(DiaOcOnline) - Thời điểm 15/7 có vẻ như một cái mốc cho kênh bơm tín dụng chính thức mở ra, tạo ra không khí gần tương ứng với sự bắt đầu chu kỳ chuyển động của thị trường bất động sản vào đầu năm 2009. Liệu sắp tới gia tốc của thị trường này có được đẩy nhanh hơn?
Ngân hàng tự cứu mình!
Giảm lãi suất cho vay đang thật sự trở thành một hiện tượng kinh tế và xã hội. Vào ngày 12/5, tức chỉ sau 5 ngày diễn ra hội nghị 6 tháng đầu năm 2012 của ngành ngân hàng, một thống kê sơ bộ đã cho biết có tới 5 ngân hàng thương mại lớn của nhà nước cùng với hàng chục ngân hàng thương mại cổ phần đã tự nguyện kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay về duới 15% đối với các khoản vay nợ cũ.
Bước khởi đầu đầy mau mắn như và hứa hẹn như thế đã tạo đà cho những ngày sau. Không chỉ những ngân hàng dồi dào thanh khoản mà cả những ngân hàng bị xem là thiếu thanh khoản như Phương Tây cũng đang phải tính đến chuyện sẽ kéo hạ lãi suất cho vay như thế nào.
Thật dễ hiểu là không thể không làm đúng theo quy luật cung cầu tín dụng. Điều cần nói ở đây không phải là cứ nhất thiết cần đến một chỉ thị hay thông tư của Ngân hàng nhà nước - phạm trù mà nếu lạm dụng quá nhiều sẽ hết “thiêng”. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào chính các ngân hàng. Đã đến lúc ngân hàng không thể do dự trong sách lược cho vay, bởi sức cầu của nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng đang quá yếu. Trong bối cảnh đó, lối thoát duy nhất cho các ngân hàng là làm mọi cách để đẩy vốn tồn. Tuy không công bố, nhưng dư luận về con số tồn ứ tín dụng tại các ngân hàng là rất nhiều, có thể không thua kém gì con số dư nợ bất động sản mà họ báo cáo vào cuối năm 2011 (khoảng 200.000 tỷ đồng).
Hơn nữa, tín dụng cho nền kinh tế còn tạo ra môi trường cạnh tranh từ đây đến cuối năm. Xu thế giải ngân bắt buộc đối với đầu tư công, kéo theo con số ít nhất 21-23.000 tỷ đồng/tháng sẽ là một thách thức nào đó đối với các ngân hàng thương mại trong việc chèo kéo khách hàng.
Cũng bởi thế, không mấy ngạc nhiên là đang nối tiếp xu hướng cho khách hàng cá nhân vay vốn để mua nhà. Xu hướng này lại được lồng trong xu thế chung về cung tín dụng. Nhưng như một “cuộc chiến không tuyên bố”, vốn tín dụng hướng vào kênh bất động sản vẫn như được ưu tiên hơn cả. Giờ đây, nhiều ngân hàng đang áp dụng rất nhiều chiêu thức để thu hút khách hàng, kể cả mức lãi suất 0% cho năm đầu tiên tại Vietcombank.
Vào nửa cuối năm 2011 hay mới mới đầu quý 2/2012, những mức lãi suất cho vay quá ưu đãi đã là điều không tưởng đối với khách hàng cá nhân vay vốn. Nhưng đến lúc này, tuy mối quan hệ cung cầu tín dụng chưa thật nghiêng về phía nào, vẫn có cảm giác khách hàng cá nhân bắt đầu lấy lại vai trò “thượng đế’ của mình.