung tâm thương mại tại Hà Nội vắng khách, không khí mua bán ảm đạm.
|
Dạo qua một số TTTM, theo ghi nhận của phóng viên, không khí mua sắm tại các trung tâm này là khá ảm đạm. Tại TTTM Parkson Tây Sơn (tọa lạc ngay ngã tư phố Tây Sơn giao phố Thái Hà, Q.Đống Đa, Hà Nội), hầu như trên 7 sàn của trung tâm này hàng hóa chủ yếu là mỹ phẩm, quần áo giày dép thời trang, đồ gia dụng của các thương hiệu lớn, cao cấp như Lacoste, Bobbi Brown, MAC, Christan Dior, Levis… Và dù có giảm giá đến 50% thì vẫn không có người mua.
Theo nhân viên gian hàng bán giày dép, túi xách tại đây, thì bình thường có khá ít khách hàng vào mua sắm bởi TTTM này khá nhỏ. Trước đây, khi mới đi vào hoạt động, tầng 7 được trung tâm bố trí là khu vực ẩm thực nhưng bây giờ thì không còn nên không hấp dẫn được khách hàng. Các gian hàng cũng thưa dần do không có khách. Nhưng nguyên nhân dẫn đến không khí ảm đạm này có lẽ là do TTTM chủ yếu bán hàng của các thương hiệu cao cấp, giá cả đắt đỏ so với thu nhập của đại đa số người dân nên khó bán, không có nhiều lựa chọn bình dân như ở một số TTTM khác. Tương tự như vậy, Parkson ở Keangnam cũng phải đóng cửa do làm ăn thua lỗ.
Cùng chung tình trạng trên, TTTM Tràng Tiền Plaza, nằm tại vị trí đắc địa bậc nhất tại Hà Nội, được xem là khu TTTM sang trọng, nhưng ngay sau dịp khai trương, các gian hàng luôn vắng vẻ, người tham quan thưa thớt. Năm 2014, được mở cửa trở lại sau khi được “tái cơ cấu”, không khí mua sắm tại trung tâm này không nhộn nhịp hơn là mấy. Hay như TTTM Hàng Da, Cửa Nam…, sau khi chuyển đổi từ chợ dân sinh thành TTTM thì giao dịch mua bán dường như dừng hẳn, không nhộn nhịp như trước.
Tuy không rơi vào tình trạng đìu hiu, ế ẩm như những TTTM vừa nêu, song tại các trung tâm như Lotter Center (Đào Tấn), Royal City (Ngã Tư Sở) …, dù lượng khách vào ra có vẻ tấp nập hơn nhưng nếu so với thời điểm mới khai trương, số lượng đã giảm đi đáng kể. Nhiều gian hàng, đặc biệt là của các thương hiệu lớn khá vắng lặng. Lý do bởi nhiều người vào đây chỉ để đi dạo chơi, ngắm hàng hóa.
Đại diện Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, ở Việt Nam những TTTM hút khách thường là mô hình kết hợp, lồng ghép với các dịch vụ khác như ăn uống, vui chơi giải trí. Những trung tâm thương mại mới mở như Lotte Center (Đào Tấn), Aeon Mall (Long Biên) hiện nay khá đông khách do biết khai thác mô hình này.
Theo thống kê hiện nay, có tới 80% khách hàng là người có thu nhập trung bình, do đó số khách hàng có nhu cầu mua sắm thực sự tại các TTTM là rất ít (khoảng 10 - 20%). Chưa kể, các shop nhỏ kinh doanh hàng nội địa Nhật Bản, Thái Lan, các siêu thị, cửa hàng tiện ích với đủ loại mặt hàng thiết yếu, giá cả cạnh tranh đã và vẫn là lựa chọn thường xuyên của khách hàng, thu về lợi nhuận lớn hơn rất nhiều so với các TTTM…
Có thể thấy, thị trường bán lẻ tại Việt Nam thực ra còn rất nhiều tiềm năng nhưng các chủ đầu tư đã thất bại là do đầu tư quá ồ ạt và nhanh chóng mà không lường trước biến động của thị trường. Mặt khác, do biến động kinh tế, các xu hướng của các nhà bán lẻ là di chuyển ra khỏi các TTTM để tìm đến những mặt bằng giá rẻ hơn. Chính vì vậy, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, với nguồn cung sẵn có và giá thuê thấp hơn nhiều thì các loại hình cho thuê nhà phố thương mại vẫn chiếm lĩnh thị trường. Vấn đề là các chủ đầu tư phải linh hoạt đáp ứng nhu cầu của nhà bán lẻ, kèm theo đó thì những mặt hàng bán ra phải đa dạng, giá cả phù hợp với nhu cầu, khả năng túi tiền của khách hàng. Khi đó, thị trường bán lẻ sẽ khởi sắc trở lại…
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng