Thị trường bất động sản (BĐS) đang đối mặt với tình trạng mất cân đối cung - cầu, hàng tồn kho rất lớn. Các DN kinh doanh BĐS đang mất cân đối nghiêm trọng về tài chính; nhiều DN đã mất khả năng thanh toán nợ đến hạn...
Vì vậy, để tự cứu mình, một số DN đã hạ giá bán BĐS với tỷ lệ khá lớn. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, đó là hành vi “bán phá giá” và cần được ngăn chặn. Đó là nhận định thiếu khách quan, không có cơ sở.
Trước hết, trong nhiều năm qua, các DN đầu tư, kinh doanh BĐS đã hoạt động rất hiệu quả, lợi nhuận/cổ phiếu (EPS) có khi lên tới trên 10.000 đồng và nhiều khi có những khoản lãi đột biến khi mở bán dự án, chuyển nhượng dự án... Vì vậy, bong bóng tài sản trên thị trường BĐS đã phình lên khá to. Đến nay, bong bóng bắt đầu xì hơi, các DN gặp nhiều khó khăn, thua lỗ cũng là chuyện bình thường.
Hơn nữa, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hiện tại, giá BĐS vẫn ở trong tình trạng bong bóng, quá cao so với thu nhập của đại đa số người dân. Giá cần điều chỉnh giảm mạnh nữa về vùng giá hấp dẫn hơn. Theo GS.Đặng Hùng Võ, một chuyên gia trong lĩnh vực BĐS, giá chung cư có thể đưa được xuống 10 triệu đồng/m2nếu DN biết tiết giảm chi phí, áp dụng công nghệ tiên tiến... Mức giá này là phù hợp với số đông người dân hơn, so với mức giá phổ biến trên 20 triệu đồng/m2hiện tại. Hạ giá bán nhà mạnh mẽ để người có thu nhập thấp có thể mua được nhà là chủ trương nhất quán của Chính phủ và thuận mua, vừa bán là nguyên tắc quan trọng nhất trong kinh tế thị trường.
Vì vậy, sự “lên án” các DN “bán phá giá” BĐS là không thỏa đáng, đi ngược lại cơ chế thị trường. Và từ đó, các biện pháp nhằm giải cứu thị trường BĐS cũng cần được xem xét một cách toàn diện. Nếu bơm tiền ra thị trường bằng cách cho các DN vay để đảo nợ với mỹ từ “tái cơ cấu” nợ và giải quyết được về mặt hình thức khoản nợ xấu của các ngân hàng thương mại thì sẽ phát sinh tác dụng ngược. Đó sẽ là biện pháp “cứu người giàu” hơn là hướng tới đối tượng người nghèo chiếm đa số trong xã hội. Khi đó, tất yếu các DN sẽ ngừng việc “bán phá giá”. Mục tiêu đưa giá BĐS về với giá trị thực sẽ còn xa vời.
Bơm tín dụng cho người dân vay để mua nhà là biện pháp cần thiết và có thể giải cứu thị trường BĐS. Song, cần có biện pháp giám sát để người dân không phải chấp nhận mua BĐS với giá cao, không cho vay để mua sản phẩm cao cấp như biệt thự, liền kề, căn hộ cao cấp...
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng