Tại hai phường Phú Lương, Phú Lãm (Hà Đông, Hà Nội) đang diễn ra thực trạng nhiều khu đất nông nghiệp sau khi được hợp thức hóa thành đất ở, được tách thửa và xây nhà ồ ạt.
Như báo điện tử VnMedia đã phản ánh, sau khi những mảnh đất ruộng, đất xen kẹt được hợp thức hóa thành đất ở và được Sở Tài nguyên và môi trường TP Hà Nội cấp sổ đỏ, các chủ đầu tư đã làm hồ sơ xin tách thửa và xin cấp phép xây dựng nhà ở.
Các dãy nhà được xây dựng trên khu vực đất nông nghiệp tại quận Hà Đông
|
Tại khu vực đất nông nghiệp thuộc tổ 4 phường Phú Lãm, tổ 1 Vân Nội thuộc Phường Phú Lương, có hơn 100 căn nhà vừa được xây dựng với diện tích 30-35m2/căn. Theo phản ánh của người dân, chỉ cách đây vài tháng, các khu đất này vốn là đất ruộng, đất ao nhưng không hiểu vì lý do gì nó đã được cấp sổ đỏ.
Theo chị N.T.N (người mua nhà) cho biết, đầu năm 2018, vợ chồng chị đã mua căn nhà 4 tầng tại tổ 4 phường Phú Lãm với giá 1.8 tỷ đồng. Căn nhà này đã được Nhà nước cấp sổ đỏ. Việc mua bán đều có phòng công chứng chứng thực và hai bên đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước. Hiện giờ, hai vợ chồng chị đã đứng tên sổ đỏ.
Tuy nhiên, khi phóng viên đưa cho chị xem tờ giấy phép xây dựng có thời hạn được UBND quận Hà Đông cấp cho chủ công trình trước đó, chị N mới tá hóa khi biết căn nhà mình mua nằm trên khu vực đất có quy hoạch.
Trong giấy phép ghi rõ nội dung: “Công trình xây dựng được tồn tại tới khi Nhà nước giải phóng mặt bằng để thực hiện quy hoạch, gia đình phải tự phá dỡ công trình. Nếu không tự phá dỡ thì bị cưỡng chế, chủ nhà sẽ phải chịu mọi chi phí cho việc phá dỡ. Việc bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện quy hoạch áp dụng theo quy định hiện hành, công trình xây dựng theo giấy phép xây dựng sẽ không được bồi thường”.
Chị N bức xúc cho biết, thời điểm mua, căn nhà vừa được xây mới 4 tầng và có sổ đỏ nên gia đình chị hoàn toàn yên tâm. “Mình không hề biết gì về việc khu đất đã được quy hoạch. Nếu biết thì mình không bao giờ mua”.
Tương tự, anh V.H.B (người dân) lo lắng chia sẻ, anh mua mảnh đất phía trước nhà chị N với giá hơn 1 tỷ. Sau khi sang tên sổ đỏ, anh B đã làm đơn xin cấp phép xây dựng. Khi đó, anh mới được cán bộ phòng đô thị quận Hà Đông thông báo mảnh đất của anh B chỉ được cấp giấy phép có thời hạn do đất nằm trong quy hoạch.
“Tôi mua đất đã được Nhà nước cấp sổ đỏ và trong sổ cũng không có ghi chú gì liên quan đến đất nằm trong quy hoạch nên hoàn toàn yên tâm. Đến khi xin cấp phép, tôi mới biết mảnh đất tôi mua nằm trong quy hoạch đất vườn hoa, cây xanh. Nhưng giờ khi biết được thông tin thì đã muộn vì tiền mua đất tôi đã thanh toán hết, không thể lấy lại được” - anh B nói.
Bất thường những tờ giấy phép xây dựng
Trong quá trình xác minh việc người dân xây dựng nhà trên các thửa đất nông nghiệp, đất xen kẹt đã được hợp thức hóa thành đất ở này, đối chiếu các thông số về số tờ, sổ thừa trên sổ đỏ với bản đồ địa chính lưu tại UBND Phường Phú Lãm, Phú Lương cho thấy có sự không trùng khớp. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì UBND quận Hà Đông vẫn cấp giấy phép xây dựng cho các công trình này.
Bởi theo quy định, khi phát hiện có sự sai lệch về số tờ, số thửa trong sổ đỏ, đơn vị cấp phép phải đề nghị xác minh lại thông tin từ đơn vị cấp sổ đỏ là Sở Tài nguyên và Môi trường.
Trao đổi với PV, đại diện phòng Quản lý đô thị UBND quận Hà Đông cho biết, sau khi tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép xây dựng của công dân, cán bộ sẽ liên hệ với chủ nhà, xuống tận công trình để xác định mốc giới xây dựng. Qua kiểm tra cho thấy, các vị trí khu đất này đều có nhà cấp 4, có vị trí, ranh giới rõ ràng.
Theo quy trình, đối với những công trình mà không có tọa độ rõ ràng, đơn vị cấp phép sẽ yêu cầu chủ công trình phải thuê đơn vị đo đạc xác định rõ tọa độ mảnh đất hoặc căn nhà. Sau đó, sẽ đối chiếu với bản đồ quy hoạch TP phê duyệt, nếu không vướng vào quy hoạch sẽ cấp phép xây dựng. Trong trường hợp, thửa đất nằm trong quy hoạch thì sẽ chỉ cấp giấy phép xây dựng có thời hạn.
Còn việc thông tin trên sổ đỏ sai lệch so với bản đồ địa chính thì chủ nhà phải có trách nhiệm liên hệ với đơn vị cấp giấy chứng nhận để đối chiếu, chỉnh sửa.
Trước đó, qua tìm hiểu được biết, nhiều diện tích đất nông nghiệp tại phường Phú Lương, Phú Lãm (Hà Đông) đã được UBND huyện Thanh Oai cấp sổ đỏ từ năm 2003 trước khi hợp nhất về Hà Nội. Mặc dù phôi sổ, chữ ký, con dấu là thật nhưng nội dung trong sổ nghi vấn là giả mạo do không có hồ sơ lưu trữ nào chứng minh đã được cơ quan chức năng cho chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở. Liên quan đến vụ việc này, năm 2008, một số cán bộ của huyện Thanh Oai đã bị khởi tố và xử lý theo quy định của pháp luật.
Nhưng điều bất thường, một số lượng phôi sổ được chủ tịch UBND huyện Thanh Oai thời điểm đó ký tên, đóng dấu sẵn hiện vẫn đang trôi nổi trên thị trường và đã có những đối tượng lợi dụng những bìa đỏ này chào bán nhằm mục đích hợp thức hóa cho đất nông nghiệp. Chính vì vậy, đã xuất hiện nhiều sổ đỏ bị sai lệch về số ô, số thừa so với bản đồ địa chính. Do vậy, không thể loại trừ khả năng những dãy nhà vừa mới xây kia cũng nằm trong diện đi mua sổ đỏ để hợp thức hóa xây nhà. Hậu quả, rủi ro sẽ đẩy hết về phía người dân mua nhà.
Diaoconline.vn – Theo VNMedia