Ngày 18-9, UBMTTQ TPHCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành đóng góp “Đề án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 và quy chế quản lý đô thị cấp 2 khu trung tâm hiện hữu TP và mở rộng 930ha của TPHCM” để hoàn chỉnh trình TP phê duyệt.
Đa số các ý kiến cho rằng đề án do Công ty Nikken Sekkei (Nhật Bản) thực hiện còn nặng về con số khiến chính những người trong nghề cũng chưa hiểu hết; đề án còn sơ sài, chưa phù hợp với thực tế, thiếu tính khả thi. Đề án thiếu hẳn 3 thông số quan trọng về dân số hiện hữu, dân số có mặt và khách vãng lai…
Có ý kiến cho rằng, đề án quy hoạch nhiều nhà cao tầng tại khu trung tâm sẽ tiếp tục tạo áp lực về tăng dân số cơ học, gây ngập nước, kẹt xe, thiếu sự kết nối giao thông giữa bờ Đông với bờ Tây và Nam sông Sài Gòn, chưa chú ý khai thác thế mạnh của một TP sông nước xinh đẹp như TPHCM. Ngoài ra, đề án chưa nêu rõ nguồn vốn đầu tư, chọn nhà đầu tư, thời gian thực hiện và thiếu các luận cứ khoa học, thiếu cơ số khảo sát thực tế...
Các đại biểu kiến nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM sớm tham mưu cho UBND TP xem xét, điều chỉnh, bổ sung những vấn đề đặt ra để tránh quy hoạch TP trở thành một “siêu đô thị” trong tương lai; việc quy hoạch phải kết hợp hài hòa giữa hiện đại với truyền thống văn hóa dân tộc, phù hợp với quá trình phát triển nền kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của TP; quy hoạch phải đảm bảo diện tích công viên cây xanh, khí hậu thông thoáng cho TP, nhất là phải giải quyết được tình trạng ngập nước, kẹt xe, khói bụi, tiếng ồn…
Để một đề án đáp ứng được mọi nhu cầu và thật sự có ý nghĩa với người dân TP, việc quy hoạch trung tâm TP hiện hữu và mở rộng TP cần chú trọng xây dựng không gian đô thị hiện đại, không gian sinh hoạt cộng đồng, công viên cây xanh, tạo nếp sống văn minh đô thị cho người dân; tăng cường phát triển hệ thống tàu điện ngầm.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng