GS. Đặng Hùng Võ: Muốn cắt sốt đất, cán bộ địa phương đừng đi mua bán đất nữa

Cập nhật 10/05/2018 14:37

Hầu hết đặc khu kinh tế xảy ra tình trạng sốt đất đều có cán bộ quản lý tham gia mua đi bán lại, do đó, để cắt cơn sốt đất thì cán bộ đừng đi mua đất nữa, thay vào đó là tuyên truyền cho người dân hiểu những hệ luỵ do nó gây ra.

GS. Đặng Hùng Võ

Đó là khẳng định của GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường khi trao đổi với TheLEADER xung quanh câu chuyện sốt đất tại các đặc khu kinh tế tương lai Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang).

Theo ông Võ, người dân đổ xô đầu tư đất nền đặc khu, tấp nập chuyển nhượng, mua đi bán lại, đẩy giá đất lên cao để kiếm lời chẳng qua vì họ thấy cán bộ địa phương cũng đang đầu tư đất.

"Người dân mạnh tay mua đi bán lại đất đai vì họ thấy cán bộ đang làm thì dại gì mà không làm. Cứ như vậy, cơn sốt đất bị đẩy lên cao không có điểm dừng. Trong khi đó, nếu cán bộ địa phương gương mẫu ngay từ đầu, tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu rõ những hậu quả nghiêm trọng của việc sốt đất thì chắc chắn sẽ không có cò đất, hay người dân nào "dám đầu cơ", ông Võ nói.

* Thưa ông, dư luận hiện nay đang rất nóng về câu chuyện tăng giá đất tại các đặc khu kinh tế, ông có bình luận như thế nào về thực trạng này?

GS. Đặng Hùng Võ: Đất nền tại các đặc khu kinh tế tương lai của Việt Nam tăng giá manh trong thời gian gần đây là điều hoàn toàn dễ hiểu. Nó được giải thích bởi rất nhiều lý do, trước hết là do tâm lý người Việt Nam vốn rất thích đất nền và đầu tư đất nền.

Họ luôn có suy nghĩ rằng khi bỏ tiền ra mua một nền đất ở đó, hiện giờ có thể giá chưa cao nhưng cứ để nền đất nằm ở đấy, vài năm sau giá có thể tăng gấp lên gấp 3, 4 lần nếu tình hình kinh tế phát triển ổn định.

Cầu tăng, tất yếu giá đất nền cũng tăng, đặc biệt, đây lại là những đặc khu kinh tế. Khi Chính phủ đã khi đã quyết định một địa phương nào đó trở thành đặc khu thì đương nhiên việc tăng giá đất ở đó là đúng quy luật, điều này chứng tỏ quyết định lên đặc khu của Chính phủ là đúng đắn.

Ngược lại, nếu lên đặc khu mà đất đai tại đó vẫn nguyên giá thì rõ ràng quyết định thành lập đặc khu là sai. Do đó, việc tăng giá đất tại các đặc khu là hiện tượng bình thường, nếu giá đất không tăng thì mới là điều vô lý, không bao giờ xảy ra.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là giá đất tăng như thế nào là hợp lý, đúng quy luật thị trường và như thế nào là tăng trưởng nóng, bất hợp lý. Hay nói cách khác là tăng có gia tốc, tích tụ bong bóng, tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế.

Ở các đặc khu hiện nay, rõ ràng đất đang sốt giá ảo do sự nhiễu loạn của giới đầu cơ, cò đất lướt sóng kiếm lời. Điều này là rất nguy hiểm và cần sớm có giải pháp ngăn chặn kịp thời.

* Vừa qua, lãnh đao chính quyền cả ba đặc khu kinh tế đều đã có yêu cầu tạm dừng chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhằm ngăn chặn tình trạng sốt giá ảo, ông có quan điểm như thế nào về vấn đề này?

GS. Đặng Hùng Võ: Trước đây, đã có lúc Chính phủ cấm hẳn việc phân lô bán nền, có lúc lại cho đô thị loại 3 trở xuống được phân lô bán nền. Vừa qua, lại có quy định cho rằng việc chia lô bán nền là quyền của mỗi địa phương. Suy cho cùng, đây vẫn là câu chuyện mỗi lúc chính sách quy định một khác.

Theo tôi Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương không nên thả quá manh cơ chế chia lô bán nền nhưng cũng không nên bỏ hoàn toàn vì theo kinh nghiệm quốc tế, đây là cơ chế để giải quyết nhà cho người nghèo, người có thu nhập thấp.

Các cơ quan nhà nước cần xác định đâu là địa phương có người thu nhập thấp để được áp dụng cơ chế này. Còn nếu mở rộng ra thì người giàu sẽ mua đất phân lô bán nền chứ không phải người nghèo.

Đơn cử như cơn sốt đất tại các đặc khu kinh tế hiện nay, hầu hết là những người có tiền cùng giới cò đất đổ tiền vào lướt sóng kiếm lợi. Do đó, việc tìm ra giải pháp để ngăn chặn là rất cần thiết.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc chính quyền các địa phương yêu cầu tạo dừng các giao dịch chuyển nhượng đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng đất là vi phạm pháp luật, bởi đó là quyền của người sở hữu đất. Quyền này chỉ không được thực hiện khi có quyết định thu hồi đất của nhà nước.

H,iện tại các địa phương vẫn chưa có các quyết định thu hồi đất lại cấm giao dịch là không đúng luật. Điều này có thể khiến dư luận cho rằng: "Ngay cả Nhà nước, chính quyền cũng làm không đúng pháp luật thì làm sao có xã hội pháp quyền". Do đó, các địa phương xảy ra sốt đất cần cân nhắc thật kỹ.

* Vậy theo ông các đặc khu kinh tế nên có giải pháp nào để ngăn chặn cơn sốt đất nền?

GS. Đặng Hùng Võ: Để chặn cơn sốt đất, các đặc khu nên có biện pháp khác để kìm hãm sự tăng giá, tích tụ bong bóng, tạo sốt ảo chứ không nên đưa ra giải pháp cấm giao dịch, bởi bản chất việc cấm giao dịch này là không đúng.

Về giải pháp cụ thể để cắt cơn sốt đất, trước hết phải chấp nhận một thực tế là khi đã trở thành đặc khu, việc tăng giá đất là đúng quy luật, các cấp chính quyền và cơ quan phải chấp nhận thực tế này, không thể nói rằng lên đặc khu mà giá đất vẫn giữ nguyên.

Vấn đề ở đây là các cơ quan chính quyền phải quản lý làm sao để việc tăng giá đất ấy không bị đẩy lên quá cao tạo sốt ảo, bóng bóng nhà đất do hành vi mua đi bán lại, lướt sóng trên thị trường.

Việc này chính quyền hoàn toàn làm được và ngăn chặn được. Bởi tôi cho rằng, tại những nơi sốt đất phát triển mạnh, hầu hết những nơi đó đều có cán bộ quản lý tham gia vào mua đi bán lại. Đó là cán bộ cấp xã phường, huyện hoặc tỉnh, họ thấy có lợi thì gì mà dại gì mà xuóng mua, thậm chí mua giá cao nhưng chắc chắn sẽ mang lại lợi nhuận lớn trong thời gian ngắn.

Người dân thấy cán bộ mua đất cũng đầu tư theo. Họ mạnh tay làm là vì thấy cán bộ đang làm.

Vậy để chặn sốt đất thì phải làm sao để cán bộ đừng đi vào xuống mua đất nữa. Thay vào đó, hay tuyên truyền, vận động cho người dân biết những hệ luỵ của sốt đất ảo xảy ra với chính các nhà đầu tư khi mắc cạn. Người dân thấy cán bộ thật ngương mẫu thì cũng "sợ" mà không dám làm.

Việc ngăn chặn sốt đất cần được thực hiện nghiêm túc từ trên xuống, từ đầu chứ không phải chỉ "chặt" phần ngọn như cách làm của các địa phương hiện nay.

* Những hệ luỵ của sốt đất ảo cụ thể là gì, thưa ông?

GS. Đặng Hùng Võ: Đã gọi là sốt đất ảo, tất nhiên giá đất sẽ không thể tăng mãi được, sẽ đến lúc nó bị vỡ, lúc đó rất nhiều nhà đầu tư tháo chạy không kịp sẽ bị thiệt hại hoàn toàn, thậm chí mất cả cơ nghiệp.

Nghiêm trọng hơn, việc này còn gây thiệt hại chung cho đất đai khu vực đó, tác động mạnh đến toàn bộ nền kinh tế cũng như quá trình xây dựng đặc khu kinh tế sau này. Trong cơn sốt đất, chỉ một người "nhanh chân" được lợi nhưng lại gây hậu quả khôn lường cho toàn xã hội.

* Xin cảm ơn ông!

DiaOcOnline.vn - Theo Theleader